Advertisement

Nhận bản tin

Liên hệ quảng cáo

Email: banbientap@baocungcau.net

Hotline: 0917 267 237

icon logo

Quên mật khẩu?

Có tài khoản? Đăng nhập

Vui lòng nhập mật truy cập tài khoản mới khẩu

Thay đổi email khác
icon

Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đang 'bỏ quên' các dự án du lịch

Chính sách - Hạ tầng

21/10/2023 08:16

Nhiều chuyên gia kinh tế, pháp lý, doanh nghiệp bất động sản cho rằng dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) sắp trình Quốc hội xem xét tại Kỳ họp thứ 6.

Quốc hội Khóa XV khai mạc ngày 23/10 tới đang "bỏ quên" hạng mục đất dành cho phát triển du lịch; trong khi đó Nghị quyết 08 của Bộ Chính trị đặt mục tiêu đến năm 2030, du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn, đóng góp 14-15% GDP cho Việt Nam.

Hạ tầng du lịch bị "bỏ quên"

Phát biểu tại Hội thảo "Sửa Luật Đất đai: Tạo đất cho du lịch" do báo Đầu tư tổ chức sáng 19/10, TS. Cấn Văn Lực, Thành viên Hội đồng tư vấn Chính sách tài chính tiền tệ quốc gia nhận định, hiện nay các tổ chức quốc tế đánh giá ngành du lịch đang chiếm khoảng 7% GDP của Việt Nam.

Trong khi đó, Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam, đặc biệt Nghị quyết 08/TW của Bộ Chính trị năm 2017 về phát triển du lịch đã nêu mục tiêu phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn và đến năm 2030, khách du lịch quốc tế đến Việt Nam đạt 47-50 triệu lượt, du lịch đóng góp khoảng 14-15% GDP, nâng tỷ trọng dịch vụ trong GDP lên trên 50%.

"Để con số này tăng gấp đôi sau 7 năm, đòi hỏi phải có sự nỗ lực rất lớn", vị chuyên gia nói.

Tuy nhiên, theo ông Lực, hiện nay đang tồn tại nhiều bất cập trong thu hút vốn đầu tư phát triển hạ tầng du lịch. Các quy định về cấp và chuyển nhượng quyền sở hữu đất và tài sản gắn liền với đất thương mại, dịch vụ du lịch (condotels, shophouse, ….) còn chưa đầy đủ, thiếu đồng bộ.

Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đang “bỏ quên” các dự án du lịch - Ảnh 1.

TS. Cấn Văn Lực phát biểu tại Hội thảo sáng 19/10 - Ảnh: Minh Minh

Mặt khác, khung pháp lý trong việc cấp đất cho các dự án phát triển du lịch còn nhiều bất cập: Doanh nghiệp du lịch hiện không được giao đất, cho thuê đất thông qua đấu thầu quyền sử dụng đất (theo Nghị định số 25/2020/NĐ-CP ngày 28/2/2020 của Chính phủ).

"Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) hiện nay quy định 30 trường hợp thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia công cộng, nhưng không bao gồm các dự án phát triển du lịch, vui chơi giải trí", ông Lực nêu vấn đề và nhận xét: Nếu Luật Đất đai sửa đổi tới đây không có quy định tiếp cận đất đai đối với tổ chức, cá nhân để phát triển du lịch, dịch vụ thì sẽ không khuyến khích phát triển hạ tầng du lịch.

Đồng quan điểm, Ths. Nguyễn Văn Đỉnh, chuyên gia pháp lý bất động sản nhận định, trong các trường hợp thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng được nêu tại Điều 79 Dự thảo Luật Đất đai hiện nay vắng bóng các dự án phát triển du lịch, vui chơi, giải trí thông thường.

"Tôi đồng tình với quan điểm cần thu hồi đất với cả các dự án du lịch, vui chơi, giải trí đơn thuần (không có chức năng ở), thậm chí trong một số trường hợp loại hình dự án này cần khuyến khích hơn cả các dự án phát triển nhà ở.

Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đang “bỏ quên” các dự án du lịch - Ảnh 2.

ThS Nguyễn Văn Đỉnh, chuyên gia pháp lý bất động sản _ Ảnh: M.Minh

Chẳng hạn, tại các địa điểm phù hợp để làm du lịch (các địa phương ven biển còn hoang sơ, dân cư thưa thớt, điều kiện phát triển kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn... thuộc địa bàn cần thu hút đầu tư) thì cần ưu tiên thu hồi đất để thực hiện các dự án du lịch trọng điểm, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội cho địa phương, thậm chí tạo động lực lan tỏa cho cả vùng, khu vực", ông Đỉnh nói.

