Advertisement

Nhận bản tin

Liên hệ quảng cáo

Email: banbientap@baocungcau.net

Hotline: 0917 267 237

icon logo

Quên mật khẩu?

Có tài khoản? Đăng nhập

Vui lòng nhập mật truy cập tài khoản mới khẩu

Thay đổi email khác
icon

Dự án Khu dân cư Nam Nam Sài Gòn bán 1 nền đất cho nhiều người

Đã 15 năm, Khu dân cư Nam Nam Sài Gòn vẫn chưa hoàn thành việc bồi thường, giải phóng mặt bằng nhưng đã phân lô bán trùng nền đất cho nhiều người.

Tự vẽ ra nền đất

Hàng trăm khách hàng mua đất nền bằng hình thức góp vốn tại dự án Khu dân cư Nam Nam Sài Gòn đã liên tục kéo đến trụ sở Công ty TNHH Tư vấn Đầu tư Phi Long nằm trên đường Trịnh Quang Nghị, xã Phong Phú, huyện Bình Chánh yêu cầu gặp chủ đầu tư để giải quyết việc mua đất cả chục năm nay nhưng vẫn chưa nhận được nền.

Trụ sở Công ty Phi Long nằm trong dự án Khu dân cư Nam Nam Sài Gòn cũng bị kết luận là xây trái phép.
Trụ sở Công ty Phi Long nằm trong dự án Khu dân cư Nam Nam Sài Gòn cũng bị kết luận là xây trái phép.

Thế nhưng, không những chẳng có kết quả mà nhiều người còn hoang mang hơn khi phát hiện cùng một nền đất nhưng chủ đầu tư bán cho nhiều người.

Bà Nguyễn Thị Phương Dung ngụ quận 1 cho biết, bà mua 2 nền đất B9-24 và A2-14 tại dự án này vào năm 2007 với số tiền lên đến gần 2,7 tỷ đồng. Khi mua đất, chủ đầu tư hứa hẹn trong vòng 24 tháng khách hàng sẽ được bàn giao sồ đỏ để xây dựng nhà.

Để khách hàng tin tưởng, Công ty Phi Long còn cho bà xem bản đồ quy hoạch chi tiết 1/500 đính kèm công văn 2087/QHKT ĐB1 ngày 9/9/2005 của Sở Quy hoạch Kiến trúc TP.HCM.

Tuy nhiên, sau khi ký hợp đồng và đóng tiền được hơn 50% giá trị hợp đồng, bà Dung chờ mãi nhưng vẫn chưa thấy được giao nền đất. Đến năm 2013, bà Dung được chủ đầu tư yêu cầu phải đóng hết toàn bộ số tiền mua đất để kịp làm sổ đỏ xây nhà. Bà Dung tiếp tục đóng hết toàn bộ số tiền còn lại nhưng chờ cả chục năm nay vẫn chưa thể nhận được nền đất của mình.

Đầu tháng 3/2019, bà Dung đến dự án Khu dân cư Nam Nam Sài Gòn kiểm tra thì tá hỏa thấy vị trí lô đất B9-24 của mình bỗng bị đổi tên thành B5-33 và đã có chủ mới. Lúc này, bà Dung khiếu nại và được chủ đầu tư hứa sẽ đổi sang nền đất mới số B7-74. Tương tự, bà Dung còn biết lô đất A2-14 cũng không còn và sẽ được đổi tên thành lô B4-14.

Tương tự, chị Lê Thị Trúc Linh ở quận 10 mua lô đất B21-17 vào tháng 1/2018. Nhưng chỉ 2 tháng sau, chị Linh phát hiện lô đất của mình lại được chủ đầu tư bán tiếp cho một khách hàng khác là chị Trương Kim Anh vào tháng 2/2018.

Bị khách hàng phản ứng gay gắt, đại diện của Công ty Phi Long mới chịu đổi cho chị Trương Kim Anh một nền khác là B21-18. Tuy nhiên, hai khách hàng này chán nản cho biết không rõ nền đất của mình còn bị trùng với người nào khác nữa hay không.

