09/01/2021 11:21
Elon Musk: Gã tỷ phú 'điên' thích đốt tiền vào những điều viễn tưởng
CEO của Tesla - tỷ phú Elon Musk đã chính thức vượt qua ông trùm Amazon - tỷ phú Jeff Bezos để trở thành người giàu nhất hành tinh trên bảng xếp hạng tỷ phú của Bloomberg với khối tài sản hiện tại ước tính 195 tỷ USD.
Cổ phiếu Tesla tăng vọt 743% vào năm ngoái, là động lực chính thúc đẩy tổng tài sản của tỷ phú Elon Musk tăng phi mã. Ước tính trong năm 2020, số tiền Elon Musk kiếm được còn nhiều hơn cả tổng tài sản ròng hiện có của tỷ phú Bill Gates.
Không quá mặn mà với sự giàu có hiện tại, ông Musk viết trên Twitter khi nhận tin mình là người giàu nhất hành tinh: "Thật lạ lùng. Giờ trở lại với công việc thôi!".
Có vẻ như với CEO Tesla, hạnh phúc thật sự là khi "nhân loại thoát khỏi Trái Đất và thuộc địa hóa sao Hỏa" chứ không phải sở hữu khối tài sản kếch xù.
Là CEO của SpaceX và Tesla, nhà sáng lập The Boring Company, OpenAI và Neuralink có vẻ như chẳng công nghệ tương lai nào không có dấu ấn của tỷ phú Elon Musk. Cái tên Elon Musk hiện diện ở khắp mọi nơi cùng lúc, từ tham vọng thống trị ngành ô tô điện, pin năng lượng mặt trời cho đến xây dựng thành phố trên sao Hỏa.
Đó là lý do tại sao CEO Tesla trở thành nguồn cảm hứng cho nhân vật chính Tony Stark trong bộ phim siêu anh hùng "Người sắt" (2008) của Marvel.
Triệu phú tuổi 28 và khát khao thay đổi thế giới
Sinh ra ở Nam Phi, Elon Musk trải qua một tuổi thơ đầy biến cố. Ba mẹ ly hôn và bị bắt nạt thậm tệ ở trường học. Khi nhập cư sang Canada, chàng trai trẻ cũng trải qua những ngày tháng chật vật, thử sức với hàng tá công việc vất vả để có tiền trang trải cuộc sống, từ quét dọn chất thải trong nhà máy đến sửa chữa máy tính trong ký túc xá đại học.
Ra trường với hai tấm bằng cử nhân vật lý và kinh tế vào thời điểm mà Internet bắt đầu thống trị nhiều lĩnh vực, và thánh địa thung lũng Silicon trở thành "miền đất hứa", tỷ phú Elon Musk quyết định rẽ sang một hướng mới.
Thất bại trong lần ứng tuyển vào "đế chế" Internet Netscape không làm Musk chùn bước, chàng thanh niên quyết định cùng với anh trai Kimbal Musk tự thành lập một công ty công nghệ của riêng mình ở tuổi 23. Ý tưởng khởi nghiệp đến từ một lần Musk chứng kiến một nhân viên sale danh bạ doanh nghiệp gọi điện mời các công ty đang thực tập tham gia dịch vụ.
Ngay lập tức, với sự nhạy bén của mình, Musk muốn bắt tay vào thành lập ngay một trang web tích hợp danh bạ trực tuyến và bản đồ địa chỉ doanh nghiệp ở từng địa phương, từng khu vực.
Startup Zip2 đi vào vận hành ngay sau đó với số vốn ban đầu ít ỏi. Trụ sở công ty đặt tại một văn phòng tồi tàn chật hẹp, không có nhà tắm và sàn nhà chính là giường ngủ. Nhưng rồi chỉ một thời gian ngắn sau đó, tiềm năng của Zip2 trong thời đại Internet bùng nổ tại Mỹ, đã thuyết phục được những nhà đầu tư đầu tiên, tạo tiền đề cho Zip2 phất lên như diều gặp gió với hàng loạt khách hàng khắp đất nước.
Cho đến nay, Zip2 vẫn được đánh giá là một trong những nhà tiên phong trong cuộc cách mạng tra cứu trang vàng trực tuyến. Sau này, Compaq đề nghị mua lại Zip2 với mức giá lên tới 307 triệu USD, một con số hậu hĩnh với một startup công nghệ thời điểm đó.
Thương vụ đã biến ông Elon Musk thành triệu phú khi bỏ túi 22 triệu USD.
Với phương châm không để tiền chết, Elon Musk lập tức tìm kiếm ý tưởng khởi nghiệp thứ hai, với số tiền 22 triệu USD và hàng loạt mối quan hệ cá nhân đã gây dựng được nhờ Zip2.
Lần này, chàng trai trẻ thử sức trong lĩnh vực tài chính công nghệ, với tham vọng khắc phục hệ thống chuyển tiền chậm chạp của các ngân hàng, tận dụng sức mạnh và sự phát triển của Internet để thúc đẩy công cụ thanh toán online bảo mật qua email. X.com (sau đổi tên thành PayPal). Đây là đứa con tinh thần thứ hai của ông Musk, cũng là nơi mang về cho tỷ phú này số tiền kếch xù 170 triệu USD khi startup này được eBay mua lại.
Cũng chính X.com là nơi dạy cho Musk nhiều bài học, từ môi trường cạnh tranh ngày một khốc liệt ở thung lũng Silicon, cho đến việc bị "hất cẳng" khỏi ghế CEO công ty do chính mình sáng lập.
