18/08/2021 15:34
F0 khỏi bệnh tự nguyện ở lại bệnh viện chăm sóc người khác
Từng là F0, sau khi khỏi bệnh, chị Mỹ Tuyên xung phong làm tình nguyện viên trực cấp cứu ở bệnh viện dã chiến.
Chị Tuyên cùng chồng con sống trong một căn hộ chung cư ở xã Bình Hưng (huyện Bình Chánh, TPHCM). Công việc hàng ngày của chị là nhân viên bảo hiểm, để kiếm thêm thu nhập chị thường nấu các món chè, bánh bán cho cư dân sống trong khu vực.
Đầu tháng 7/2021, chị Mỹ Tuyên và chồng con trở thành F0 mà không rõ nguồn lây. Lo lắng, hoảng sợ, suy sụp tinh thần là những cảm xúc mà gia đình chị Tuyên phải đối mặt. Điều khiến chị bất an nhất là con trai chỉ mới 8 tuổi, cùng thời điểm này số lượng F0 ở TP.HCM tăng cao khiến việc điều trị gặp nhiều khó khăn.
“Tôi cách ly, tự điều trị tại nhà trong 2 tuần. Tất cả những biểu hiện như ho, sốt, khó thở, mất vị giác, tôi đều đã trải qua. Nỗi lo sợ bản thân không vượt qua khỏi cứ ám ảnh trong đầu. Tôi cảm thấy có lỗi, vì gia đình mình mắc bệnh mà nhiều hộ dân cũng bị phong toả không ra ngoài được”, chị Tuyên nói.
Sau 2 tuần điều trị ở nhà, gia đình chị Tuyên được đưa đến bệnh viện dã chiến tiếp tục điều trị. Nhờ thế mà sức khoẻ dần hồi phục.
Nhớ lại những ngày còn mắc bệnh, nước mắt chị Tuyên chảy dài, chị hiểu nỗi đau mà các F0 phải đối mặt. Chị Tuyên hứa với lòng là sẽ quay trở lại bệnh viện dã chiến để giúp đỡ những người nguy kịch khác khi khỏi bệnh.
“Ngày nhận kết quả PCR âm tính và được xuất viện, tôi đã xin chồng cho được đi làm tình nguyện viên ở phòng cấp cứu cho các F0 đang giành giật sự sống từng giờ”, chị Tuyên nói. Và, hành trình đầy cảm xúc của chị Tuyên bắt đầu.
Sau khi hoàn thành cách ly tại nhà dành cho F0 xuất viện, chị Tuyên chính thức trở thành tình nguyện viên ở Bệnh viện dã chiến số 4 (huyện Bình Chánh). Chỉ có chồng là biết việc chị Tuyên làm tình nguyện viên. Còn gia đình nội ngoại 2 bên thì chị Tuyên giấu vì không muốn người thân lo lắng, sợ hãi.
Hàng ngày công việc của chị là lau dọn phòng bệnh, giúp bệnh nhân ăn uống, tắm rửa và thay quần áo.
Dù đã chuẩn bị tâm lý kỹ càng, nhưng những ngày đầu chị Tuyên vẫn bị sốc vì đối mặt với khối lượng công việc quá nhiều. Khoác lên mình bộ đồ bảo hộ y tế kín mít, chị khó khăn trong việc di chuyển và giao tiếp. “Tôi gọi về nhà cho con mà con không nhìn ra mẹ. Chụp lại ảnh gửi cho chồng thì mọi thứ đều mờ ảo do điện thoại đã được quấn kín bằng nhiều lớp ni lông. Nhớ con lắm nhưng vẫn tự nhủ phải cùng mọi người chiến đấu đến cùng”, chị Tuyên kể.
Chứng kiến nhiều bệnh nhân khó khăn trong việc thở, chị Tuyên không ngần ngại chia sẻ kinh nghiệm của mình. Có rất nhiều bệnh nhân lo sợ khiến bệnh trở nên nghiêm trọng hơn. Khi mắc bệnh, điều quan trọng là cần phải có người chăm sóc, động viên, luôn giữ cho tình thần lạc quan. Nên mỗi lần vào ca trực chị Tuyên hay trò chuyện, hỏi han các bệnh nhân lớn tuổi để họ không còn cảm giác cô đơn, sợ hãi mà buông xuôi trước bệnh tật.
“Ai cũng cần được sống. Bản thân tôi may mắn hết bệnh thì tôi cũng muốn góp sức nhỏ bé của mình vào công tác phòng, chống dịch”, chị Tuyên nói.
Chị bảo bao giờ dịch được kiểm soát thì mới về gặp chồng con. Thương vợ và hiểu những vất vả của đội ngũ nhân viên y tế trong thời điểm này, chồng chị Tuyên cũng hết mình ủng hộ, động viên vợ.
“Ông xã là một “hậu phương” vững chắc cho tôi trong những ngày này. Biết công việc khó khăn, nguy hiểm nhưng mỗi người chung tay hỗ trợ một chút thì dịch bệnh sẽ nhânh chóng được đẩy lùi”, chị Tuyên nói.
Advertisement
Advertisement