Còn ông Trần Thanh Hải ngụ quận 5 mua nền biệt thự D2-08 diện tích 450m2 từ năm 2007. Đầu tháng 3/2019, khi những lùm xùm tại dự án này bùng lên, ông Hải đến kiểm tra thì phát hiện nền đất của mình được Công ty Phi Long chia nhỏ thành 4 nền mang mã số B17-15, B17-16, B17-17 và B17-18 rồi bán cho nhiều người khác. Quá bức xúc, ông Hải đã phản ánh đến chủ đầu tư nhưng đến nay việc giải quyết vẫn chưa có kết quả.

Nhiều khách hàng tự đối chiếu các bản đồ quy hoạch xem nền đất mình đã mua có bị bán tiếp cho người khác hay không.
Nhiều khách hàng tự đối chiếu các bản đồ quy hoạch xem nền đất mình đã mua có bị bán tiếp cho người khác hay không.

Nhiều khách hàng đã mua đất nền của dự án Khu dân cư Nam Nam Sài Gòn cho biết, dự án này được cơ quan chức năng phê duyệt quy hoạch chi tiết 1/500 lần đầu vào năm 2002. Thế nhưng sau đó chủ đầu tư không thực hiện theo quy hoạch mà  “vẽ” ra nhiều bản đồ quy hoạch khác nhau.

Mỗi lần vẽ ra quy hoạch, Công ty Phi Long lại khoác lên các lô đất cũ một mã số nền mới rồi tiếp tục đem bán cho các khách hàng khác. Do đó, nhiều khách hàng dù tên mã nền không trùng nhau nhưng khi đối chiếu trên thực địa lại trùng với nhau.

Dự án bị thanh tra

Văn phòng UBND TP.HCM vừa công bố văn bản số 10585/VP-ĐT truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Trần Vĩnh Tuyến, đề nghị thanh tra toàn diện tất cả dự án của Công ty TNHH Tư vấn Đầu tư Phi Long trên địa bàn TP.HCM. 

Theo đó, ông Trần Vĩnh Tuyến đã giao Thanh tra TP.HCM nghiên cứu, rà soát về việc tiến hành thanh tra toàn diện các dự án do Công ty Phi Long đang triển khai trên địa bàn TP.HCM theo kiến nghị của Sở Tài nguyên Môi trường tại công văn số 7202 vào ngày 26/7/2018.

Văn bản số 10585 yêu cầu Thanh tra TP.HCM đảm bảo chặt chẽ, đầy đủ về cơ sở pháp lý, trình tự, thủ tục, thẩm quyền theo đúng quy định pháp luật. Báo cáo, đề xuất UBND TP.HCM xem xét, quyết định hủy bỏ quyết định giao đất nếu vi phạm pháp luật.

Việc thanh tra toàn diện các dự án của Công ty Phi Long tại TP.HCM xuất phát từ nhiều vi phạm liên quan tới dự án khu đô thị thương mại Nam Nam Sài Gòn tại xã Phong Phú, huyện Bình Chánh.

Theo đó, tại công văn số 7202, Sở Tài nguyên Môi trường TP.HCM nêu rõ, dự án này được UBND TP.HCM ra Quyết định số 3104/QĐ-UB ngày 30/6/2004 thu hồi hơn 19ha đất tại xã Phong Phú, huyện Bình Chánh và giao cho Công ty TNHH Đầu tư, nay đổi tên thành Công ty TNHH Tư vấn Đầu tư Phi Long, để triển khai bồi thường, giải phóng mặt bằng, chuẩn bị đầu tư xây dựng khu nhà ở.

Đã 15 năm trôi qua, nhưng đến nay dự án vẫn chưa hoàn thành việc bồi thường, giải phóng mặt bằng. Trong quá trình triển khai dự án, chủ đầu tư liên tục thay đổi người đại diện pháp luật, chuyển trụ sở từ TP.HCM về tỉnh Tây Ninh.

Công ty Phi Long cũng bị tố tự đo đạc, lập bản đồ quy hoạch phân lô tổng thể, không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt để kêu gọi hợp tác đầu tư. Chủ đầu tư dự án này cũng tự tiến hành san lấp và đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật của dự án, khi chưa được cơ quan chức năng cấp phép.

Trong đó, có hai căn nhà và san lấp rạch trái phép, vi phạm về quản lý sử dụng đất và đầu tư xây dựng. Trụ sở của Công ty Phi Long bên trong dự án Khu đô thị thương mại Nam Nam Sài Gòn cũng là xây dựng trái phép.

  Lo sợ tranh chấp, nhiều người viết chữ bằng sơn trên nền của mình để xác nhận chủ quyền.

