25/04/2022 12:27
EU đặt ra các quy tắc trực tuyến mới cho Google, Meta để hạn chế nội dung bất hợp pháp
Thỏa thuận được đưa ra sau hơn 16 giờ đàm phán. Đạo luật Dịch vụ Kỹ thuật số (DSA) là mũi nhọn thứ hai trong chiến lược của Giám đốc chống độc quyền của EU Margrethe Vestager nhằm nắm quyền kiểm soát đơn vị của Alphabet là Google, Meta và các gã khổng lồ công nghệ khác của Mỹ.
Tháng trước, bà đã giành được sự ủng hộ từ khối 27 quốc gia và các nhà lập pháp đối với các quy tắc mang tính bước ngoặt được gọi là Đạo luật thị trường kỹ thuật số (DMA) có thể buộc Google, Amazon, Apple, Meta và Microsoft thay đổi các phương thức kinh doanh cốt lõi của họ ở châu Âu.
"Chúng tôi có một thỏa thuận về DSA: Đạo luật Dịch vụ Kỹ thuật số sẽ đảm bảo rằng những gì ngoại tuyến bất hợp pháp cũng được xem và xử lý là bất hợp pháp trực tuyến", Vestager nói trong một bài viết được đăng tải trên twitter.
Nhà lập pháp EU Dita Charanzova, người đã kêu gọi các quy tắc như vậy tám năm trước, hoan nghênh thỏa thuận này. "Google, Meta và các nền tảng trực tuyến lớn khác sẽ phải hành động để bảo vệ người dùng của họ tốt hơn. Châu Âu đã nói rõ rằng họ không thể hoạt động như những hòn đảo kỹ thuật số độc lập".
Trong một tuyên bố, Google cho biết: "Khi luật được hoàn thiện và triển khai, các chi tiết sẽ quan trọng. Chúng tôi mong muốn được làm việc với các nhà hoạch định chính sách để nắm được các chi tiết kỹ thuật còn lại nhằm đảm bảo luật phù hợp với mọi người".
Theo DSA, các công ty phải đối mặt với khoản phạt lên tới 6% doanh thu toàn cầu vì vi phạm các quy tắc trong khi vi phạm nhiều lần có thể khiến họ bị cấm kinh doanh ở EU.
Các quy định mới cấm quảng cáo có chủ đích nhắm vào trẻ em hoặc dựa trên dữ liệu nhạy cảm như tôn giáo, giới tính, chủng tộc và ý kiến chính trị. Các mô hình đen tối, là chiến thuật đánh lừa mọi người cung cấp dữ liệu cá nhân trực tuyến cho các công ty, cũng sẽ bị cấm.
Các nền tảng trực tuyến rất lớn và các công cụ tìm kiếm trực tuyến sẽ được yêu cầu thực hiện các biện pháp cụ thể trong thời kỳ khủng hoảng. Động thái này được hình thành bởi cuộc xung đột giữa Nga vào Ukraine và các thông tin sai lệch liên quan.
Các công ty có thể bị buộc phải giao dữ liệu liên quan đến các thuật toán của họ cho các nhà quản lý và nhà nghiên cứu.
Các công ty cũng phải trả một khoản phí hàng năm lên tới 0,05% doanh thu hàng năm trên toàn thế giới để trang trải chi phí giám sát sự tuân thủ của họ.
Nhà lập pháp EU Martin Schirdewan đã chỉ trích việc miễn trừ được cấp cho các công ty quy mô vừa: "Dưới áp lực của phe bảo thủ, một quy tắc ngoại lệ cho các công ty quy mô vừa đã được tích hợp, đây là một sai lầm. Do số lượng lớn các công ty theo định nghĩa này trong lĩnh vực kỹ thuật số, ngoại lệ giống như một kẽ hở".
DSA sẽ có hiệu lực vào năm 2024.
(Nguồn: Nikkei)
Tin liên quan
Advertisement