12/11/2019 10:28
Dự án sân bay Long Thành và khúc mắc xung quanh ACV
Sáng 12/11, Quốc hội tiếp tục thảo luận ở hội trường về Báo cáo nghiên cứu khả thi về dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn 1.
Tán thành sự cần thiết xây dựng sân bay Long Thành để giảm tải cho sân bay Tân Sơn Nhất, song Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Đỗ Văn Sinh nhấn mạnh, ưu tiên hàng đầu vẫn là kết cấu hạ tầng hệ thống sân bay, theo SGGP.
Hiện nay, các sân bay đều là sân bay lưỡng dụng, phục vụ mục tiêu kinh tế - xã hội và cả quốc phòng an ninh. Trên quan điểm nhà đầu tư cho sân bay Long Thành cũng phải đáp ứng được yêu cầu và các mục tiêu quan trọng này, ĐB Đỗ Văn Sinh đồng tình lựa chọn các nhà đầu tư trong nước có đủ năng lực để huy động vốn, đủ năng lực để quản lý khai thác, vận hành có hiệu quả về kinh tế và đáp ứng về an ninh quốc phòng.
“Xét về hệ thống đầu tư, quản lý sân bay trong nước hiện nay thì ACV đang quản lý toàn diện 21 sân bay. Cả nước có duy nhất sân bay Vân Đồn (Quảng Ninh) do Tập đoàn Sun Group là nhà đầu tư. Tuy nhiên, mọi hoạt động để phục vụ sân bay này vẫn có sự hỗ trợ tích cực của ACV và ACV cũng là nhà quản lý vận hành.
Bên cạnh việc phát triển hệ thống kinh doanh để phát triển kinh tế - xã hội thì phải đáp ứng được yêu cầu về quốc phòng và an ninh. Do đó, hiện nay ACV dường như là doanh nghiệp (DN) duy nhất có thể tổ chức vận hành cảng hàng không ở Việt Nam”, ĐB Đỗ Văn Sinh phân tích.
Phối cảnh sân bay Long Thành. Ảnh: ACV. |
Tuy nhiên vẫn còn nhiều ý kiến lo ngại khi tình hình giải phóng mặt bằng hiện vẫn còn nhiều vấn đề bất cập. Các đại biểu Quốc hội cũng đều ủng hộ dự án và cho rằng cần đẩy nhanh tiến độ mới kịp hoàn thành mục tiêu đề ra, giải quyết được tình trạng quá tải nghiêm trọng cho sân bay Tân Sơn Nhất.
Đại biểu Quốc hội Trần Hoàng Ngân (đoàn TP.HCM) cho rằng: Muốn dự án triển khai được ngay từ năm sau thì phải đảm bảo có đất sạch, trong khi đó, hiện tiến độ giải phóng mặt bằng vẫn đang rất chậm chạp.
Theo đó, tính đến tháng 8/2019, việc đền bù giải phóng của dự án mới giải ngân được hơn 230 tỷ đồng trong tổng số 11.400 tỷ đồng (giai đoạn 2018-2019). Như vậy, nếu nỗ lực đến hết 2019, tiến độ giải ngân cũng mới chỉ đạt khoảng 15%. Việc giải phóng mặt bằng chậm còn dẫn đến nhiều rắc rối liên quan đến giá cả đất đai đền bù, ảnh hưởng đến kế hoạch, thậm chí có thể làm chậm dự án.
Đồng quan điểm, đại biểu Lê Viết Chữ, Trưởng đoàn đại biểu tỉnh Quảng Ngãi cũng lo ngại: “Dự án này cần phải đẩy mạnh triển khai sớm hơn nữa bởi nhiều người dân khi đi vào TP.HCM rất vất vả vì sự quá tải. Tuy nhiên tôi vẫn băn khoăn về tiến độ của dự án, kể cả việc giải phóng mặt bằng và tiến độ triển khai. Đó là chưa kể, nếu không thực hiện biện pháp chỉ định thì việc chọn nhà đầu tư, các bước thiết kế kỹ thuật, thi công để đến năm 2025 có sân bay là cả một vấn đề”.