Lo sợ tranh chấp, nhiều người viết chữ bằng sơn trên nền của mình để xác nhận chủ quyền.

Hồi tháng 4/2018, Sở Tài nguyên Môi trường TP.HCM đã 2 lần mời đại diện của Công ty Phi Long làm việc về các vấn đề liên quan tới thực hiện dự án khu đô thị thương mại Nam Nam Sài Gòn. Tuy nhiên, Công ty Phi Long đã không cử người đại diện tới tham dự các cuộc họp này.

Trong công văn gửi Sở Tài nguyên Môi trường TP.HCM vào ngày 27/4/2018, Công ty Phi Long cho biết, chỉ có một người và lịch họp trùng khớp với các dự án khác tại miền Trung, nên không thể dự họp theo thư mời.

Đến ngày 4/5/2018, Sở Tài nguyên Môi trường TP.HCM đã cùng với các đơn vị liên quan và có sự tham dự của nhân viên Công ty Phi Long công bố kết quả kiểm tra hiện trạng khu đô thị thương mại Nam Nam Sài Gòn.

Kết quả cho thấy, Công ty Phi Long đã vi phạm nhiều quy định như san lấp các rạch trái phép, chưa thực hiện lập lại quy hoạch chi tiết 1/500, trình duyệt và thực hiện các bước tiếp theo theo quy định, để làm cơ sở cho việc thi công san lấp, hay như việc đầu tư xây dựng 2 căn nhà không phép.

Sở Tài nguyên Môi trường TP.HCM đã có văn bản kiến nghị UBND TP.HCM tiến hành thanh tra để xác định các vi phạm của chủ đầu tư, làm cơ sở để thu hồi hủy bỏ quyết định giao đất. 

Công ty TNHH Tư vấn Đầu tư Phi Long được thành lập ngày 27/5/2002. Hiện tại, trụ sở chính của Công ty Phi Long tại số 1, đường 28, ấp Thuận Tây, xã Lợi Thuận, huyện Bến Cầu, tỉnh Tây Ninh. Theo Giấy đăng ký doanh nghiệp được cấp ngày 13/7/2018, Chủ tịch Hội đồng thành viên và người đại diện theo pháp luật là ông Lê Văn Anh Tuấn có hộ khẩu thường trú tại phường Thuận Thành, TP. Huế, tỉnh Thừa Thiên Huế. Điều đáng nói, ông Tuấn mới tròn 31 tuổi, sinh năm 1988.

Cũng theo bản đăng ký doanh nghiệp được cấp ngày 13/7/2018, vốn điều lệ của Công ty Phi Long đã được nâng từ 9.193 tỷ đồng lên mức 15.193 tỷ đồng. Cần biết, vốn điều lệ của Công ty Phi Long hơn rất nhiều lần so với doanh nghiệp thuộc tầm “đại gia” trong làng bất động sản.

Cụ thể, Tập đoàn Novaland có vốn điều lệ 6.496 tỷ đồng, Tập đoàn Đất Xanh là 3.031 tỷ đồng, Công ty Cổ phần Vinhomes là 2.000 tỷ đồng, Công ty Cổ phần Đầu tư Hạ tầng Kỹ thuật TP.HCM 2.798 tỷ đồng. Công ty Cổ phần Phát triển Bất động sản Phát Đạt là 2.219 tỷ đồng…

Phi Long là ai?

Dự án thì nằm bất động, nhưng Công ty Phi Long liên tục thay đổi mô hình hoạt động, quy mô vốn, cơ cấu cổ đông và người đứng đầu đại diện theo pháp luật từ năm 2015 tới nay. Lần thay đổi đáng chú ý là đợt tăng vốn điều lệ từ 37 tỷ đồng lên mức 800 tỷ đồng, theo giấy đăng ký kinh doanh thay đổi được cấp ngày 9/1/2015 bởi phòng Đăng ký kinh doanh, Sở Kế hoạch Đầu tư tỉnh Tây Ninh. 

Người đại diện theo pháp luật trước đó là ông Trần Văn Thắng, sinh năm 1954, có địa chỉ thường trú tại ấp Hòa Khánh, xã Vĩnh Thành, huyện Chợ Lách, tỉnh Bến Tre được thay thế bằng bà Lâm Thị Thanh Nga, sinh năm 1960, đăng ký thường trú trên đường Trần Quốc Thảo, phường 7, quận 3, TP.HCM. 

