13/11/2021 08:26
EU cảnh báo 4 loại nông sản của Việt Nam vi phạm quy định an toàn thực phẩm
Sản phẩm chôm chôm, mộc nhĩ khô, hạt tiêu đen, bột quế của một số doanh nghiệp Việt Nam lại bị Liên minh châu Âu cảnh báo do vi phạm các quy định về an toàn thực phẩm.
Trong đó, bao gồm, sản phẩm hạt tiêu đen của Công ty TNHH Synthite Việt Nam (Bình Dương) đã bị Tây Ban Nha từ chối nhập khẩu do phát hiện dư lượng Chlorpyrifos ở mức cao vượt định mức cho phép (quy định mức dư lượng tối đa là 0,01 ppm).
Tiếp đến là sản phẩm quả chôm chôm của Công ty xuất khẩu Khang An (TP.HCM) cũng bị Italy cảnh báo do mối nguy tồn dư thuốc bảo vệ thực vật.
Sản phẩm mộc nhĩ khô của Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Hanofood (Hải Dương) cũng bị Cộng hòa Liên bang Đức cảnh báo và thu hồi sản phẩm trên thị trường. Nguyên nhân cũng do phát hiện dư lượng Chlorpyrifos cao.
Đáng chú ý, là sản phẩm bột quế của Công ty CP Visimex, Hà Nội đã bị phía Italy cảnh báo do phát hiện vi khuẩn Bacillus cereus ở mức 16.000 CFU/g (quy định 1.000 CFU/g). Đây được xem là mức độ rủi ro nghiêm trọng.
Theo Văn phòng Thông báo và Điểm hỏi đáp quốc gia về vệ sinh dịch tễ và kiểm dịch động thực vật Việt Nam, thời gian gần đây, Việt Nam liên tục bị EU từ chối nhập khẩu hàng hóa do vi phạm các quy định về an toàn thực phẩm. Không chỉ riêng Việt Nam mà còn nhiều nước khác cũng gặp tình trạng tương tự.
Nhiều chuyên gia kinh tế nhận định, những cảnh báo của thị trường nhập khẩu không hẳn là rào cản gây khó khăn cho doanh nghiệp mà chúng ta cần nhận thức lại cho đúng.
Điều kiện tiên quyết để tham gia vào các thị trường lớn như EU là sự minh bạch kiểm dịch động, thực vật…và các biện pháp bảo vệ sức khỏe con người.
Mỗi quốc gia đều đưa ra các quy định, nghiên cứu dựa trên cơ sở khoa học – kỹ thuật, thông qua đánh giá rủi cho từng sản phẩm hàng hóa. Do đó, mỗi nước cần phải tuân thủ quy định trước khi xuất hàng, rà soát kỹ các khâu trong chuỗi quản lý để xác định nguyên nhân và biện pháp khắc phục, tránh để tình trạng trên xảy ra thường xuyên làm giảm uy tín, chất lượng hàng hóa trong tương lai.
Đồng thời, các doanh nghiệp nên có bộ phận nghiên cứu kỹ thuật để đáp ứng kịp thời các thay đổi của thị trường.
Advertisement