“Nhu cầu hoàn thành giai đoạn 1 sân bay quốc tế Long Thành vào năm 2025 là hết sức cần thiết do sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất đang trong tình trạng quá tải nghiêm trọng. Nếu Quốc hội ủng hộ các đề xuất của Chính phủ, dự kiến quý I năm 2020, Thủ tướng sẽ phê duyệt dự án, nhà đầu tư sẽ dành 1 năm để làm hồ sơ thiết kế kỹ thuật, dự toán; kết hợp với được bàn giao mặt bằng dự án sân bay Long Thành sẽ khởi công vào đầu năm 2021. Với sự chuẩn bị này, chúng tôi dự kiến đúng tiến độ đến 2025 sẽ hoàn thành giai đoạn 1”, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể cho biết.
Trước đó theo Zing.vn, tại phiên họp ngày 24/10, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể, thừa ủy quyền của Thủ tướng, đã báo cáo Quốc hội báo cáo nghiên cứu khả thi. Theo báo cáo, tổng mức đầu tư dự án khoảng 4,779 tỷ USD (khoảng 111.689 tỷ đồng). Nguồn vốn thực hiện là từ doanh nghiệp hàng không và các loại vốn khác.
Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể trình bày về Dự án cản hàng không Quốc tế Long Thành tại buổi thảo luận tại tổ kỳ họp thứ 8, Quốc hội khoá XIV. Ảnh: Báo Tin Tức. |
Chính phủ đề xuất giao Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) đầu tư các hạng mục chính giai đoạn 1 dự án sân bay Long Thành. Ước tính để làm dự án này ACV sẽ phải huy động gần 2,63 tỷ USD bên cạnh hơn 1 tỷ USD đã có.
Bộ GTVT cho rằng việc giao cho ACV đầu tư, khai thác là hợp lý, đơn vị này khó có đơn vị nào đủ điều kiện về năng lực, kinh nghiệm, đáp ứng các yêu cầu về quốc phòng, an ninh, lợi ích quốc gia.
Cho ý kiến trong buổi họp tổ trong ngày 24/10, nhiều đại biểu Quốc hội lo ngại một số vấn đề như diện tích thu hồi đất, số vốn mà ACV huy động ảnh hưởng đến nợ công, tiến độ thực hiện và giải ngân dự án…
Đại biểu Phạm Phú Quốc bày tỏ băn khoăn về phương án tài chính trong báo cáo của Chính phủ đặt ra. Theo đó, ACV cho biết vốn dự có là 1,57 tỷ USD (chiếm khoảng 37%), còn lại là đi vay. Muốn như vậy, Chính phủ phải bảo lãnh cho doanh nghiệp này vay gần 2,6 tỷ USD.
Về vấn đề lo ngại trong khâu giải phóng mặt bằng, theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể, đầu năm 2019 Thủ tướng đã phê duyệt dự án bồi thường hỗ trợ tái định cư cho dự án. Dự án này phê duyệt tới 5.000 ha trong khi giai đoạn 1 cần 1.810 ha. Cụ thể trong 1.810 ha đất cho giai đoạn 1 thì có 1.200 ha là đất cao su của Tổng công ty cao su, không có dân cư trong đó nên việc giải ngân sẽ giúp nhanh chóng có ngay phần diện tích này.
Phần còn lại, hiện nay Đồng Nai đã tiến hành kiểm đếm trong khoảng 8 tháng nay. Kế hoạch của Đồng Nai từ nay đến cuối năm sẽ giải ngân được khoảng 2.000 tỷ đồng liên quan đến giải phóng mặt bằng. Phần còn lại của người dân thì theo cam kết của UBND tỉnh Đồng Nai, khoảng tháng 10/2020 sẽ bàn giao cho nhà đầu tư.
“Theo kế hoạch khởi công đầu 2021, chúng ta vẫn còn có một khoảng thời gian dự phòng khoảng 6 tháng để đơn vị đầu tư tiến hành thiết kế, chọn nhà thầu, khẩn trương thực hiện; và đến khoảng tháng 3/2021 sẽ đủ điều kiện khởi công”, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho biết.
Chủ đề liên quan
Advertisement
Advertisement
Đọc tiếp