Tỷ phú Elon Musk trở nên chán ngán các ý tưởng startup Internet, chán ngán những vòng gọi vốn và rời công ty sau khi đã bỏ túi hàng triệu USD nhờ những thương vụ sáp nhập hay mua lại.
Khao khát trong Musk lớn lao hơn thế, chàng trai trẻ muốn thay đổi thế giới như những anh hùng đích thực, muốn theo đuổi những đam mê vượt ra ngoài không gian dù phải đặt cược tất cả những gì mình có.
"Gã điên" Elon Musk đốt tiền vào những điều viễn tưởng
Elon Musk rời thánh địa thung lũng Silicon để tìm đến Los Angeles, trung tâm hàng không vũ trụ nước Mỹ. Thời điểm đó, không ai có thể ngờ chàng trai 30 tuổi này sẽ là một trong những người thay đổi lịch sử ngành vũ trụ hàng không Mỹ, viết nên những giấc mơ không tưởng về tên lửa và du hành vũ trụ, về phủ sóng Internet không gian và "thuộc địa hóa" sao Hỏa.
Niềm đam mê khám phá không gian cháy bỏng đã thôi thúc Elon Musk sáng lập SpaceX và quỹ Life to Mars của riêng mình. Dường như bị "ám ảnh" bởi hành tinh đỏ, Musk muốn biến sao Hỏa thành ngôi nhà thứ hai của nhân loại, cải tạo đất sao Hỏa thành những vườn ươm rau và xây dựng ở đây thành phố hàng triệu dân - nghe như những bộ phim viễn tưởng của Hollywood.
Ở tuổi 30, Musk dấn thân vào đam mê "hão huyền" đó bằng số tiền hàng trăm triệu USD kiếm được sau thương vụ bán PayPal. Và Musk biết rằng để bắt đầu hành trình không gian, trước hết anh cần một quả tên lửa.
Suốt 4 tháng ròng rã từ tháng 10/2001 đến tháng 4/2002, Elon Musk nỗ lực thuyết phục Nga bán tên lửa đạn đạo với ngân sách 20 triệu USD, nhưng bất thành.
Cực chẳng đã, Musk cùng các cộng sự quyết định tự chế tạo tên lửa đẩy. Chẳng thiết tha cái danh triệu phú, gã trai "điên" rót 100 triệu USD vào dự án chế tên lửa của SpaceX.
Giới chuyên môn đi từ thờ ơ đến ngạc nhiên trước sự điên rồ, độ "chơi ngông" của Musk. Nhưng 100 triệu USD chẳng thấm vào đâu trong ngành công nghiệp hàng không vũ trụ ngốn bộn tiền. Nó chỉ đủ cho nhiều nhất 4 lần phóng tên lửa thất bại. Mà trong 3 năm 2006-2008, SpaceX đã phóng thất bại tổng cộng 3 tên lửa, rơi ngay khi chưa đi vào quỹ đạo.
Lần phóng thứ 4 được xem như ván bài định mệnh, đặt cược toàn bộ những gì còn lại của Elon Musk. Nếu tiếp tục thất bại, Musk sẽ trở về với hai bàn tay trắng, cả SpaceX và Tesla sẽ phá sản.
Điều kỳ diệu đã xảy ra, tên lửa Falcon 1 phóng thành công lên quỹ đạo. Khoảnh khắc đó không chỉ là một phần lịch sử, là trái ngọt đền đáp 8 năm ròng nỗ lực của Elon Musk và cộng sự, mà còn là quân bài cứu sống cả Tesla và SpaceX, trong bối cảnh khủng hoảng tài chính toàn cầu, thời điểm mà Musk đã chẳng còn một xu dính túi.
Sau thành công này, NASA quyết định rót 1,6 tỷ USD vào SpaceX, mở ra một kỷ nguyên mới trong tham vọng chinh phục không gian của Elon Musk.
Tesla, dự án xe ô tô điện mà Musk rót tới 70 triệu USD, cũng là một canh bạc đầy rủi ro. Nó đi ngược lại một thế giới mà ô tô đã chạy bằng xăng dầu từ những ngày đầu được phát minh ra. Nó thách thức nhiều đế chế dầu mỏ khét tiếng được hậu thuẫn bởi những tỷ phú, gia tộc tài phiệt có tầm ảnh hưởng kinh tế - chính trị trên toàn cầu.
Không ngẫu nhiên mà Elon Musk đặt cho Tesla mục tiêu "thay đổi thế giới".
Và thế giới thực sự đã thay đổi sau hơn một thập kỷ Tesla ra mắt dòng xe điện đầu tiên. Cổ phiếu hãng này đã tăng vọt 23.900% kể từ lần IPO năm 2010, đưa Tesla trở thành hãng ô tô có giá trị thị trường cao nhất thế giới (828,16 tỷ USD), vượt mặt cả những ông lớn sừng sỏ trong ngành như GM, Toyota, Hyundai…
Bất chấp cuộc khủng hoảng đại dịch Covid-19, Tesla vẫn xuất xưởng doanh số kỷ lục 499.550 ô tô điện trong năm 2020, trong đó chủ yếu là dòng xe điện Model 3 giá rẻ.
Sau Tesla, nhiều ông lớn như GM, Honda, Toyota hiện đã đổ tiền vào nghiên cứu và tung ra các dòng xe điện bảo vệ môi trường đầu tiên.
Advertisement
Advertisement
Đọc tiếp