Advertisement

Nhận bản tin

Liên hệ quảng cáo

Email: banbientap@baocungcau.net

Hotline: 0917 267 237

icon logo

Quên mật khẩu?

Có tài khoản? Đăng nhập

Vui lòng nhập mật truy cập tài khoản mới khẩu

Thay đổi email khác
icon

EVFTA khó tạo ra đột phá cho ngành dệt may Việt Nam trong thời gian ngắn

Doanh nghiệp

09/06/2020 11:35

Các chuyên gia cho rằng, Hiệp định EVFTA khó tạo ra đột phá mạnh cho ngành dệt may, da giày Việt Nam trong ngắn hạn.

Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA) đã được Quốc hội biểu quyết thông qua tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV.

Hiệp định này có ý nghĩa quan trọng trong việc mở ra cơ hội thúc đẩy xuất khẩu cho doanh nghiệp xuất khẩu như: dệt may, da giày, nhất là trong bối cảnh kinh tế trong nước và thế giới chịu tác động không nhỏ do dịch bệnh COVID-19.

Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng, khi Hiệp định có hiệu lực doanh nghiệp sẽ cần phải đáp ứng nhiều điều kiện cũng như nâng cao hơn nữa chất lượng sản xuất, kinh doanh để tận dụng được các cơ hội từ Hiệp định.

Ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt May Việt Nam cho hay, Hiệp định được Quốc hội phê chuẩn sẽ là tin vui cho ngành dệt may trong bối cảnh đang phải chịu thiệt hại bởi dịch COVID-19 và cơ hội của các doanh nghiệp khi EVFTA có hiệu lực là rất lớn, đồng thời đóng góp đáng kể cho nền kinh tế Việt Nam trong thời gian tới.

EVFTA tạo cơ hội cho ngành dệt may của Việt Nam xuất sang thị trường châu Âu. Ảnh: Minh hoạ
EVFTA tạo cơ hội cho ngành dệt may của Việt Nam xuất sang thị trường châu Âu. Ảnh: Minh hoạ

Với quy mô nhập khẩu hàng dệt may hàng năm hơn 250 tỷ USD, EU hiện là thị trường nhập khẩu hàng dệt may lớn nhất, chiếm 34% tổng kim ngạch nhập khẩu dệt may thế giới. Trong khi đó, thị phần xuất khẩu của dệt may Việt Nam sang thị trường này mới chỉ chiếm khoảng 2,7%.

Dư địa để ngành dệt may gia tăng xuất khẩu vào thị trường EU sau khi EVFTA có hiệu lực được các doanh nghiệp đánh giá là rất triển vọng.

Dự báo kim ngạch xuất khẩu dệt may vào EU sẽ tăng nhanh với mức khoảng 67% đến năm 2025 so với kịch bản khi không có Hiệp định.

Ông Vũ Đức Giang cho rằng, việc mở rộng thị trường xuất khẩu hàng dệt may sang châu Âu có ý nghĩa rất lớn để Việt Nam giảm bớt phụ thuộc vào một thị trường. Với thuế suất về 0%, các doanh nghiệp dệt may sẽ có nhiều cơ hội để mở rộng thị trường xuất khẩu.

Tuy nhiên, để tận dụng cơ hội này, các doanh nghiệp trong ngành cần phải chuẩn bị, lên kế hoạch cụ thể và nắm rõ các quy định mà EVFTA yêu cầu như tiêu chuẩn sản phẩm, nhu cầu của người tiêu dùng từng thị trường.

Bởi lẽ, EU là thị trường rất khó tính, điều kiện kinh doanh chặt chẽ, đòi hỏi cao về tiêu chuẩn chất lượng và mẫu mã sản phẩm và chỉ với một sơ suất cũng sẽ ảnh hưởng đến việc xuất khẩu sang thị trường này.

Chẳng hạn như việc EU luôn đề cao sức khỏe người tiêu dùng, chính vì vậy chỉ cần phát hiện một lô hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, không đạt chất lượng, ngành hàng đó sẽ bị kiểm tra gắt gao, thậm chí sẽ bị cấm nhập khẩu vào thị trường EU vĩnh viễn, ảnh hưởng đến toàn bộ cộng đồng doanh nghiệp.

Ông Phí Việt Trịnh, Tổng Giám đốc Công ty May Hồ Gươm cho biết, theo cam kết tại EVFTA, các yêu cầu về quy tắc nguồn gốc xuất xứ rất chặt chẽ.

Theo đó, các mặt hàng muốn được ưu đãi thuế quan thì nguyên liệu phải đáp ứng được một tỷ lệ hàm lượng nội khối nhất định tức là nguyên liệu có xuất xứ tại EU hoặc Việt Nam.

Đây là một thách thức lớn đối với các doanh nghiệp bởi nguồn nguyên liệu cho sản xuất hàng xuất khẩu hiện nay chủ yếu được nhập từ Trung Quốc hoặc các nước trong ASEAN.