Thực tế cho thấy, nếu không cho phép thu hồi đất thì không thể triển khai được các dự án quy mô lớn (ví dụ các tổ hợp du lịch, nghỉ dưỡng quy mô lớn hàng nghìn ha, vốn đầu tư vài tỷ USD) để thu hút các nhà đầu tư tiềm năng, giàu năng lực.

Nếu giữ quy định như dự thảo luật hiện nay thì việc triển khai các dự án du lịch trọng điểm sẽ gặp ách tắc. Do đó, theo ông Đỉnh, vấn đề này cần được nhìn nhận nghiêm túc.

Dưới góc độ pháp lý, Luật sư Nguyễn Hồng Chung, Chủ tịch HĐQT DVL Ventures, Phó chủ nhiệm CLB Bất động sản Hà Nội cho biết, trước đây, các dự án phát triển du lịch đã được đưa vào diện Nhà nước thu hồi đất trong Luật Đất đai 2003. Nghị định 84 năm 2007 cũng đã luật hóa du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn và đủ điều kiện được Nhà nước thu hồi đất. Tuy nhiên, đến Luật Đất đai năm 2013 thì quy định này bị loại bỏ.

Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đang “bỏ quên” các dự án du lịch - Ảnh 3.

Luật sư Nguyễn Hồng Chung trình bày quan điểm tại Hội thảo - Ảnh: M.Minh

Tại dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đang thảo luận cũng không có quy định thu hồi đất đối với dự án khu đô thị mới. Các dự án thuộc trường hợp Nhà nước thu hồi đất được xác định là các dự án được đầu tư để nâng cấp cơ sở hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội chung của dân cư, đảm bảo an sinh xã hội cho dân cư; không bao gồm các dự án có mục tiêu phát triển du lịch, vui chơi, giải trí hoặc kết hợp nhà ở thương mại với phát triển du lịch, công trình dịch vụ, vui chơi, giải trí.

Trong khi đó, vị luật sư dẫn chứng, trên thế giới có rất nhiều siêu dự án phức hợp làm thay đổi bộ mặt cả một khu vực rộng lớn như Khu phức hợp Genting (Malaysia) có diện tích 5.000 ha, siêu dự án khu đô thị Kingdom City (Malaysia) có trị giá 26,7 tỷ USD hay ở Việt Nam là khu đô thị nổi tiếng Phú Mỹ Hưng tại Quận 7, TPHCM có diện tích 750 ha; Khu đô thị Vinhomes Ocean Park quy mô 420 ha…

"Nghị quyết 08 của Bộ Chính trị vẫn tiếp tục khẳng định phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Đến nay, dù Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đã được chỉnh sửa nhiều lần nhưng vẫn "bỏ quên" các dự án du lịch, khiến những quy định pháp luật đang đi ngược lại với thực tiễn, chưa đáp ứng đòi hỏi của thực tiễn", ông Chung nêu quan điểm.

Đại diện cho tiếng nói của doanh nghiệp bất động sản, TS. Đỗ Thanh Trung, cố vấn Ban giám đốc, Công ty cổ phần Đầu tư và Xây dựng Phúc Khang (Phúc Khang Corporation) cho biết, Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đến thời điểm hiện tại không quy định trường hợp thu hồi đất đối với dự án du lịch nghỉ dưỡng, khu đô thị mới, nhà ở hỗn hợp kết hợp với thương mại dịch vụ du lịch.

Như vậy, việc tạo quỹ đất cho du lịch chỉ được thực hiện qua hai phương thức là nhà đầu tư tự thoả thuận chuyển nhượng quyền sử dụng đất hoặc là nhà đầu tư tiếp cận quỹ đất thông qua đấu giá.

Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đang “bỏ quên” các dự án du lịch - Ảnh 4.

TS. Đỗ Thanh Trung, cố vấn Ban giám đốc, Công ty cổ phần Đầu tư và Xây dựng Phúc Khang - Ảnh: M.Minh

Tuy nhiên, theo ông Trung, đối với những khu đất có diện tích lớn thì việc thỏa thuận được 100% các hộ dân là điều rất khó. Hơn nữa, tại khu đất thực hiện dự án không phải chỉ là những người dân thuần túy sinh sống mà có khả năng có các nhà đầu cơ nên có thể xảy ra tình trạng ép giá đối với các nhà đầu tư.

Ông Trung nói rằng, nếu không thay đổi quy định này thì chiến lược phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn, đóng góp 14-15% cho GDP năm 2030 có thể phải chậm lại.

Phát triển hạ tầng du lịch nhưng vẫn đảm bảo "có van, có khoá"

Các ý kiến tại Hội thảo đều đồng thuận về việc cần bổ sung nội dung dự án khu đô thị mới có quy mô trên 300 ha” vào các loại hình sản phẩm bất động sản quy định tại khoản 21 của Điều 79 Luật Đất đai sửa đổi, nghĩa là thuộc diện Nhà nước thu hồi đất để tạo lập quỹ đất cho du lịch.

