25/09/2021 08:15
Finfluencer - 'Nghề' mới thời đại dịch
Tài chính (Financial) + Người ảnh hưởng (Influencer) = Finfluencer. Những “chuyên gia tài chính mạng” đang nở rộ trên mạng xã hội thời đại dịch.
TikTok khởi đầu có thể chỉ là một nền tảng xem các video giải trí ngắn, nhưng thời gian gần đây đang là “mảnh đất vàng” của một thế hệ người có sức ảnh hưởng trên mạng mới - gọi là “Finfluencer”. Họ dùng những nền tảng như TikTik hay Instagram để đưa ra lời khuyên tài chính cho những người xem trẻ tuổi, theo định nghĩa của Bloomberg.
Trong thời kỳ đại dịch, sự quan tâm đến tài chính và đầu tư đã tăng vọt. Kể từ thời điểm này năm ngoái, với: Lượt tải xuống các ứng dụng tài chính tăng 20%; Số giờ dành cho các ứng dụng tài chính tăng 90%; Số giờ dành cho các ứng dụng giao dịch và đầu tư tăng 135%.
Giới trẻ (Millennial và GenZ) chiếm phần lớn trong số những người dùng mới này, và các công ty tài chính muốn tiếp cận họ - một phần lý do mà “Finfluencer” nổi lên như một xu hướng.
Có những người có sức ảnh hưởng trong lĩnh vực tài chính đang kiếm được hơn 500.000 USD mỗi năm - nhiều hơn đáng kể so với công việc ngân hàng truyền thống. Mức thu nhập này có thể thay đổi tuỳ vào khách hàng và tính chất công việc.
Lấy ví dụ, Austin Hankwitz, một “Finfluencer” 25 tuổi được trả bởi 3 khách hàng khác nhau:
Dựa vào hiệu suất: BlockFi trả cho Austin 25 USD cho mỗi người tham gia vào nền tảng giao dịch tiền điện tử của công ty.
Dựa vào phí cố định và hiệu suất: Fundrise trả cho Austin một khoản phí cố định để đăng 2 video mỗi tháng và tiền thưởng hằng tháng tùy thuộc vào số lượng người mà anh mời được vào nền tảng đầu tư bất động sản của công ty.
Dựa vào phí cố định và vốn chủ sở hữu: Public.com trả cho Austin một khoản phí hằng tháng và vốn chủ sở hữu của công ty để sử dụng biểu đồ cổ phiếu trong video của anh.
Tương lai của các “Finfluencer” phụ thuộc vào các nền tảng - vốn đang bắt đầu để ý đến những lời khuyên tài chính đang nở rộ ngày một nhiều trên kênh của mình. TikTok gần đây đã thay đổi các quy tắc của mình để đảm bảo tất cả các bài đăng được tài trợ đều được gắn nhãn tài trợ, khiến một số người chuyển video của họ sang Instagram và YouTube.
Gần đây, ở Việt Nam cũng nổi lên khá nhiều “chuyên gia” tài chính chuyên đưa ra những “lời khuyên”, khuyến khích, lôi kéo nhiều người tham gia đầu tư cổ phiếu, Forex, tiền mã hóa, v.v. trên Facebook, mặc dù nền tảng chuyên môn và tiểu sử hoạt động của các “chuyên gia” này khá bất thường.
Bởi vậy, dù thế nào, hãy luôn cẩn trọng khi nghe được lời khuyên của một “Finfluencer” ở bất kì nguồn nào.
Advertisement
Advertisement
Đọc tiếp