27/10/2020 07:43
Du học sinh tại Nhật mắc kẹt với quy định làm thêm hơn 28 giờ/tuần
Làm việc quá nhiều hay quá ít đều sẽ ảnh hưởng đến quá trình du học. Đây cũng chính là điều mà nhiều du học sinh tại Nhật Bản đang lo lắng.
"Quá trình sống và làm việc của bạn khi ở đất nước của chúng tôi không hợp lệ". Đây là thông báo mà Cục Di trú khu vực Osaka gửi cho một phụ nữ Việt Nam 25 tuổi, sống tại phường Hyogo của Kobe, vào ngày 13/4.
Thông báo nói rõ rằng, cô ấy sẽ không được phép gia hạn visa du học. Mặc cho người phụ nữ này đã tốt nghiệp một trường Nhật ngữ vào tháng 3, và dự định học chuyên ngành kế toán tại một trường dạy nghề từ tháng 4.
Cô nói: “Em đã làm tất cả những công việc để có thể đến trường”. Tuy nhiên, thông báo này đã phủ bóng đen lên tương lai của cô du học sinh.
Cô bị từ chối gia hạn visa, vì đã làm việc hơn 28 giờ/tuần, theo Đạo luật Kiểm soát Nhập cư và Công nhận người tị nạn dành cho du học sinh. Giờ đây, cô đã bị cắt đứt ước mơ theo đuổi ngành kế toán ở Nhật Bản.
Thẻ lưu trú tại Nhật Bản. |
Cô gái 25 tuổi này đến Nhật Bản vào tháng 1/2019, và kiếm được khoảng 150.000 yên (khoảng 1.422 USD) mỗi tháng, thông qua công việc ở viện dưỡng lão và sản xuất hộp cơm bento tại một nhà máy. Cùng lúc đó, cô theo học tại trường Nhật ngữ.
Ngoài ra, cô phải kiếm được 70.000 yên (khoảng 665 USD) để trang trải chi phí sinh hoạt. Các chi phí liên quan đến trường học, như phí nhập học và học phí cho trường dạy nghề cũng mất khoảng 390.000 yên (khoảng 3.697 USD), đến hạn vào tháng 9/2019.
Cô đã làm tất cả mọi việc để kiếm tiền, từ cắt giảm chi tiêu cho thực phẩm cho đến làm việc 150 giờ/tháng. "Tôi biết quy tắc '28 giờ mỗi tuần' và tôi đã sai khi vượt quá giới hạn. Nhưng, tôi cần tiền để đi học", cô ấy nói.
Giờ đây, du học sinh này không thể lưu trú tại Nhật với tư cách là sinh viên nước ngoài, mà phải chuyển sang thị thực "hoạt động được chỉ định" vào nửa cuối tháng 5. Cô vẫn tiếp tục làm việc tại viện dưỡng lão.
Theo khảo sát của Tổ chức Dịch vụ Sinh viên Nhật Bản, 75% sinh viên nước ngoài có việc làm bán thời gian vào năm 2017.
Toshiaki Torimoto, người đứng đầu một tổ chức phi lợi nhuận có trụ sở tại Hyogo, hoạt động nhằm thúc đẩy trao đổi văn hóa giữa Việt Nam và Nhật Bản, nhận xét: "Các quốc gia như Việt Nam còn nghèo so với Nhật Bản, và có nhiều sinh viên nước ngoài không có học bổng, hoặc hỗ trợ từ gia đình. Thực tế là họ phải tự kiếm tiền để trang trải chi phí sinh hoạt và học tập".
Cũng có nhiều trường hợp sinh viên nước ngoài rơi vào vòng xoáy nợ nần, vì họ không thể kiếm đủ tiền trong giới hạn 28 giờ/tuần để duy trì cuộc sống.
Phạm Thị Ngọc Hà 26 tuổi, quốc tịch Việt Nam, đang theo học tại Đại học Quốc tế Thái Bình Dương ở thành phố Okayama cho đến tháng 1/2020, đã bỏ học ngay trước khi tốt nghiệp. Lý do cho điều này là vì, cô cảm thấy quá khó khăn để cân bằng giữa việc học và việc làm.
Phạm Thị Ngọc Hà, quốc tịch Việt Nam, đang theo học tại một trường đại học ở Nhật Bản, đã phản ánh về cuộc sống của mình ở đất nước này. Ảnh: Mainichi |
Ngọc Hà đã tin tưởng vào một công ty môi giới với lời giới thiệu: "Ở Nhật, bạn có thể kiếm 200.000 yên/tháng khi còn đi học". Do đó, cô ấy đã trả cho công ty 1 triệu yên (khoảng 9.480 USD) trước khi sang Nhật vào năm 2013. Tuy nhiên, sau khi đã đến Nhật, cô chia sẻ: " Tôi nhận ra nó không đúng sự thật sau khi đến đây".
Ngọc Hà đã từng làm việc tại các nhà máy sản xuất hộp cơm bento và quán rượu izakaya và vẫn tuân thủ giới hạn 28 giờ đối với sinh viên nước ngoài. Tuy nhiên, cô chỉ kiếm được 100.000 yên (khoảng 948 USD) một tháng.
Sau khi tốt nghiệp trường dạy tiếng Nhật và trường dạy nghề ở Tokyo, cô theo học trường đại học 4 năm. Trong thời gian đó, cô phải vay tiền, trung bình khoảng 50.000 đến 100.000 yên/tháng, từ người thân và bạn bè. Sau đó, cô phải đi làm cật lực để kiếm tiền trả nợ và bắt đầu trốn học vì thiếu ngủ.
Ngọc Hà nói: “Cuộc sống ở Nhật khiến tôi mệt mỏi”. Bảy năm là sinh viên ở Nhật Bản của cô chỉ có một cảm giác duy nhất là quá sức, khi cô cố gắng kiếm đủ tiền để tiếp tục học tập.
Cô nói: "Tôi không biết rằng nó sẽ tốn kém hơn nhiều, so với những gì tôi ước tính trước khi đến Nhật Bản. Tôi nghĩ rằng ở Nhật Bản, tôi sẽ có thể học tập mà không phải lo lắng hay gánh nặng cho cha mẹ".
Hiện tại, số lượng sinh viên nước ngoài ở Nhật Bản đang tăng lên, bao gồm cả Việt Nam, Nepal và Myanmar. Họ làm việc tại các cửa hàng tiện lợi và nhà hàng để kiếm đủ tiền trang trải cuộc sống. Không chỉ vậy, nhiều người trong số họ gặp khó khăn về tài chính hoặc xung đột với các trường học.
Advertisement
Advertisement
Đọc tiếp