10/03/2021 15:09
FPT liệu có ‘giải cứu’ thành công HoSE trong 4 tháng tới?
Bên cạnh việc dừng áp dụng lô giao dịch 1.000, khuyến khích việc chuyển đổi cổ phiếu từ HoSE sang HNX trên tinh thần tự nguyện, phương án triển khai hệ thống giao dịch thay thế tạm thời cho HoSE do FPT thực hiện đang được giới quản lý đánh giá là "hoàn toàn khả thi".
Cuộc họp giữa Bộ Tài chính và các bên liên quan mới đây trong mục tiêu “chung tay giải cứu” tình trạng nghẽn lệnh ở Sở giao dịch chứng khoán TP.HCM (HoSE) gần như đưa ra những giải pháp mới. Trong đó “nóng” nhất là chuyện nghiên cứu áp dụng hệ thống phần mềm đang được vận hành tại Sàn giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) cho hệ thống giao dịch tại HoSE.
Giới quản lý đánh giá phương án có 3-4 tháng để triển khai và hoàn thiện này là hoàn toàn khả thi, trong khi việc nâng cấp hệ thống chính thức theo KRX (mà HoSE hợp đồng với Hàn Quốc) lại bị cho là “đường hầm không thấy ánh sáng”.
Cũng vì điều này mà có nhiều nghi vấn xoay quanh phương án của FPT. Bộ Tài chính đã giao cho các Sở ban ngành liên quan làm việc trực tiếp với FPT để hoàn thiện phương án, sau đó sẽ có báo cáo với Thủ tướng Chính phủ.
Ông Dương Dũng Triều, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty Hệ thống thông tin FPT, cho biết phương án mà đơn vị này đánh giá khả thi là sẽ triển khai cài đặt phần cứng, phát triển phần mềm hoặc sử dụng công nghệ có sẵn để chỉnh sửa, mở rộng nâng cấp phần mềm theo quy định về giao dịch hiện tại, kiểm thử với các công ty chứng khoán, các đơn vị liên quan, rà soát an ninh bảo mật.
Sau khi nghiệm thu hoàn chỉnh sẽ đưa vào vận hành chính thức và FPT sẽ hỗ trợ HoSE trong việc quản lý và vận hành hệ thống.
“Phương án này sẽ đáp ứng tốt hơn về tính chủ động trong công nghệ, sự an toàn cho hệ thống hiện tại vẫn đang giao dịch hàng ngày, cũng như các quy định về pháp lý. Tinh thần là cần khẩn trương nhưng cẩn trọng, đẩy nhanh tốc độ các quy trình nhưng không bỏ qua hay lơ là các bước quan trọng”, ông Triều nói.
Theo đại diện FPT, thời gian triển khai sẽ phụ thuộc nhiều yếu tố (chẳng hạn như các công ty chứng khoán có sửa nhiều hay ít hệ thống của họ hay không), nhưng nguyên tắc là đảm bảo tiến độ, chất lượng, an toàn và không ảnh hưởng nhiều tới hệ thống của các công ty chứng khoán, cũng như hệ thống quản lý nội bộ của HoSE.
“Hệ thống mới đảm bảo an toàn bảo mật, khả năng chịu tải cao phục vụ nhiều giao dịch một thời điểm, đáp ứng và xử lý được gấp đôi năng lực của hệ thống hiện nay của HoSE và đủ “mềm dẻo” để nâng cấp được theo nhu cầu của thị trường”, lãnh đạo FPT nói.
Đây không phải là lần đầu tiên FPT thực hiện những dự án liên quan đến chứng khoán.
Từ những năm 2000, FPT đã phát triển hệ thống lưu ký, thanh toán bù trừ kết nối với hệ thống giao dịch do Sở Giao dịch chứng Thái Lan cung cấp để chuẩn bị cho việc đưa HoSE vào hoạt động hồi tháng 7/2000. Hệ thống giao dịch liên quan đến Sở GDCK Hà Nội cũng do đơn vị này tham gia phát triển và nhiều dự án hạ tầng liên quan khác.
