27/02/2017 06:25
Đủ chiêu kiếm tiền từ YouTube
Nhiều người đang lao vào sản xuất các video để phát trên YouTube vì họ cho rằng dễ có lợi nhuận. Tuy nhiên, thực tế không đơn giản như nhiều người nghĩ
Nhiều cá nhân, nhóm bạn trẻ tại Việt Nam đang kiếm được hàng ngàn USD mỗi tháng từ kênh YouTube khiến phong trào kiếm tiền từ kênh này đang tăng lên. Tuy nhiên, kiểu “ăn xổi” hay sao chép đang rất phổ biến khiến thị trường Việt Nam chưa được YouTube đánh giá cao.
Kiếm triệu đô
Gần đây, dân mạng Việt bị choáng ngợp trước thông tin về lượng xem video cũng như số Subscribe (đăng ký theo dõi kênh) quá lớn mà nam ca sĩ Sơn Tùng M-TP đạt được trên YouTube. Sự thành công này đã đem đến Sơn Tùng nút Play vàng danh giá. Đây là một dạng cúp lưu niệm của YouTube dành cho những kênh đạt 1 triệu Subscribe. Nhiều người thắc mắc Sơn Tùng sẽ kiếm được bao nhiêu tiền từ lượng người xem lớn này?
Theo Socialblade (công cụ giúp người dùng có thể theo dõi được sự phát triển của các kênh YouTube trên mạng video trực tuyến của Google), kênh chính thức Sơn Tùng M-TP Official xếp hạng 1.982 về lượng Subscriber trên toàn cầu. Kênh này cũng được đánh giá loại A khi có tổng lượng view đứng thứ 2.273 trong các kênh trên YouTube. Nếu tính trong 30 ngày gần đây, kênh YouTube của Sơn Tùng M-TP có tổng cộng 86,6 triệu view và 364,3 Subscriber mới. Với lượng người theo dõi và xem video lớn như vậy, Socialblade ước tính số tiền mà nam ca sĩ này thu được trong 1 tháng sẽ từ 21.000-346.000 USD. Nếu tính theo năm, số tiền mà Sơn Tùng nhận được từ YouTube sẽ vào khoảng 259.000 USD đến hơn 4 triệu USD. Đây là lợi nhuận khủng khiếp mà nhiều người mơ ước.
T.H.Minh (sinh viên một trường ĐH công nghệ tại TP HCM) cho biết: “Cách đây hơn 2 năm, khi biết YouTube trả tiền cho các video đưa lên, tôi bắt đầu mở kênh để làm các clip giới thiệu về game mới và thủ thuật chơi. Lúc đầu, mỗi clip chỉ có vài trăm, khi khá hơn được vài ngàn view. Sau gần 1 năm thì lượng view tăng lên được vài chục ngàn cho mỗi clip, lượng người đăng ký xem kênh của tôi cũng tăng lên được gần 50.000. Tính ra mỗi tháng, tôi kiếm được vài trăm USD, tháng nào làm nhiều clip thì được hơn 1.000 USD từ YouTube. Công việc này khá nhàn, chỉ cần tải game mới về chơi thử, sau đó quay clip chia sẻ thông tin, cách chơi, các thủ thuật… rồi đưa lên YouTube để thu hút người xem”.
Nhiều chuyên gia nhận xét xem video trực tuyến đã trở thành thói quen không thể thiếu của người Việt, kéo theo việc hình thành cộng đồng nhà phát triển nội dung cho YouTube. Từ đó, cơ hội kiếm tiền từ YouTube dành cho các bạn trẻ Việt Nam là không nhỏ. Theo tính toán của chuyên gia và các công ty Marketing Online, khi trở thành YouTube Partner (đối tác sản xuất video chính thức của YouTube), các video sẽ trở thành công cụ kiếm tiền hiệu quả qua quảng cáo được YouTube tự chèn vào với mức 1 USD/1.000 lượt xem. Khi đạt ngưỡng 100 USD sẽ được YouTube thanh toán qua chuyển khoản. Với các clip đạt 1 triệu lượt xem, YouTube sẽ trả cho tác giả 1.000 USD.
Đại diện Công ty Digital Marketing DGM (trụ sở ở TP HCM, chuyên đào tạo cách kiếm tiền từ YouTube) nhìn nhận: “Người có kiến thức và sự đam mê về lĩnh vực nào đó, cộng với chăm chỉ thì việc kiếm tiền trên YouTube là không khó. Học viên các khóa học kiếm tiền trên YouTube của chúng tôi hiện khá đa dạng về thành phần. Nhiều học viên là dân văn phòng mê theo dõi và chia sẻ tin tức; các bà nội trợ muốn lập kênh chăm sóc sức khỏe, phát triển ngôn ngữ cho trẻ; nhiều ông lập kênh làm đẹp cho bà xã… Ngoài ra, cũng không thiếu những học viên muốn phát triển kênh YouTube để phát triển tài năng hoặc gây ảnh hưởng tới cộng đồng như ca sĩ, nhà thiện nguyện… Điều này chứng tỏ kiếm tiền trên YouTube tại Việt Nam đang được nhiều người quan tâm. Phần lớn trong số này theo định hướng của chương trình YouTube Partner - sáng tạo nội dung chất lượng cho người xem”.