Theo Luật sư Nguyễn Hồng Chung, việc phát triển kinh tế mỗi giai đoạn đều có sự ưu tiên khác nhau. Khi chúng ta đã xác định kinh tế du lịch là mũi nhọn, thì các dự án du lịch như khu vui chơi, giải trí, tổ hợp đa năng… phải được bổ sung vào diện Nhà nước thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội.

"Để du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, như Nghị quyết 18-NQ/TW của Bộ Chính trị đề ra, tôi cho rằng Luật Đất đai mới cần phải có quy định cụ thể về đất du lịch", ông Chung nói.

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Thanh Trung cho rằng nếu chọn lựa phát triển du lịch nhanh trong một giai đoạn ngắn thì chúng ta nên lựa chọn cơ chế Nhà nước đứng ra thu hồi đất làm hạ tầng du lịch. Để giải quyết hài hoà các bên trong mối quan hệ lợi ích của việc thu hồi đất, ông Trung đề nghị Nhà nước có cơ chế hỗ trợ thêm cho người dân có đất bị thu hồi.

Nêu giải pháp cụ thể, ông Nguyễn Anh Quê, Ủy viên Ban Chấp hành Hiệp Hội Bất động sản Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Tập đoàn G6 cho rằng, không nên bỏ hoàn toàn các dự án du lịch ra ngoài Luật Đất đai, nhưng cũng không nên chung chung, "cào bằng" đến mức dự án du lịch nào cũng được Nhà nước thu hồi và giao đất, cho thuê đất, sẽ dẫn đến phát triển ồ ạt thiếu định hướng.

Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đang “bỏ quên” các dự án du lịch - Ảnh 5.

Ông Nguyễn Anh Quê - Chủ tịch G6 trả lời báo chí bên lề Hội thảo - Ảnh: M.Minh

"Tôi cho rằng, nên dựa trên những tiêu chí nhất định, từ đó có quy định cụ thể. Có thể căn cứ từ tổng mức đầu tư, quy mô dự án, từ đó đưa ra phương pháp lựa chọn nhà đầu tư và áp dụng hình thức thu hồi đất. Ví dụ dự án quy mô bao nhiêu nghìn tỷ, bao nhiêu ha thì sẽ thuộc diện thu hồi đất", Chủ tịch G6 đề nghị.

Kiến nghị giải pháp mềm dẻo hơn, Ths Nguyễn Văn Đỉnh cho rằng, có thể đưa ra một quy định linh hoạt trong Luật Đất đai là những dự án du lịch lớn do Thủ tướng Chính phủ quy định thì áp dụng cơ chế Nhà nước thu hồi đất. Sau đó, tuỳ thuộc quan điểm điều hành từng giai đoạn của Chính phủ mà hạn mức dự án này (về tổng vốn đầu tư, về quy mô diện tích đất, về các điều kiện khác) có thế thay đổi linh hoạt.

"Như vậy, việc thu hồi đất cho dự án hạ tầng du lịch vẫn đảm bảo "có van, có khoá" mà vẫn thúc đẩy phát triển được du lịch", ông Đỉnh nhận xét.

Dưới góc độ người làm chính sách, ông Tạ Văn Hạ, Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa - Giáo dục của Quốc hội cho biết, ông tiếp thu các ý kiến của hội thảo để tham chiếu trước khi kiến nghị đến Quốc hội về sửa đổi Luật Đất đai.

Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đang “bỏ quên” các dự án du lịch - Ảnh 6.

Ông Tạ Văn Hạ, Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa - Giáo dục của Quốc hội : Ảnh: M.M

Nhấn mạnh, Nghị quyết 08 nêu rõ phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn vào năm 2030 là định hướng quan trọng phát triển kinh tế đất nước, ông Hạ nêu vấn đề khi sửa đổi Luật đất đai cần có ứng xử với ngành kinh tế mũi nhọn thế nào cho phù hợp.

"Ta ứng xử như thế với ngành kinh tế mũi nhọn trong khi các dự án phát triển nhà ở thương mại thì được thu hồi, còn đất phát triển du lịch thì không. Trong đó có những tổ hợp phức hợp phát triển cho hoạt động du lịch từ lữ hành, lưu trú, vậy làm sao để phát triển?", vị đại biểu nêu vấn đề.

Quan điểm của Uỷ ban Văn hóa - Giáo dục của Quốc hội là phải làm sao để phát triển được du lịch vì đây là lĩnh vực đang cần được ưu tiên. Ông Hạ cho biết, Ủy ban Văn hóa Giáo dục đang xây dựng kiến nghị và sẽ có ý kiến trước Quốc hội về vấn đề này.

MINH MINH
iconChia sẻ icon Chia sẻ
icon Chia sẻ

Advertisement