Lúc này, Công ty Phi Long có tên đầy đủ là Công ty Cổ phần Phi Long Tây Ninh. Tuy nhiên, theo thông báo thay đổi con dấu ngày 21/9/2016, công ty này đã chuyển đổi thành mô hình công ty trách nhiệm hữu hạn với tên gọi Công ty TNHH Phi Long Tây Ninh. 

Chưa đầy 2 tháng sau, ngày 7/11/2016, người đại diện của Công ty TNHH Phi Long Tây Ninh cũng là sự góp mặt của những cá nhân hoàn toàn mới. Cụ thể, người đại diện cũ là ông Nguyễn Công Danh, sinh năm 1970, có hộ khẩu thường trú tại đường số 5, khu phố 1, phường Linh Đông, quận Thủ Đức, TP.HCM đã được thay đổi thành ông Phan Mộng Hoàng, sinh năm 1971, đăng ký hộ khẩu thường trú tại Khu dân cư Miếu Nổi, phường 3, quận Bình Thạnh, TP.HCM. 

Rất nhiều lần người dân kéo tới dự án và Công ty Phi Long nhưng mọi việc vẫn không được giải quyết.
Rất nhiều lần người dân kéo tới dự án và Công ty Phi Long nhưng mọi việc vẫn không được giải quyết.

Tới ngày 29/6/2017, Công ty Phi Long đã nâng vốn điều lệ từ 800 tỷ đồng lên mức 2.459 tỷ đồng. Cơ cấu cổ đông được tiết lộ có sự tham gia của Công ty TNHH Thương mại Tư vấn Đầu tư Văn hóa Việt với 25 tỷ đồng, chiếm 3,125% vốn điều lệ và ông Phạm Xuân Long với 775 tỷ đồng, chiếm 96,875% vốn điều lệ.

Sau khi nâng vốn, cơ cấu cổ đông tiếp tục thay đổi với sự tham gia của bà Lâm Thị Thanh Nga, chiếm 0,4% vốn điều lệ thay thế cho Công ty Văn hóa Việt, còn ông Phạm Xuân Long sở hữu 99,6% vốn điều lệ.

Ngày 22/8/2017, thông tin thay đổi mẫu dấu của Công ty Phi Long cho thấy, công ty này đã đổi tên từ Công ty TNHH Phi Long Tây Ninh thành Công ty TNHH Tư vấn Đầu tư Phi Long. Người đại diện của công ty này cũng có sự thay đổi từ bà Lâm Thị Thanh Nga sang các cá nhân khác là ông Nguyễn Thanh Tân, sinh năm 1959 hay ông Phạm Văn Hải, sinh năm 1967. 

Trong thời gian này, quy mô vốn của Công ty Phi Long tiếp tục được gia tăng lên mức 9.183 tỷ đồng. Theo giấy đăng ký kinh doanh thay đổi ngày 8/6/2018, cơ cấu cổ đông của Công ty Phi Long gồm bà Nguyễn Thanh Vân góp 10 tỷ đồng, chiếm 0,109% vốn điều lệ và ông Phạm Xuân Long góp 9.183 tỷ đồng, chiếm 99,891% vốn điều lệ.

Hiện tại, ông Lê Văn Anh Tuấn đảm nhiệm vị trí Chủ tịch Hội đồng thành viên và người đại diện theo pháp luật sau khi Công ty Phi Long tăng vốn lên mức 15.193 tỷ đồng. Phạm Xuân Long cũng là một cái tên đáng chú ý với số cổ phần góp vốn tương đương với 15.188 tỷ đồng theo mệnh giá.

Đáng nói, sau khi bị cơ quan chức năng nêu rõ các sai phạm tại dự án nhưng Công ty Phi Long vẫn chưa có biện pháp khắc phục mà còn tiếp tục làm hạ tầng rồi kêu gọi thêm nhiều khách hàng khác tham gia góp vốn. Cụ thể, trong đợt mở bán cuối năm 2018, công ty này vẽ ra một bản đồ quy hoạch mới nhưng chưa được cơ quan chức năng phê duyệt để kêu gọi khách hàng góp vốn mua nền đất.

NGUYỄN DUY
iconChia sẻ icon Chia sẻ
icon Chia sẻ

Advertisement