20/09/2020 13:44
Facebook đã không hành động để ngăn chặn bạo lực?
Chúng ta sẽ để cho Facebook kích động sự giận dữ và nhấn chìm các nền dân chủ bao lâu nữa?
Trong rất nhiều năm, quân đội Myanmar đã sử dụng Facebook để kích động các làn sóng giận dữ và các hành động bạo lực diệt chủng chống lại cộng đồng thiểu số người Hồi giáo Rohingya ở đất nước này, khiến cho không biết bao nhiêu người bị thiệt mạng hoặc phải rời bỏ nhà cửa đi lánh nạn.
Các nhà hoạt động Myanmar gặp gỡ các quan chức Mỹ tại trung tâm công nghệ Phandeeyar ở Yangon để buộc Facebook phải kiểm duyệt nội dung, ngăn chặn ngôn từ kích động thù địch ở nước này. Ảnh: National Puplic Radio. |
Mãi đến năm 2018, Facebook mới thừa nhận và xin lỗi về việc nền tảng xã hội này đã không hành động gì để ngăn chặn điều đó. Hai năm sau, Facebook một lần nữa lại đang gieo rắc mầm mống của các hành động bạo lực diệt chủng, nhưng lần này là ở Ethiopia, nơi mà mới đây, vụ sát hại Hachalu Hundessa - một ca sỹ và cũng là một nhà hoạt động chính trị thuộc nhóm sắc tộc Oromo của đất nước này - đã làm bùng phát các hành động bạo lực ở thủ đô Addis Ababa.
Theo Vice News, vụ sát hại này "càng trở nên 'nóng' hơn khi ngay lập tức có hàng loạt lời bình luận và kích động bạo lực được đưa lên Facebook với tốc độ chóng mặt, khiến cho cơn giận dữ của người dân càng thêm sôi sục". Năm 2019 đã xảy ra một vụ việc tương tự, khi một thông tin sai lệch được chia sẻ trên Facebook đã thổi bùng tình trạng bạo lực và cướp đi mạng sống của 86 người ở khu vực Oromo của Ethiopia.
Dường như Facebook cũng không nhanh chóng hành động để ngăn chặn các hành động có chủ đích ở những nước như Honduras và Azerbaijan, nơi các nhà lãnh đạo chính trị đã sử dụng rất nhiều tài khoản giả để chỉ trích phe đối lập và "nhấn chìm" các hãng truyền thông độc lập. Đúng là đã có những nhân vật xấu dùng Facebook để kích động bạo lực và các quan điểm chính trị độc đoán.
Trong cuốn sách mang tên “Antisocia Media: How Facebook Disconnects Us and Undermines Democracy” (Tạm dịch là Cuộc chiến chống truyền thông xã hội: Cách Facebook phân tách chúng ta và hủy hoại dân chủ), tác giả Siva Vaidhyanathan, làm việc tại trường Đại học Virginia, nhận định: “Có 5 cách chủ yếu mà các chế độ độc tài lợi dụng Facebook và các dịch vụ truyền thông xã hội khác”.
Theo đó, các chế độ độc tài có thể “tổ chức các phong trào đàn áp xã hội dân sự đang nổi hoặc các phong trào biểu tình”, “định hình cuộc thảo luận công khai theo ngôn ngữ của họ”, để người dân “nói lên những bất bình song không có lời kêu gọi hoặc biểu tình trực tiếp” và “cấu kết với giới tinh anh khác để tập hợp sự ủng hộ”. Họ cũng có thể sử dụng mạng xã hội để làm công cụ trong hoạt động “giám sát và đàn áp những nhà hoạt động và nhà báo đối lập”.
Chúng ta đã chứng kiến hoạt động kiểu này ở khắp nơi trên thế giới. Ở Nga, các nhân vật thân cận của Tổng thống Vladimir Putin đã sử dụng Facebook và các nền tảng truyền thông xã hội khác để nhũng nhiễu lực lượng chỉ trích và phát tán thông tin sai lệnh nhân danh chế độ. Ở Ấn Độ, học giả Vaidhyanathan ghi nhận rằng Đảng Nhân dân Ấn Độ cầm quyền của Thủ tướng Narendra Modi đã sử dụng Facebook để “khuấy động tinh thần chống Hồi giáo và kêu gọi người dân đi bỏ phiếu” cũng như “hủy hoại danh tiếng của các nhà báo, các nhà hoạt động xã hội dân sự, những người chỉ trích chính sách chống Hồi giáo và những kẻ thù chính trị”.
Còn tại Philippines, Tổng thống Rodrigo Duterte lại dùng Facebook làm công cụ để kích động “hoạt động ám sát, các mối đe dọa và nhũng nhiễu” và là cỗ máy tuyên truyền cho chủ nghĩa dân tộc bạo lực và chủ nghĩa thận trọng. Tại Mỹ, Facebook là nơi lan truyền thuyết âm mưu QAnon, trong đó tôn thờ và sùng bái bạo lực. Những người tin vào thuyết này cho rằng Tổng thống Donald Trump rốt cục sẽ lộ diện trước công chúng trong một chiến dịch kết thúc bằng việc bắt giữ, giam giữ và hành hình, trong đó bao gồm nhiều đối thủ chính trị thuộc đảng Dân chủ của ông.
Các tin xấu đến với Facebook khiến cổ phiếu của mạng xã hội này giảm 8,3% hồi cuối tháng 6/2020, kéo theo việc CEO Markzuckerberg bị thổi bay khoảng 7,2 tỷ USD. |
Theo một cuộc điều tra do chính Facebook tiến hành, hiện có hàng nghìn nhóm QAnon đang hoạt động trên mạng xã hội này và họ lập ra các trang với sự tham gia của hàng triệu thành viên và người theo dõi. Các thuật toán quảng cáo của QAnon kích thích người sử dụng tương tác với nội dung QAnon, phát tán thuyết âm mưu đến người dân vốn có thể chưa từng nghe đến thuyết âm mưu này nếu không có sự tồn tại của Facebook. Nhà sáng lập Facebook Mark Zuckerberg muốn công chúng nhìn nhận ông và công ty của ông là những đối tác trong nỗ lực bảo vệ nền dân chủ.
Đầu tháng 9 vừa qua, ông đã công bố các biện pháp nhằm giới hạn thông tin sai lệnh liên quan bầu cử Mỹ, ngăn chặn tình trạng đàn áp cử tri và ủng hộ những nỗ lực nhằm hỗ trợ người dân Mỹ đăng ký và đi bỏ phiếu. Ông Zuckerberg đã đúng khi cho rằng nền dân chủ Mỹ có thể sống sót và tồn tại trong bối cảnh đại dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona gây ra (COVID-19).
Tuy nhiên, liệu nền dân chủ Mỹ có thể tồn tại trong một nền tảng truyền thông xã hội được tận dụng tối đa cho những suy nghĩ mang tính âm mưu hay không lại là một câu hỏi còn bỏ ngỏ. Giống như các công ty chế tạo thép thời đại công nghiệp đã xả rác thải độc hại xuống môi trường nước, Facebook đã xả những thông tin sai lệnh và thuyết âm mưu vào hoạt động của bộ máy chính trị, một hệ lụy nguy hại vốn được thúc đẩy bởi lợi nhuận.
Chúng ta cần dọn sạch rác thải. Song liệu chúng ta có thể dọn sạch những hệ quả đối với chính trị và xã hội thời kỳ hậu Facebook hay không lại là một câu hỏi chưa có lời giải đáp.
(Theo The New York Times)
Advertisement
Advertisement
Đọc tiếp