12/07/2018 08:59
Dự án Trung Tâm Thể thao Phan Đình Phùng đội vốn gấp đôi, TP.HCM cần thêm 3ha đất vàng trả cho Công ty Phát Đạt
Từ 988 tỉ đồng năm 2010, dự án Trung tâm Thể thao Phan Đình Phùng đội vốn lên 1.954 tỉ đồng nên TP.HCM tăng thêm 3ha đất để trả cho Phát Đạt.
UBND TP.HCM vừa kiến nghị Thủ tướng Chính phủ giao thêm 3ha đất tại trường đua Phú Thọ quận 11, TP.HCM để thanh toán cho nhà đầu tư dự án Trung tâm Thể dục Thể thao Phan Đình Phùng là Công ty Cổ phần Phát triển Bất động sản Phát Đạt (PDR).
So với khái toán ban đầu, chi phí xây dựng dự án Trung tâm Thể dục Thể thao Phan Đình Phùng đã đội vốn lên gấp đôi. Từ đó giá trị hai khu đất ở số 257 Trần Hưng Đạo và số 3-3bis Phan Văn Đạt, quận 1, TP.HCM không đủ thanh toán hợp đồng BT cho nhà đầu tư.
Tổng mức đầu tư khái toán ban đầu được lập năm 2010, dự án có tổng vốn đầu tư khoảng 988 tỉ đồng. Đến năm 2013, UBND TP.HCM chọn phương án thiết kế kiến trúc công trình, tổng mức đầu tư dự án lên gần 1.353 tỷ đồng.
Để thanh toán chi phí xây dựng dự án, UBND TP.HCM được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận bán chỉ định và giao hai khu đất tại quận 1, TP.HCM lần lượt tại số 257 Trần Hưng Đạo và số 3-3bis Phan Văn Đạt.
Dự án Trung tâm Thể dục Thể thao Phan Đình Phùng liên tục bị đội vốn nhưng lại đứng trước nguy cơ trễ tiến độ. |
Đến năm 2016, UBND TP.HCM phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi của dự án thì tổng vốn đầu tư dự án lên đến 1.954 tỷ đồng. Dự án Trung tâm Thể dục Thể thao Phan Đình Phùng là một trong những công trình thể thao được TP.HCM đầu tư để phục vụ SEA Games 31 diễn ra vào năm 2021.
Theo Hiệp hội Bất động sản TP.HCM, nhiều nhà đầu tư đã tham gia cuộc đua thực hiện các gói thầu BT, PPP và BOT. Thậm chí có cả doanh nghiệp không chuyên ngành cũng tham gia và đã có những thời điểm nở rộ các công trình BT, PPP, BOT.
Từ đó, đã phát sinh những mặt còn hạn chế như có rất nhiều công trình BT, PPP, BOT được chỉ định nhà đầu tư. Nguồn vốn chủ sở hữu của nhiều doanh nghiệp chỉ chiếm khoảng 10% còn lại 90% vốn đầu tư xây lắp là đi vay ngân hàng nên có tiềm ẩn rủi ro, làm ảnh hưởng đến tiến độ hoàn thành công trình.
HoREA cho rằng, việc thực hiện phương thức chỉ định nhà đầu tư theo hình thức BT, PPP, BOT khá phổ biến trong thời gian qua đã bộc lộ những mặt hạn chế, có thể dẫn đến phát sinh tiêu cực, lợi ích nhóm, tác động đến môi trường đầu tư kinh doanh và lợi ích xã hội.
Nhà đầu tư được hưởng lợi hai lần như mong muốn. Một là khi nhận thầu thi công công trình và hai là lúc đầu tư kinh doanh các khu đất đối ứng ở những địa điểm đắc địa. Ngoài ra, các nhà đầu tư này đã tránh được thủ tục kép khi lựa chọn nhà thầu xây lắp công trình và lựa chọn chủ đầu tư dự án bất động sản.
Hiệp hội Bất động sản TP.HCM cũng cho rằng, tính minh bạch và cạnh tranh lành mạnh của môi trường kinh doanh bị sụt giảm, tác động tiêu cực đến niềm tin của nhà đầu tư và có thể gây thiệt hại ngân sách Nhà nước, gây quan ngại cho xã hội.
Phát Đạt là một trong những doanh nghiệp được ưu ái trúng nhiều dự án BT, BOT tại TP.HCM. Ngoài dự án Trung tâm Thể dục Thể thao Phan Đình Phùng, Phát Đạt sắp thực hiện 2 dự án BT khác là bệnh viện Chấn thương Chỉnh hình tại Bình Chánh và cảng IDC tại quận 9. Các dự án BT này đều thuộc diện có thể đổi lấy quỹ đất có giá trị thương mại cao.
Phát Đạt cũng là đơn vị được TP.HCM phê duyệt chủ trương cho nghiên cứu, đầu tư cầu Thủ Thiêm 4 kết nối quận 7 với Khu đô thị Sala quận 2 với tổng vốn đầu tư 5.000 tỉ đồng.
Chủ đề liên quan
Advertisement
Advertisement
Đọc tiếp