20/09/2023 12:14
EVN lỗ hơn 28.000 tỷ đồng sau 8 tháng
Theo báo cáo của Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, số lỗ 6 tháng đầu năm 2023 của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) là hơn 35.400 tỷ đồng. Còn tính đến hết 8 tháng, số lỗ của EVN dự kiến lên tới hơn 28.700 tỷ đồng.
Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp vừa có báo cáo gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư về tình hình sản xuất kinh doanh và đầu tư phát triển của các doanh nghiệp do cơ quan này làm đại diện chủ sở hữu.
Theo báo cáo, số lỗ 6 tháng đầu năm 2023 của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) là hơn 35.400 tỷ đồng. Còn tính đến hết 8 tháng, số lỗ của EVN dự kiến lên tới hơn 28.700 tỷ đồng.
Như vậy, nếu tính chung số lỗ 26.500 tỷ đồng của năm 2022 (chưa bao gồm các khoản chênh lệch tỷ giá) và 8 tháng của năm 2023, công ty mẹ EVN lỗ tổng cộng trên 55.000 tỷ đồng.
Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước cho hay, EVN đang tập trung 3 nhiệm vụ chính: Bảo đảm cung ứng điện; nỗ lực cân bằng tài chính; thực hiện các kế hoạch đầu tư - xây dựng.
Về cung ứng điện, EVN đã chủ động chuẩn bị các giải pháp đảm bảo điện từ tháng 8 đến cuối năm 2023 và năm 2024.
Về những khó khăn trong cân bằng tài chính, EVN đang tập trung triển khai nhiều giải pháp nội tại như: tối ưu hóa chi phí, tối ưu huy động nguồn, cắt giảm các chi phí không cần thiết để giảm bớt khó khăn tài chính…
Dưới sự chỉ đạo của Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ, EVN kỳ vọng trong thời gian tới sẽ dần cân bằng được tài chính.
Theo báo cáo từ EVN, năm 2023, kế hoạch đầu tư xây dựng của EVN là 94.860 tỷ đồng. Với kết quả sản xuất kinh doanh lỗ, tập đoàn không thể trả nợ đúng hạn; các ngân hàng, tổ chức tín dụng sẽ khó khăn hơn trong việc phê duyệt các khoản vay, hạn mức vay cho EVN.
Ngoài ra chi phí, lãi suất các khoản vay tăng lên do đánh giá mức độ rủi ro tăng thêm đối với bên cho vay.
Do đó, Tập đoàn Điện lực Việt Nam đề nghị Hiệp hội Năng lượng Việt Nam kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương có giải pháp tháo gỡ khó khăn tài chính cho EVN.
Cụ thể, EVN kiến nghị được điều chỉnh giá bán lẻ điện đầy đủ và kịp thời theo biến động các thông số đầu vào. Về điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân, EVN đề nghị Chính phủ và các bộ, ngành cho phép tiếp tục được sớm điều chỉnh giá bán lẻ điện trong thời gian tới để đảm bảo cân bằng kết quả sản xuất kinh doanh, theo TTXVN.
Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, đến hết năm 2022, Việt Nam còn khoảng 478 doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ và khoảng 198 doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ cổ phần chi phối.
Hiện nay, nếu loại trừ các doanh nghiệp quốc phòng, an ninh và nông lâm nghiệp thì chỉ còn 77 doanh nghiệp nhà nước quy mô lớn gồm: 6 tập đoàn kinh tế; 53 tổng công ty nhà nước, 18 công ty hoạt động theo mô hình nhóm công ty mẹ-công ty con, theo TPO.
Tổng hợp kết quả sản xuất kinh doanh công ty mẹ của 19 tập đoàn, tổng công ty lũy kế đến tháng 8 năm 2023 cho thấy, tổng doanh thu ước đạt 781.973 tỷ đồng (bằng 114% kế hoạch năm và tăng 5% so với cùng kỳ). Một số doanh nghiệp có tổng doanh thu lớn như PVN, EVN, TKV, Petrolimex. Tổng lợi nhuận trước thuế ước đạt 31.236 tỷ đồng (bằng 96% kế hoạch năm và bằng 95% so với cùng kỳ). Các doanh nghiệp có lợi nhuận trước thuế đạt hơn 3.000 tỷ đồng gồm: PVN, SCIC, ACV, Vinachem.
(Tổng hợp)
Tin liên quan
Advertisement
Advertisement
Đọc tiếp