20/08/2020 15:32
Dự án Metro số 1: Nhà thầu phụ khởi kiện nhà thầu chính vì tranh chấp
Sau một thời gian im ắng, ngày 19/8, Công ty Lithaco đã quyết định khởi kiện Công ty cổ phần GS E&C ra Tòa án nhân dân (TAND) quận 2, TP.HCM.
Vì sao nhà thầu chính không nghiệm thu công trình
Nguyên nhân được ông Trần Quốc Tâm, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần cơ điện Liên Thành Việt Nam (Lithaco) cho biết, do 2 bên tranh chấp hợp đồng trong quá trình thi công Dự án tuyến Metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên). Theo TAND quận 2, Lithaco đã có đơn khởi kiện đối với GS E&C, qua đó yêu cầu GS E&C phải thanh toán cho Lithaco số tiền còn nợ gần 15,5 tỉ đồng.
Câu chuyện bắt đầu từ thời điểm tháng 1/2010, Ban quản lý đường sắt đô thị TP.HCM cho đấu thầu dự án Metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên), gói thầu số 2 (đoạn trên cao và depot). Nhà thầu chính của dự án là Liên doanh Sumitomo - Cienco 6, Tổng Giám đốc Lithaco Trần Quốc Tâm cho biết.Sau đó, nhà thầu chính ký hợp đồng với GS E&C để thi công một số hạng mục.
GS E&C đã ký hợp đồng thầu phụ với Lithaco để thi công các hạng mục "điện khu vực Depot và các trạm biến áp", thuộc dự án Metro số 1.
Ảnh: nhadautu.vn |
Tuy nhiên, trong quá trình thi công, GS E&C cho rằng Lithaco trì hoãn việc cung cấp vật liệu và nhân lực, gây thiệt hại nghiêm trọng cho tiến độ dự án. Từ đó, GS E&C rút 2 bảo lãnh với tổng số tiền 18 tỉ đồng tại ngân hàng.
Theo Lithaco, việc chậm trễ trên là do bản vẽ kỹ thuật phía GS E&C không được phê duyệt, nên không có cơ sở để tiến hành công việc... Do đó, từ cuối năm 2019, GS E&C đã yêu cầu Lithaco dừng thi công trên công trường... Mặt khác, thời điểm tháng 4, ngay đợt giãn cách xã hội, GS E&C cũng ngăn chặn công nhân của Lithaco vào công trường, không nghiệm thu khối lượng công trình mà LITHACO đã hoàn tất…, gây nguy cơ thất thoát tài sản.
Cụ thể, trong khi tài sản của Lithaco trị giá khoảng 7 tỉ đồng, gồm: Ống điện, cáp điện, máng cáp, vật tư, thiết bị... đang bị chiếm giữ, chưa được phép mang đi. Vì những động thái bất ngờ này của nhà thầu chính, LITHACO gặp phải rất nhiều khó khăn và đứng trước nguy cơ phá sản do đã dồn hết tài sản vào việc thực hiện gói thầu này
Cũng theo LITHACO, đơn vị này gần như hoàn tất toàn bộ nghĩa vụ của mình cho đến khi xảy ra các bất đồng về quyết định thi công như: đề nghị nhà thầu phụ lắp thiết bị sai thiết kế, ép giá nhà thầu chọn nguyên liệu kém chất lượng...
Ảnh: TTXVN |
Và bất ngờ thay đổi nhà thầu phụ
Cũng theo thông tin từ LITHACO, dù đang tranh chấp, chưa chấm dứt hợp đồng thầu phụ với Lithaco, nhưng GS E&C đã thuê nhà thầu phụ khác là Công ty TNHH Võ Phan Lê để thi công lắp đặt các hạng mục có trong hợp đồng thầu phụ do Lithaco phụ trách.Thẩm phán Phạm Thị Thanh Nga (TAND quận 2), cho biết trong thông báo thụ lý vụ án: "Trong 15 ngày, kể từ ngày các bên nhận thông báo thụ lý vụ án, tòa sẽ ghi nhận ý kiến, thu thập các tài liệu, chứng cứ... Sau đó, tòa án căn cứ vào các tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ để giải quyết vụ án theo quy định của pháp luật".
Cũng phải nói thêm, ngay thời điểm xảy ra sự việc, ban quản lý đường sắt đô thị (MAUR) cho biết đã nhận được phản ánh về việc Công ty CP Cơ điện Liên Thành Việt Nam khiếu nại liên quan đến nhà thầu GS E&C. Đến chiều ngày 8.5, lãnh đạo Ban quản lý đã mời đại diện tổng thầu là ông Shigeki Ihara, Giám đốc gói thầu CP2, để làm việc về nội dung này.
Ga nhà hát TP.HCM quận 1. Ảnh: NLD |
Ban quản lý đường sắt đô thị yêu cầu tổng thầu phải hoàn toàn chịu trách nhiệm, nhanh chóng giải quyết vấn đề này, không được để tình trạng khiếu nại làm đình trệ công việc và ảnh hưởng đến tiến độ chung của dự án. Đồng thời, tổng thầu phải giải quyết các phát sinh, tranh chấp trên tinh thần tuân thủ pháp luật và hợp đồng đã ký.
Tuyến Metro số 1 bao gồm: 3 toa xe ở giai đoạn đầu; 6 toa xe ở giai đoạn cuối, 14 nhà ga và 1 nhà Depot với 3 ga ngầm như: Bến Thành, Nhà hát Thành phố và Ba Son. 11 ga còn lại là ga trên cao, cụ thể: Văn Thánh, Cầu Sài Gòn, Phước Long, Bình Thái, Thảo Điền, An Phú, Rạch Chiếc, Thủ Đức, Khu Công nghệ cao, Suối Tiên, Bến xe Miền Đông mới và một ga Depot là Depot Long Bình.
Dự án tuyến Metro số 1 được phê duyệt lần đầu tiên năm 2007, với tổng mức đầu tư trên 17.000 tỉ đồng. Đến năm 2011, dự án lại được điều chỉnh lên hơn 47.000 tỉ đồng, tăng thêm 30.000 tỉ đồng so với dự tính ban đầu. Dự án dự kiến hoàn thành xây dựng vào năm 2017 và đưa vào khai thác vận hành năm 2018. Nhưng do tiến độ thi công, cùng với công trình phải đội vốn, nên dự kiến sẽ hoàn thành vào năm 2021.
Advertisement
Advertisement
Đọc tiếp