Một chuyên gia công nghệ phần mềm của một công ty nước ngoài tại TP.HCM (đề nghị không nêu tên), cho biết hệ thống Core Order Matching System (hệ thống lõi xử lý điện tử khớp lệnh giao dịch mua, bán) của sàn HoSE và sàn giao dịch chứng khoán Thái Lan có cùng nền tảng, dựa trên nền tảng của sàn giao dịch chứng khoán Chicago (Mỹ). Tuy nhiên các nền tảng của Việt Nam, Thái Lan không được nâng cấp, mã nguồn chỉnh sửa… trong khi đó nền tảng gốc thì liên tục được nâng cấp, chỉnh sửa.
“Các sàn không được nâng cấp, chỉnh sửa có thể phát sinh lỗi thường xuyên hay quá tải. Hiện không thể chỉnh sửa hệ thống lõi nên xử lý về mặt kỹ thuật trong ba tháng là không thể. Còn nếu thay thế bằng hệ thống khác mới hoàn toàn để sử dụng tạm thời, thì trong 3 tháng có thể triển khai được về mặt lý thuyết nếu đầy đủ nguồn lực và đã có chuẩn bị sẵn.
Tuy nhiên, thời gian triển khai vẫn sẽ còn tùy thuộc vào phần cứng, phần mềm của hệ thống mới như thế nào. Các hệ thống giao dịch rất phức tạp, trên thế giới chỉ có vài nhà cung cấp mà thôi”, chuyên gia này đánh giá.
Trên thực tế, lãnh đạo FPT cũng thừa nhận một điểm chưa thuận lợi là nền tảng công nghệ của một số công ty có thể còn phải mất thêm thời gian để theo được tiêu chuẩn quốc tế, đặc biệt trong lĩnh vực chứng khoán đòi hỏi chính xác, bền bỉ và không được phép gián đoạn.
Trao đổi với báo giới trước đó, lãnh đạo HoSE cho biết mọi thay đổi về mặt kỹ thuật trên thị trường chứng khoán đều có tác động quan trọng đối với hệ thống giao dịch của Sở và các CTCK.
“Hệ thống công nghệ thông tin chứng khoán có đặc thù riêng, đòi hỏi tính cẩn trọng và độ tin cậy cao. Vì vậy, quan điểm của cơ quan quản lý cũng như của HOSE là nghiên cứu, lựa chọn kỹ lưỡng giải pháp ít tác động nhất. Đây là quá trình phức tạp và mất nhiều thời gian để tránh những sai sót có thể xảy ra đối với hệ thống”, lãnh đạo HoSE cho biết.
Hiện tại, hệ thống giao dịch của HOSE có công suất thiết kế là 900.000 lệnh nhưng số lượng lệnh lại tăng vọt trong thời gian qua nên dẫn tới nghẽn lệnh. Theo thống kê, các Công ty chứng khoán trong TOP 20 có lượng lệnh vào sàn tăng ít nhất là trên 3 lần, bình quân là 5-6 lần, cá biệt có một số công ty có số lệnh vào sàn tăng 13-18 lần.
“Nếu hệ thống tiếp tục nhận lệnh vượt quá năng lực, kết quả giao dịch sẽ không còn tính chính xác và hậu quả sẽ lớn hơn rất nhiều so với việc một số công ty chứng khoán bị nghẽn lệnh”, lãnh đạo HoSE cho biết.
Bộ Tài chính quyết định thành lập Tổ công tác do Thứ trưởng Huỳnh Quang Hải làm tổ trưởng, nhằm xử lý dứt điểm tình trạng nghẽn lệnh chứng khoán trên sàn chứng khoán TP.HCM (HoSE) trong thời gian gần đây.
Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng khẳng định, tình trạng tắc nghẽn giao dịch trên HoSE cần phải sớm được xử lý dứt điểm. Các đơn vị thuộc Bộ Tài chính cũng đã xây dựng đồng thời nhiều giải pháp trước mắt cũng như lâu dài để đảm bảo vận hành an toàn hệ thống.
Bộ trưởng cũng cho rằng, trước mắt không áp dụng đề xuất nâng lô giao dịch chứng khoán tối thiểu lên 1.000, nhưng khuyến khích việc chuyển đổi giao dịch một số cổ phiếu từ HoSE sang HNX trên tinh thần tự nguyện, nhằm giảm tải hệ thống giao dịch của HoSE, bảo đảm vận hành an toàn hệ thống giao dịch chứng khoán.
Advertisement
Advertisement
Đọc tiếp