14/04/2022 15:53
Đường sắt thu gọn đầu mối, tinh giản biên chế thế nào?
Tổng công ty Đường sắt VN sáp nhập 3 ban quản lý dự án đường sắt khu vực và 5 xí nghiệp đầu máy.
Thu gọn đầu mối quản lý, tinh giảm lao động
Phó Thủ tướng Lê Minh Khái vừa có văn bản đồng ý về chủ trương phương án cơ cấu lại doanh nghiệp, đơn vị thuộc Tổng công ty Đường sắt VN. Theo đó, sẽ thực hiện thu gọn đầu mối chi nhánh xí nghiệp đầu máy từ 5 chi nhánh xí nghiệp đầu máy thành 3 chi nhánh xí nghiệp đầu máy.
Chuyển nguyên trạng toàn bộ hoạt động, tài sản, con người đang có tại 3 Ban quản lý dự án đường sắt khu vực 1, 2, 3 về một Ban quản lý dự án đường sắt có các điều kiện nhất về quy mô, kinh nghiệm, thực tế... để thực hiện chức năng đại diện chủ đầu tư quản lý các dự án đường sắt do Tổng công ty Đường sắt VN làm chủ đầu tư. Chấm dứt hoạt động của 2 ban quản lý dự án đường sắt còn lại.
Hợp nhất Công ty Cổ phần Vận tải đường sắt Hà Nội và Công ty CP Vận tải đường sắt Sài Gòn thành một công ty cổ phần vận tải đường sắt.
Theo phương án ban đầu của Tổng công ty Đường sắt VN, có 5 chi nhánh đầu máy trực thuộc tổng công ty, thì sáp nhập Đầu máy Đà Nẵng vào Đầu máy Sài Gòn và Đầu máy Yên Viên vào Đầu máy Hà Nội, chuyên vận dụng kéo tàu, chỉnh bị; Còn Đầu máy Vinh chuyên công tác sửa chữa lớn.
Khi thực hiện giảm số lượng chi nhánh đầu máy như vậy, dự kiến sẽ giảm được 12 phòng, hơn 100 người lao động và giảm chi phí khoảng 63 tỉ đồng.
Trao đổi với Báo Giao thông, ông Vũ Anh Minh, Chủ tịch HĐTV Tổng công ty Đường sắt VN cho biết, phương án này chính là một phần nội dung nằm trong Đề án cơ cấu lại Tổng công ty Đường sắt VN năm 2020 và giai đoạn 2021-2025 (Đề án) đã được trình các cấp có thẩm quyền, nhưng được ưu tiên xử lý trước nhằm giải quyết những vấn đề cấp bách, khẩn thiết của Tổng công ty.
Do Đề án sau nhiều năm, nhiều lần bổ sung, giải trình vẫn đang hoàn thiện, tháng 1/2021, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình đã cho phép, trong khi chờ đợi, đối với những vấn đề cần thiết, cấp bách, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại VN, Tổng công ty Đường sắt VN chủ động xử lý theo thẩm quyền hoặc báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét theo quy định của pháp luật.
“Vì vậy, Tổng công ty đã trích rút nnhững nội dung thực tiễn nhất, có đủ điều kiện để thực hiện ngay khi cấp có thẩm quyền cho phép, nhằm khắc phục những tồn tại nghiêm trọng trong cơ cấu hiện tại, giải quyết tình trạng đan xen, chồng chéo bộ máy, cạnh tranh trong nội bộ, hướng tới chuyên môn hóa việc tổ chức kinh doanh vận tải đường sắt.”, ông Minh nói và nhấn mạnh: Việc này sẽ giúp thu gọn được đầu mối, tinh giản được lao động.
Số lượng lao động được tinh giản sẽ tập trung trước tiên vào khối gián tiếp do giảm đầu mối quản lý, giảm số lượng phòng, ban trùng lắp về chức năng, nhiệm vụ, góp phần tăng năng suất của khối lao động gián tiếp. Mặt khác, giảm nhân sự sẽ góp phần rất lớn trong việc giảm chi phí lương phải chi trả, trong khi đảm bảo hoạt động SXKD được duy trì và dần cải thiện. Đây là giải pháp kép, vừa giảm chi phí vừa tăng doanh thu.
Việc thu gọn đầu mối, bộ phận cũng sẽ giảm được một số chi phí bắt buộc phải có trong hoạt động SXKD tồn tại trên diện rộng trước đây như: Chi phí vật tư lưu kho phục vụ cho sửa chữa, thay thế cho đầu máy và toa xe; Việc mua sắm vật tư phụ tùng thống nhất chủng loại, chất lượng, số lượng lớn nên giá rẻ và thuận lợi cho việc sử dụng; Giảm được chi phí về vận dụng, sửa chữa... Dự kiến số chi phí tối thiểu có thể tiết kiệm được là gần 70 tỷ/năm.