Không dễ thành công
Nhiều chuyên gia nhận định trào lưu làm Partner kiếm tiền trên YouTube ở Việt Nam xuất hiện từ năm 2007, không lâu sau Mỹ và các nước châu Âu. Có 2 cách phổ biến kiếm tiền trên YouTube. Đầu tiên là làm “Content” (sản xuất clip rồi đăng tải, bản quyền thuộc về mình). Cách thứ 2 là “Re-up” (lấy những clip có sẵn trên mạng rồi chỉnh sửa, tải lên YouTube). Việc tự tạo một kênh trên YouTube với những clip do mình thực hiện theo cách làm “Content” thì mất thời gian, đầu tư lâu dài, tốn kém nhưng không dễ kiếm được tiền do phải có chất lượng cao mới thu hút được khán giả xem hết video của bạn. Khi đó mới có nhiều like, comment cũng như tăng lượng người đăng ký xem kênh. Việc này không hề dễ vì trên YouTube luôn có hàng triệu người cũng làm như vậy nên mức độ cạnh tranh là vô cùng khốc liệt, nếu không đủ tài năng và đầu tư lâu dài thì dễ chết yểu.
Cách làm theo kiểu “Re-up” thì có thể sớm thu hút được nhiều người xem nhưng về lâu dài sẽ thất bại bởi toàn bộ số tiền kiếm được từ clip đó sẽ được chuyển cho người làm ra nó.
Nhiều chuyên gia nhận định một bộ phận không nhỏ Partner YouTube ở Việt Nam chưa nhận thức đầy đủ về bản quyền khi trở thành nhà cung cấp nội dung cho YouTube. YouTube có các điều khoản hết sức chặt chẽ và yêu cầu Partner tuân thủ. Họ cũng liên tục thay đổi các thuật toán quét bản quyền để hạn chế mức tối đa các vi phạm. Cách làm “Re-up”, “ăn xổi” không thể giúp bạn trở nên chuyên nghiệp và kiếm được tiền lâu dài.
Vừa rồi, một nhóm ở Hà Nội làm clip giả khủng bố đặt bom ngoài đường, tung lên YouTube khiến nhiều người hoang mang. Hậu quả, nhóm này đã bị cơ quan chức năng xử phạt, còn kênh trên YouTube thì bị xóa. Hay mới đây, một kênh truyền hình dành cho giới trẻ đã sản xuất các clip với nam, nữ diễn viên ăn mặc hở hang, khêu gợi để thu hút người xem. Thế nhưng sau đó, kênh này không chỉ bị cơ quan quản lý xử phạt mà còn bị khóa tài khoản vĩnh viễn trên YouTube.
Khuyết điểm của các nhà sáng tạo nội dung ở Việt Nam là thiếu tư duy và thiếu kỹ năng chuyên môn nên nhiều nội dung sản xuất ra không có giá trị. Nhiều nhà sáng tạo chưa có định hướng rõ ràng nên dễ chạy theo những nội dung không phù hợp với thuần phong mỹ tục hoặc vi phạm quy định của YouTube.
Ông Nguyễn Hoàng Văn, chuyên gia marketing online của Công ty VNETCOM TP HCM, cho biết có cách tăng view “đàng hoàng” là xây dựng Fanpage trên Facebook cho kênh YouTube, cần định vị nội dung, chăm chút đầu tư nội dung rồi chia sẻ với bạn bè, trên các Group, Fanpage, mạng xã hội… Từ đó, video sẽ được nhiều người biết. Tiến hành SEO (tối ưu công cụ tìm kiếm) và nghiên cứu từ khóa cho video YouTube là cách tăng view bền vững.
Việt Nam có lượng người xem YouTube rất cao
Theo báo cáo mới nhất từ Thoughtful - một công ty chuyên nghiên cứu, phát triển thị trường truyền thông đa phương tiện có trụ sở tại Mỹ - năm 2015 và 2016, Việt Nam đều lọt vào Top 10 quốc gia có lượng người xem YouTube nhiều nhất thế giới. Dân số Việt Nam khoảng 95 triệu người và hơn 50% sử dụng internet. Trong 50 triệu người sử dụng internet, hơn 40 triệu người sử dụng phương tiện truyền thông xã hội (các dịch vụ của Google, Facebook,...). Đây là những con số cho thấy thị trường kiếm tiền từ YouTube là rất rộng khi lượng người dùng internet đang cao và ngày càng tăng.
Advertisement
Advertisement