29/07/2020 14:21
Eximbank có thể tổ chức ĐHCĐ lần thứ ba mà không phụ thuộc vào số lượng cổ đông tham dự?
Eximbank vẫn còn một lần tổ chức ĐHCĐ trong 20 ngày tới, không phụ thuộc vào số lượng cổ đông tham dự và có quyền quyết định tất cả các vấn đề.
ĐHCĐ thường niên năm 2020 lần thứ hai của Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank) diễn ra vào ngày 29/7 không thể tổ chức. Nguyên nhân là do chỉ 142 cổ đông với lượng cổ phần vào khoảng 523,3 triệu, tương đương tỷ lệ 42,57% tham dự.
HĐQT nhận lỗi, rồi lại nhận lỗi
Ông Trần Ngọc Dũng, đại diện Ban Kiểm soát, kết luận tổng số cổ đông đại diện thấp hơn tỷ lệ 51% theo pháp luật quy định. Do đó, ĐHCĐ thường niên lần thứ hai của Eximbank không thể được tiến hành.
Theo Luật Doanh nghiệp và điều lệ ngân hàng, ĐHCĐ lần thứ hai được tổ chức trong thời gian 30 ngày sau khi đại hội lần đầu thất bại. Tại lần đại hội lần hai (diễn ra ngày 29/7), Eximbank có quyền tiến hành họp chỉ cần số cổ đông dự họp đại diện ít nhất 51% tổng số cổ phần có quyền biểu quyết.
Như vậy, Ngân hàng Eximbank đã có 5 lần tổ chức bất thành ĐHCĐ, kể cả đại hội bất thường.
Trong vòng 5 năm qua, khoảng thời gian bằng cả nhiệm kỳ, ĐHCĐ của ngân hàng này liên tục bị hoãn, chỉ có một lần duy nhất diễn ra thành công là vào năm 2018. Điểm chung giữa các lần tổ chức ĐHCĐ bất thành là đều có sự thay đổi về nhân sự cấp cao.
Báo cáo của Ban Kiểm soát chỉ rõ, chính những mâu thuẫn trong nội bộ HĐQT nhiệm kỳ qua đã ảnh hưởng tới hoạt động của Eximbank. Đặc biệt là vấn đề không bổ nhiệm được Tổng Giám đốc, người đại diện theo pháp luật và không tổ chức được các cuộc ĐHCĐ trong 2 năm 2019-2020.
Chủ tịch Yasuhiro Saitoh và quyền Tổng giám đốc Nguyễn Cảnh Vinh nhận lỗi trước cổ đông. Ảnh: Tất Đạt |
Trong những lần đại hội bất thành trước đó, HĐQT Eximbank liên tục đưa ra những lời xin lỗi trước cổ đông và thừa nhận điều này đã gây ảnh hưởng không ít đến hoạt động kinh doanh của toàn hệ thống ngân hàng.
Ở lần ĐHCĐ thường niên năm 2020 lần thứ hai, quyền Tổng giám đốc Nguyễn Cảnh Vinh cũng đứng ra nhận lỗi về HĐQT khi các cổ đông lớn tuổi bức xúc. “Chúng tôi già rồi, mỗi lần đi lại rất cực, các ông (HĐQT) cũng cực chứ!”, một vị cổ đông đến dự đủ 5 lần đại hội bất thành lên tiếng.
Đáp lại, ông Vinh chia sẻ: “Bức xúc của các vị là đúng, việc tổ chức đại hội bất thành liên tiếp là một sự lãng phí rất lớn. Chúng tôi đã cố gắng hết sức để đưa mọi thứ trở lại ổn định nhưng mọi việc vẫn lực bất tòng tâm. Chúng tôi cần thêm thời gian”.
Tuột xuống ngân hàng nhỏ vì mâu thuẫn nội bộ
Bốn kỳ đại hội thất bại vừa qua của Eximbank là để báo cáo kết quả kinh doanh năm từ hai năm trước, thông qua mục tiêu kinh doanh năm 2020 và giải quyết các vấn đề theo kiến nghị của cổ đông lớn.
Việc tổ chức ĐHCĐ bất thành liên tiếp đã khiến Eximbank hụt hơi thấy rõ. Nhà băng này giờ đây chẳng khác “rắn mất đầu” là bao khi không có Tổng Giám đốc chính thức, trong khi Chủ tịch HĐQT thì lại bị nhóm cổ đông chiếm 15% SMBC kiến nghị miễn nhiệm.
“Vang bóng một thời”, Eximbank từng là ngân hàng cổ phần hàng đầu, được đánh giá như một tên tuổi lớn với khối tài sản hàng trăm nghìn tỷ và huy động vốn hàng năm đều hơn 100.000 tỷ đồng.
