27/12/2019 09:46
FDI đổ vào bất động sản giảm một nửa so với 2018
Năm 2019, vốn FDI đầu tư vào 19 ngành lĩnh vực, tập trung nhiều nhất vào lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo với tổng số vốn đạt 24,56 tỷ USD.
Theo báo cáo của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), tính đến ngày 20/12/2019, tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt 38,02 tỷ USD, tăng 7,2% so với cùng kỳ năm 2018.
Trong năm 2019, các nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 19 ngành lĩnh vực, trong đó đầu tư tập trung nhiều nhất vào lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo với tổng số vốn đạt 24,56 tỷ USD, chiếm 64,6% tổng vốn đầu tư đăng ký. Đây cũng là lĩnh vực chiếm tỷ trọng lớn trong vốn đăng ký cả về đăng ký vào các dự án đầu tư mới, dự án đầu tư mở rộng và góp vốn, mua cổ phần.
Lĩnh vực hoạt động kinh doanh bất động sản đứng thứ hai với tổng vốn đầu tư 3,88 tỷ USD, chiếm 10,2% tổng vốn đầu tư đăng ký. Tiếp theo là các lĩnh vực bán buôn bán lẻ, hoạt động chuyên môn khoa học công nghệ…
FDI đổ vào bất động sản giảm một nửa so với 2018. |
Bất động sản có sự thay đổi mạnh mẽ về quốc gia và khu vực đầu tư vào Việt Nam. Nếu trước đây Nhật Bản, Hàn Quốc là hai quốc gia đầu tư FDI vào Việt Nam lớn nhất thì năm nay nguồn vốn FDI lớn nhất lại đến từ Hồng Kông.
Năm 2018, tổng vốn đầu tư nước ngoài đổ vào lĩnh vực hoạt động kinh doanh bất động sản là 6,6 tỷ USD, chiếm 18,6% tổng vốn đầu tư đăng ký.
Năm 2019, vốn FDI đăng ký vào bất động sản qua kênh góp vốn, mua cổ phần đạt 1,75 tỷ USD, chiếm 58,6% tổng vốn FDI vào bất động sản, cao nhất từ trước đến nay và tăng trưởng đến 235% so với cùng kỳ năm trước.
Trong 3 năm từ năm 2016-2018, vốn FDI đăng ký vào lĩnh vực bất động sản qua kênh góp vốn, mua cổ phần chưa vượt qua mức 723 triệu USD đã đạt được vào năm 2016. Tuy nhiên, từ quý II/2019 đến nay, đặc biệt trong tháng 8, vốn FDI vào bất động sản hình thức góp vốn mua cổ phần tăng mạnh.
Không chỉ dừng lại ở giá trị, số lượt góp vốn mua cổ phần của các nhà đầu tư nước ngoài trong 10 tháng năm 2019 cũng tăng mạnh, đạt 299 lượt, so với cùng kỳ năm ngoái chỉ đạt 121 lượt (cả năm 2018 chỉ có 147 lượt, năm 2017 là 107 lượt và 2016 là 80 lượt).Trong khi đó, vốn FDI đăng ký vào dự án mới 10 tháng chỉ đạt gần 1,3 tỷ USD, thấp nhất trong vòng 4 năm trở lại đây.
Không chỉ dòng vốn ngoại, bất động sản tiếp tục được các chủ đầu tư trong nước quan tâm thông qua hàng loạt các dự án siêu dự án mới. Liên danh 3 nhà đầu tư VTG, HD Mon và Sunny World “bắt tay” làm siêu dự án quy mô 5.000ha tại Vân Đồn. Ước tính, tổng mức đầu tư 3 dự án từ 10 - 15 tỷ USD.
Tại Hà Nội, Tập đoàn BRG và Sumitomo Corporation sẽ chính thức tổ chức lễ động thổ và công bố dự án thành phố thông minh. Dự án Thành phố Thông minh sẽ được xây dựng tại xã Hải Bối và Vĩnh Ngọc, huyện Đông Anh, Hà Nội với tổng mức đầu tư 4,138 tỷ USD.
Chủ đề liên quan
Advertisement
Advertisement
Đọc tiếp