03/07/2021 08:38
Facebook kiện 4 người Việt: 36 triệu USD và lời cảnh báo
Facebook cho biết vừa khởi kiện nhóm cá nhân gồm 4 người Việt vì hành vi được cho là lừa đảo chiếm đoạt tài khoản quảng cáo Facebook của các nhân viên quảng cáo và tiếp thị tại nhiều công ty, từ đó chiếm đoạt số tiền quảng cáo hơn 36 triệu.
1.
4 cá nhân người Việt được nêu rõ danh tính, được cho là làm việc tại một công ty tại Việt Nam. Tuy nhiên, tới thời điểm hiện tại, các thông tin cụ thể hơn về các cá nhân trên, cùng với công ty nơi họ làm việc, và thông tin cụ thể hơn về vụ kiện, chưa được tiết lộ.
4 người này, bị Facebook cáo buộc đã sử dụng một ứng dụng lừa đảo trên Google Play có tên Ad Manager for Facebook để dẫn dụ người dùng tải về. Sau khi người dùng đăng nhập với các thông tin thì bị các đối tượng sử dụng để chiếm đoạt tài khoản quảng cáo trên Facebook, sau đó sử dụng tài khoản này để chạy quảng cáo. Một số trường hợp, các quảng cáo thực hiện bằng những tài khoản đánh cắp có nội dung lừa đảo trực tuyến (scam).
Tổng số tiền thiệt hại được Facebook xác định là hơn 36 triệu USD, đã được mang xã hội này hoàn lại cho các nạn nhân.
Cần nhớ rằng vào tháng 12/2020, Facebook từng tố một nhóm hacker người Việt, được cho là làm việc tại một công ty công nghệ tại TP.HCM, đã đứng đằng sau việc phát tán mã độc đánh cắp thông tin người dùng và chiếm tài khoản của người dùng Facebook.
Nhóm hacker này, được cho rằng đã sử dụng 3 hình thức tấn công chính là tấn công phi kĩ thuật (Social Engineering), tấn công qua ứng dụng Android và tấn công qua việc phát tán mã độc trên website. Facebook cho biết đã theo dõi nhóm hacker này trong nhiều năm qua.
Hiện tại, chưa biết "nhóm hacker Việt" mà Facebook từng tố cáo vào tháng 12/2020 có phải chính là nhóm 4 cá nhân người Việt mà Facebook vừa tiến hành thủ tục khởi kiện hay không.
Song có một điều chắc chắn rằng, Facebook đã điều nghiên kĩ lưỡng phía bị đơn trước khi tiến hành thủ tục khởi kiện, thậm chí bị đơn có thể đã bị Facebook theo dõi trong một thời gian dài.
Lời cảnh báo!
Thông tin được Facebook cho biết, nhóm cá nhân trên đã chiếm đoạt tài khoản của các nhân viên tại nhiều đại lí quảng cáo, tiếp thị rồi dùng để chạy quảng cáo trái phép.
36 triệu USD chi phí quảng cáo trên nền tảng Facebook bị chiếm đoạt là số tiền không hề nhỏ. Với số tiền quảng cáo như thế, chắc chắn là đã được chi tiêu trong một khoản thời gian dài, tại nhiều tổ chức, doanh nghiệp hoặc hộ kinh doanh cá thể, thậm chí được các đối tượng bán hàng online lừa đảo hoặc "treo đầu dê, bán thịt chó" sử dụng.
Tình trạng tin tặc, đối tượng lừa đảo tấn công để chiếm đoạt tài khoản quảng cáo Facebook đã từng xảy ra không ít tại Việt Nam. Trong hầu hết các trường hợp, đối tượng mang tài khoản quảng cáo đó bán lại cho những cá nhân, tổ chức có nhu cầu mà đa số là những người bán hàng online hoặc những kẻ lừa đảo trực tuyến, với mức giá chỉ bằng từ 30-50%.
Tuy nhiên, vụ việc Facebook đang khởi kiện có thể nói là nổi cộm và có số tiền bị chiếm đoạt lớn nhất từ trước đến nay thuộc về loại vấn nạn này.
"Xót của" 36 triệu USD là một chuyện. Nhưng hơn thế nữa, nhóm 4 cá nhân trên nếu thực sự là đối tượng lừa đảo, chiếm đoạt tài khoản quảng cáo Facebook trên môi trường trực tuyến thì rất đáng để Facebook khởi kiện. Thậm chí, hành vi như vậy không chỉ nằm trong phạm vi một vụ kiện dân sự mà hoàn toàn có thể diễn tiến để trở thành một vụ án hình sự. Và chúng ta, rất nên ủng hộ động thái khởi kiện của Facebook.
Bởi chỉ có như thế mới chính thức gửi đi lời cảnh báo đối với các đối tượng lừa đảo hay hacker, thậm chí còn giúp cảnh tỉnh các nạn nhân, người dùng Facebook nói chung trong việc bảo mật thông tin tài khoản trực tuyến của mình và của tổ chức nơi mình đang công tác.
Dư luận ủng hộ động thái của Facebook không hoàn toàn đồng nghĩa là chỉ ủng hộ Facebook. Ý nghĩa lớn hơn nhiều là muốn "dọn rác" các đối tượng, những hành vi lừa đảo, chiếm đoạt tài khoản, tài sản người khác trên môi trường mạng, góp phần mang lại môi trường mạng an toàn và lành mạnh cho người dùng.
Môi trường đó trong mong muốn của người dùng không chỉ là không còn tình trạng lừa đảo, đánh cắp các thông tin cá nhân, riêng tư. Rộng lớn hơn, đó là một môi trường mạng xã hội trên nền tảng Facebook được kiểm soát tốt hơn đối với các loại nội dung như bạo lực, kì thị sắc tộc và giới tính, lạm dụng tình dục trẻ em, kích dục, những nội dung nguy hiểm.v.v…
Facebook hoàn toàn có quyền khởi kiện những kẻ lừa đảo, chiếm đoạt tiền quảng cáo của mình. Song như đề cập ở trên, Facebook cũng không thể không chịu trách nhiệm khi để cho các thông tin lừa đảo, độc hại… tràn lan trên nền tảng gây ảnh hưởng tiêu cực đến người dùng, thậm chí khiến cho không ít người dùng trở thành nạn nhân và bị chiếm đoạt tiền, tài sản.
Đó chính là lời cảnh báo đối với Facebook, dù là "biết rồi, khổ lắm, nói mãi" nhưng rõ ràng mức độ khắc phục các tình trạng trên của mạng xã hội này dường như rất chậm chạp.
Advertisement
Advertisement