Bất ổn ở Eximbank bắt đầu lan rộng khi ĐHCĐ thường niên năm 2016 không thể tổ chức khiến cho hoạt động của nhà băng này càng ngày chếch choáng với tài sản tụt giảm và lợi nhuận “đổ đèo” về mức lỗ. Thời điểm ấy, mã cổ phiếu EIB của Eximbank còn bị đưa vào diện cảnh báo do lợi nhuận âm hai năm liên tiếp.
Năm 2018, Eximbank còn vướng phải bê bối khi để 245 tỷ đồng tiền gửi của bà Chu Thị Bình (Thủy sản Minh Phú) “không cánh mà bay”. Đây cũng là năm lợi nhuận của Eximbank điều chỉnh giảm 52% so với kế hoạch. Sang năm 2019, doanh thu và lợi nhuận trước thuế của nhà băng này tuột về mức thấp hơn so với 8 năm trước.
Với đà giảm tài sản gần 7% trong quý I/2020, Eximbank lừng lãy một thời, giờ phải chịu cảnh nằm trong nhóm ngân hàng cỡ vừa và nhỏ với quy mô tương đương PVComBank, TPBank, SeABank hay MSB. Eximbank cũng là một trong số ít ngân hàng 5 năm liền không chia cổ tức cho cổ đông.
Cuối năm ngoái, Eximbank đang giữ khoản lợi nhuận chưa phân phối là 1.486 tỷ đồng, bên cạnh quỹ của tổ chức tín dụng 1.815 tỷ đồng và thặng dư vốn cổ phần 156 tỷ đồng.
ĐHCĐ lần ba không phụ thuộc số lượng cổ đông
Về mặt pháp lý, Luật sư Trương Anh Tú, Công ty Luật TAT Law firm chia sẻ với báo chí rằng, HĐQT - ĐHĐCĐ giống như cơ quan quyền lực nhất, là bộ não của doanh nghiệp, là “kiến trúc thượng tầng” của doanh nghiệp. Khi "bộ não" đó không được tiến hành đúng thời điểm, các hoạt động của doanh nghiệp khó lòng mà trơn tru.
Còn ông Phan Dũng Khánh, Giám đốc Tư vấn Đầu tư Công ty Chứng khoán Maybank Kim Eng nói với báo chí rằng, những lần ĐHĐCĐ của Eximbank liên tục bị huỷ ảnh hưởng đến chiến lược của ngân hàng.
"Khi ĐHCĐ không diễn ra hoặc hoãn sẽ khó có chính sách, kế hoạch trung dài hạn, khó đổi mới được các hoạt động của ngân hàng. Đặc biệt, sẽ làm nhà đầu tư, cổ đông và nhân viên không ổn định tâm lý vì rõ ràng nội bộ có bất ổn, mâu thuẫn chưa giải quyết được", ông Khánh nhận định.
Theo Điều lệ của Eximbank, nhà băng này vẫn còn một cơ hội để “đưa mọi thứ trở lại ổn định” theo lời ông Vinh chia sẻ trước các cổ đông trong cuộc họp vừa qua. Cụ thể, khi ĐHCĐ lần thứ hai không được tiến hành do không có đủ số đại biểu cần thiết theo quy định, ĐHCĐ lần thứ ba có thể được triệu tập trong vòng 20 ngày kể từ ngày dự định tiến hành đại hội lần hai.
Trong trường hợp này, đại hội sẽ được tiến hành không phụ thuộc vào số lượng cổ đông hay đại diện ủy quyền tham dự và được coi là hợp lệ. ĐHCĐ lần thứ ba có quyền quyết định tất cả các vấn đề mà ĐHCĐ lần thứ nhất có thể phê chuẩn.
Eximbank có thể tổ chức ĐHCĐ 2020 lần thứ ba mà không phụ thuộc vào số lượng cổ đông tham dự. Ảnh: Tất Đạt |
Theo tài liệu ĐHCĐ thường niên năm 2020, Ban lãnh đạo Eximbank có kế hoạch tăng tổng tài sản lên 5% so với năm 2019, đạt 176.000 tỷ đồng vào cuối năm nay. Chỉ tiêu huy động vốn từ tổ chức kinh tế và dân cư dự kiến tăng 6%, lên mức 147.800 đồng. Dư nợ cấp tín dụng (bao gồm dư nợ cho vay khách hàng và trái phiếu doanh nghiệp) đạt 122.275 tỷ đồng, tăng 8%. Eximbank muốn kiểm soát tỷ lệ nợ xấu dưới 2%.
Với các chỉ tiêu trên, Eximbank đặt mục tiêu thu về 1.918 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế và trước trích lập bổ sung dự phòng tất toán trái phiếu VAMC, tăng gần 10% so với năm liền trước.
Dù đã 5 lần tổ chức ĐHCĐ bất thành nhưng Ngân hàng Nhà nước vẫn chưa có động thái quyết liệt hơn trong vai trò “nhà điều hành” để giải quyết cuộc khủng hoảng kéo dài đúng một nhiệm kỳ ở Eximbank. |
Advertisement
Advertisement
Đọc tiếp