Để khai thác tối đa những ưu đãi mà EVFTA mang lại, cả cơ quan quản lý và cộng đồng doanh nghiệp phải cùng vào cuộc.

Các doanh nghiệp dệt may đều cho rằng, cần có chính sách khuyến khích, tạo điều kiện để thu hút đầu tư từ doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào sản xuất nguyên phụ liệu.

Đặc biệt, phải có cơ chế thúc đẩy sự liên kết giữa doanh nghiệp sản xuất nguyên phụ liệu với các doanh nghiệp sản xuất sản phẩm, tạo thành chuỗi liên kết khép kín, đáp ứng yêu cầu về quy tắc xuất xứ.

Ông Vũ Đức Giang cũng nhấn mạnh việc thúc đẩy cơ chế xây dựng các khu công nghiệp dệt may có xử lý nước thải hiện đại để chu trình dệt - nhuộm - may - hoàn tất, đóng góp vào nguồn cung toàn cầu và giảm bớt phụ thuộc nhập khẩu, tận dụng tối đa ưu đãi từ EVFTA hay những hiệp định thương mại khác.

Theo ông Thân Đức Việt, Tổng Giám đốc Tổng Công ty May 10, nguyên tắc để hàng dệt may Việt Nam được hưởng thuế suất và thuế nhập khẩu ưu đãi theo EVFTA thì vải phải được dệt tại Việt Nam hoặc EU và cắt may tại Việt Nam. Trong khi đó, các doanh nghiệp sản xuất chưa minh bạch được vùng nguyên liệu.

"EVFTA mở ra cho Việt Nam nhiều "nút thắt" và vấn đề còn lại là do chúng ta. EU sẵn sàng nhập khẩu hàng hoá của Việt Nam nhưng vấn đề cốt lõi là phải đảm bảo nguồn gốc xuất xứ. Hy vọng với tác động của EVFTA, ngành dệt may sẽ nắm bắt được cơ hội, gia tăng giá trị trong mỗi khâu", ông Thân Đức Việt nói.

Với lĩnh vực da giày, ông Nguyễn Quốc Tuấn, đại diện Công ty TNHH Vinh Thông chuyên xuất khẩu sản phẩm giày sang thị trường châu Âu bày tỏ, từ đầu năm 2020 đến nay, hoạt động sản xuất, xuất khẩu của công ty gặp nhiều khó khăn do dịch COVID-19.

Chính vì vậy, doanh nghiệp kỳ vọng EVFTA sẽ giúp gia tăng xuất khẩu mặt hàng giày trong những tháng cuối năm.

Dù vậy, theo ông Tuấn, công ty sẽ gặp phải nhiều khó khăn trong việc đáp ứng quy tắc xuất xứ. Bởi, hiện nay chỉ có khoảng 60% nguyên liệu được nhập ở trong nước, trong khi 40% còn lại là nhập từ nước ngoài và chủ yếu từ Trung Quốc…

Bên cạnh đó, việc đầu tư công nghệ, mở rộng sản xuất cũng còn nhiều hạn chế do nội lực của doanh nghiệp chưa đủ.

Trước thực trạng nhiều doanh nghiệp da giày vẫn đang yếu công nghệ sản xuất và đang phải từng bước đáp ứng để hội nhập với EVFTA, ông Nguyễn Văn Khánh, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Da giày TP.HCM cho hay, trước mắt, các doanh nghiệp da giày Việt Nam chưa thể tận dụng nhiều cơ hội từ EVFTA.

Nguyên nhân là do có tới 85% doanh nghiệp của ngành thiếu về mặt bằng, vốn, kỹ thuật công nghệ, nguyên phụ liệu.

Với vấn đề nguyên liệu, ông Nguyễn Văn Khánh cho biết, để đáp ứng các yêu cầu về quy tắc xuất xứ là điều không dễ dàng bởi 60% nguyên liệu vẫn phải nhập khẩu từ Trung Quốc và các thị trường khác.

Các chuyên gia cho rằng, trong ngắn hạn Hiệp định EVFTA khó tạo ra một "cú hích" mạnh cho ngành dệt may, da giày Việt Nam nhưng EVFTA kỳ vọng sẽ mang lại lợi ích dài hạn cho hai ngành này trong việc gia tăng thị phần xuất khẩu vào thị trường EU.

Nhiều doanh nghiệp cũng đặt kỳ vọng, khi các nhà đầu tư nước ngoài thấy Việt Nam là thị trường tiềm năng, xu hướng chuyển giao công nghệ, đầu tư chuỗi nguyên phụ liệu sẽ gia tăng.

(Nguồn: TTXVN)

PV (T/H)
iconChia sẻ icon Chia sẻ
icon Chia sẻ

Advertisement