Sáp nhập, giải quyết lao động dôi dư
Cũng theo ông Vũ Anh Minh, Tổng công ty Đường sắt VN sẽ chủ động xây dựng phương án chi tiết, kế hoạch cụ thể đối với việc sáp nhập 3 ban quản lý dự án đường sắt khu vực và 5 xí nghiệp đầu máy.
Cụ thể, sẽ chỉ cần 1 tháng để sáp nhập xong các ban và khoảng 3 tháng để tổ chức lại các xí nghiệp đầu máy.
Riêng đối với việc sáp nhập 2 công ty cổ phần vận tải, Tổng công ty sẽ phải thuê công ty tư vấn lập phương án cụ thể, chi tiết. Điều thuận lợi là chủ trương sáp nhập đã được đại hội đồng cổ đông của cả 2 công ty ủng hộ với tỷ lệ thông qua rất cao.
Về giải quyết lao động, trên cơ sở phương án của tư vấn đưa ra về vị trí việc làm, số lao động cần thiết, số lao động dôi dư, sẽ xác định được người lao động dôi dư. Quá trình tiến hành sáp nhập, giải quyết lao động dôi dư cần khoảng 9 tháng.
Trước đó, Tổng công ty cũng đã ra phương án ban đầu về giải quyết lao động dôi dư. Đối với các vị trí đến tuổi nghỉ chế độ: Khối lao động gián tiếp không tuyển dụng mới chỉ tiến hành điều chuyển trong nội bộ; Khối lao động trực tiếp, trên cơ sở tận dụng nguồn lực chung của các đơn vị để phân công công việc, hạn chế tuyển dụng mới. Cùng đó, sàng lọc, tuyển chọn lại lao động có trình độ tay nghề cao, kỹ năng, phẩm chất, đạo đức tốt.
Các trường hợp lao động không đủ điều kiện sẽ tuyên truyền, vận động để điều chuyển các công việc khác phù hợp với sở trường, năng lực cá nhân tại các đơn vị đường sắt trong khu vực. Tập huấn, đào tạo lại, đào tạo chuyển nghề để bố trí công việc mới cho lao động, tránh phải tuyển dụng mới.
Các trường hợp khác do người lao động có quyền quyết định, Tổng công ty và các đơn vị sẽ giải quyết đúng các quy định của Bộ luật Lao động và các quy định khác liên quan đến chế độ chính sách khi lao động nghỉ việc.
“Sau sáp nhập, để doanh nghiệp mới đi vào hoạt động ổn định sẽ tiến hành bước tiếp theo là thực hiện việc phân chia, bóc tách về tổ chức, lao động, vốn, tài sản để thành lập công ty con chuyên kinh doanh vận tải hàng hóa đường sắt.
Tới đây, Tổng công ty Đường sắt VN tiếp tục hoàn thành phương án sáp nhập hai doanh nghiệp vận tải này, gửi Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp để lấy ý kiến các Bộ, ngành liên quan, rồi mới triển khai.”, ông Minh cho hay.
Mô hình tổ chức kinh doanh vận tải đường sắt đã nhiều lần thay đổi. Thực hiện “Đề án Tái cơ cấu Tổng công ty Đường sắt VN giai đoạn 2012-2015” theo Quyết định số 198/TTg ngày 21/1/2013 của Thủ tướng Chính phủ, năm 2015, 2 doanh nghiệp vận tải đường sắt Hà Nội, Sài Gòn hoạt động theo mô hình công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên.
Năm 2016, chuyển sang hoạt động theo mô hình doanh nghiệp cổ phần do Tổng công ty Đường sắt VN giữ cổ phần chi phối.
Trước đó, doanh nghiệp vận tải hoạt động chuyên môn hóa với 3 doanh nghiệp: Công ty TNHH MTV Vận tải hàng hóa đường sắt; Công ty Vận tải hành khách đường sắt Hà Nội chuyên kinh doanh vận tải hành khách khu vực phía Bắc; Công ty Vận tải hành khách đường sắt Sài Gòn chuyên kinh doanh vận tải hành khách khu vực phía Nam.
Năm 2014 tiến hành chấm dứt hoạt động Công ty TNHH MTV Vận tải hàng hóa đường sắt và sáp nhập các đơn vị về trực thuộc 2 công ty vận tải hành khách đường sắt Hà Nội, Sài Gòn...
Sau khi hình thành 2 doanh nghiệp cổ phần kinh doanh vận tải cả khách và hàng trên toàn mạng lưới đã bộc lộ nhiều tồn tại, bất cập như: chồng chéo, cạnh tranh nội bộ, bộ máy lớn dẫn đến lượng lao động lớn, chi phí sản xuất lớn...
Advertisement
Advertisement
Đọc tiếp