Advertisement

Nhận bản tin

Liên hệ quảng cáo

Email: banbientap@baocungcau.net

Hotline: 0917 267 237

icon logo

Quên mật khẩu?

Có tài khoản? Đăng nhập

Vui lòng nhập mật truy cập tài khoản mới khẩu

Thay đổi email khác
icon

Dự án nghìn tỷ thua lỗ: Cần quy trách nhiệm một cách sòng phẳng

Bàn về việc xử lý các dự án nghìn tỷ thua lỗ của ngành Công thương, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho rằng, phải quy trách nhiệm một cách sòng phẳng.

Trong các dự án như thế, những người thực hiện phải gánh vác phần trách nhiệm về thua lỗ; phải cho xuống chức hoặc thôi việc, thậm chí xử lý hình sự nếu vi phạm đến mức nghiêm trọng. Kể cả những người đã nghỉ việc, nếu chứng minh được sai phạm, vẫn phải truy cứu trách nhiệm. Họ cũng phải bồi thường về mặt tài chính.

Ảnh minh họa.

Vừa qua Bộ Công Thương có báo cáo gửi Quốc hội về phương án xử lý 12 dự án nghìn tỷ thua lỗ. Đặc biệt, sẽ phải xác định rõ trách nhiệm và xử lý nghiêm đối với các tổ chức, cá nhân có sai phạm trong quá trình đầu tư, vận hành, khai thác các dự án thua lỗ, kém hiệu quả. Bà bình luận gì về quan điểm này?

Chuyên gia Phạm Chi Lan:Theo tôi, đó là việc chắc chắn phải làm, không thể chỉ xử lý dự án mà không xử lý những người có trách nhiệm. Theo tôi, phải truy trách nhiệm từ những người đầu tiên đưa ra chủ trương, quyết định đầu tư. Việc này không phải do các tập đoàn, tổng công ty tự làm mà phải được cấp trên phê duyệt, cấp phép.

Hầu hết đó là những dự án của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước, phải qua một quá trình thẩm định, phê chuẩn kỹ càng. Do đó người phê chuẩn cũng phải chịu trách nhiệm chứ không thể chữ ký của mình quyết định lấy tiền thuế của dân, tiền ngân sách nhà nước đầu tư cho dự án mà không phải chịu trách nhiệm gì.

Tôi cho rằng, đây cũng là dịp để rà soát lại trách nhiệm của những người liên quan. Cũng như xem xét việc vì sao doanh nghiệp đứng ra đầu tư; mua sắm thiết bị như thế nào; nếu tổ chức đấu thầu thì có thực hiện đấu thầu không? Vì sao dẫn đến tình trạng nhập thiết bị tồi tệ, nhà máy không hoạt động được, tiêu tốn ngân sách lãng phí, thua lỗ nặng nề như thế? Trách nhiệm của những người vận hành sau này?...

Đây là một quá trình dài, có thể đã trải qua vài ba thế hệ lãnh đạo cùng tham gia và có trách nhiệm đối với việc thua lỗ chứ không phải chỉ mỗi người đương nhiệm, người lãnh đạo ở giai đoạn cuối cùng này. Tất cả đều trong hệ thống nhà nước, không khó để tìm ra ai phải chịu trách nhiệm ở giai đoạn nào, trách nhiệm tới đâu. Việc này dù có khó cũng phải làm, không thể buông lỏng hoặc làm qua loa!

Thực tế có nhiều lãnh đạo doanh nghiệp bỏ lại thua lỗ nhưng vẫn leo lên những vị trí khác cao hơn. Theo bà, làm sao để không bỏ lọt người lọt trách nhiệm, và nếu nghiêm trọng có thể xử lý hình sự không?

Phải quy trách nhiệm một cách sòng phẳng. Trong một dự án như thế họ phải gánh vác phần trách nhiệm nào trong tổng số thua lỗ. Theo tôi, phải xử lý cho xuống chức hoặc thôi việc, thậm chí xử lý hình sự nếu vi phạm đến mức nghiêm trọng, kể cả những người đã nghỉ việc nếu chứng minh được sai phạm vẫn phải truy cứu trách nhiệm.

Về mặt tài chính, họ cũng phải gánh vác việc bồi thường. Tôi hoàn toàn không tán thành, không chấp nhận việc các cá nhân lãnh đạo gây ra thua lỗ giờ tính hết vào ngân sách, bắt người dân phải đóng thuế trong khi họ có thể tư lợi, làm giàu cho bản thân và gia đình trong quá trình đó. Do đó, phải buộc những người gây ra thua lỗ, thất thoát ngân sách phải bồi thường cả về mặt tài chính.

Có ý kiến cho rằng, hiện nay chúng ta đang thiếu cơ chế xử lý trách nhiệm, nhất là trách nhiệm người đứng đầu. Theo bà, Chính phủ có cần phải nghiên cứu, điều chỉnh luật pháp trong thời gian tới để việc thu hồi bồi thường thất thoát hiệu quả hơn không?

Thực ra, trong nhiều cơ chế lâu nay đã có câu tuyên bố của nhà nước là người đứng đầu phải chịu trách nhiệm. Thậm chí, người đứng đầu không thực hiện, kéo dài một quá trình nào đó còn bị xử lý nghiêm khắc hơn. Bây giờ hoàn toàn vẫn có thể lôi ra để xử lý chứ. Không thể bảo vì không có cơ chế để rồi buông lỏng quản lý, trách nhiệm.

Thực tế, người dân hoặc các doanh nghiệp tư nhân bình thường chỉ phạm một lỗi nhỏ là nhà nước đều có thể xử lý được hết, bằng luật này hoặc luật kia.

Bởi thế mới có chuyện mấy ông bắt con vịt nhậu mà bị bỏ tù bao nhiêu năm. Đừng làm theo kiểu chỉ nặng tay với dân, nhẹ với quan, nhất là quan đứng đầu càng được tha, không thể chấp nhận được! Tôi nghĩ người đứng đầu các bộ ngành, tổng công ty cũng đứng đầu cả về tổ chức Đảng, do vậy xử lý người đứng đầu cũng là để bảo vệ thanh danh của nhà nước, của Đảng.

Cảm ơn bà.

P.V (Tiền phong)
iconChia sẻ icon Chia sẻ
icon Chia sẻ

Advertisement