09/01/2020 08:50
Dự án bất động sản sẽ hồi sinh nếu có pháp lý rõ ràng
Thị trường bất động sản năm 2019 có sự chững lại ở các phân khúc do các vướng mắc pháp lý và được kỳ vọng sẽ khởi sắc trở lại trong 2020.
Năm 2019: Buồn!
Theo ông Nguyễn Mạnh Khởi, Cục phó Cục quản lý nhà và thị trường bất động sản, Bộ Xây dựng, nếu chia các phân khúc bất động sản Việt Nam trong năm 2019 thì chúng ta có thể chia ra 4 phân khúc là bất động sản du lịch, bất động sản công nghiệp, bất động sản đất nền và bất động sản nhà ở (3 phân khúc: thương mại cao cấp, nhà ở xã hội, nhà ở cho đối tượng thu nhập trung bình).
"Từ sự phân chia đó, có thể đánh giá chung lại năm 2019 thì thị trường bất động sản cũng có sự phát triển nói chung và cũng có những sự khó khăn. Cái khó khăn là do những năm trước đây chúng ta chưa xác định rõ ràng cụ thể về vấn đề pháp lý và vấn đề đầu tư", ông Khởi nói.
Những lình xình trong dự án Cocobay Đà Nẵng là cú sốc cho thị trường bất động sản năm 2019. |
Thứ nhất là bất động sản du lịch, trong ba năm từ năm 2015, 2016, 2017 là những năm phát triển mạnh của bất động sản du lịch. Tuy nhiên đến năm 2018-2019 là năm có nhiều điều chỉnh, thay đổi. Lý do là quá trình phát triển nóng đã nảy sinh nhiều vướng mắc, bất cập. Trong đó nổi lên hàng loạt vụ đổ vỡ, khởi kiện nhau giữa các nhà đầu tư, khách hàng...
Ông Khởi cũng đề cập đến vấn đề khá nhức nhối hiện nay là những vướng mắc trong loại hình condotel. “Từ nay trở đi, chúng tôi sẽ không còn dùng từ condotel mà sẽ gọi đúng tên chính xác là căn hộ du lịch. Bởi cơ quan chức năng đã thống nhất về mặt quản lý Nhà nước, chúng ta sẽ không còn gọi tên condotel nữa.
Từ tên gọi đó, sẽ có được những sự điều tiết rất rõ ràng về loại hình bất động sản này. Qua thống kê của Hội môi giới Việt Nam thì thấy rằng mỗi năm giảm từ 5-10% số lượng giao dịch bất động sản du lịch, trong đó Khánh Hòa, Đà Nẵng chiếm số lượng lớn nhất. Hiện nay chúng ta thấy 40.000 giao dịch năm 2018 giờ giảm xuống rất nhiều.
Đây cũng là cơ hội để chúng ta điều chỉnh cơ cấu bất động sản du lịch, do chúng ta tranh luận mãi về vấn đề pháp lý, mà giờ đây chúng ta mới giải quyết xong và chúng tôi đã tuyên bố rằng cơ sở pháp lý của bất động sản du lịch, trong đó có biệt thự du lịch, căn hộ du lịch cơ bản đã được điều chỉnh.
"Chỉ còn một vài điểm nhỏ trong phạm vi của Bộ Xây dựng hiện nay đang được chúng tôi nghiên cứu đó là quy chuẩn, tiêu chuẩn. Chúng tôi đã lấy ý kiến của Bộ Khoa học công nghệ, sắp tới sẽ được chúng tôi ban hành. Còn theo các quy định đầu tư, có một nội dung rất quan trọng là quy chế kinh doanh quản lý bất động sản du lịch, căn hộ du lịch, biệt thự du lịch đã được ban hàn vào ngày 29/10/2019 của Bộ Văn hóa Thể thao Du lịch. Nên chúng tôi cũng khẳng định hiện nay không thể nói thiếu cơ sở pháp lý cho bất động sản du lịch", ông Khởi cho biết.
Về bất động sản nhà ở, ông Khởi đánh giá trong năm qua cũng có sự điều chỉnh, đặc biệt là bất động sản cao cấp. Nhiều dự án cao cấp đã xin phép điều chỉnh cơ cấu lại vì cơ cấu căn hộ quá lớn không đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng. Tuy nhiên, vấn đề phát triển nhà ở xã hội của Việt Nam hiện được đánh giá rất là kém.
"Hiện nay chúng ta có quan tâm nhưng đưa ra thị trường nhà ở cho người thu nhập thấp đều dậm chân tại chỗ. Còn về nhà ở giá thấp (dưới 25 triệu/m2) chúng ta vẫn còn rất thiếu và nhu cầu rất lớn", ông Khởi nói.
Đất nền 2019 xảy ra nhiều biến cố, lừa đảo khách hàng. |
Còn bất động sản công nghiệp, các nhà đầu tư vào tìm hiểu và thông qua Bộ Xây dựng để giới thiệu các khu vực cho nhà đầu tư quan tâm. Hiện nay, với chiến tranh thương mại Mỹ-Trung cũng đã giúp chúng ta có cơ hội phát triển loại hình này.
Đối với bất động sản đất nền, theo ông Khởi, trong thời gian qua xảy ra rất nhiều vấn đề. Không xét đến những nhà đầu tư vi phạm nghiêm trọng thì kể cả những nhà đầu tư không vi phạm, chúng ta cũng phải xét đến sự quan tâm đối với phân khúc đất nền, đây cũng là một phân khúc xảy ra nhiều tai tiếng trong năm qua. Hy vọng rằng chính sách nhà nước sẽ có những sự điều chỉnh để tránh lặp lại những trường hợp này.
Ông Khởi nhận định rằng thị trường bất động sản 2019 cũng có những nét phát triển ở một số phân khúc, nhưng khó khăn chính là sự rà soát lại các dự án. Ví như TP. HCM năm 2019 có chục dự án ra đời được triển khai và hàng chục dự án đang được rà sót, Hà Nội và Đà Nẵng cũng tương tự.
"Hy vọng 2020, những khó khăn này sẽ đi qua. Bởi sau khi chúng ta đã rà soát thì nguồn cung mới sẽ có. Vì chúng ta không thể rà soát lại mãi được", ông Khởi nói.
Kỳ vọng ở 2020
Nhận định về thị trường bất động sản 2020, ông Khởi cho rằng, những cái khó khăn, những điểm ngẽn về loại hình này trong những năm trước là do chúng ta tranh luận trong một khoảng thời gian quá dài nhưng không đề ra giải pháp hữu hiệu, dẫn đến nhiều ảnh hưởng đến thị trường này.
"Chúng ta cùng hy vọng rằng, hiện nay các cơ sở pháp lý đã rõ ràng hơn thì năm 2020 lĩnh vực bất động sản này sẽ được cơ cấu lại và phát huy những tiềm năng rất là lớn. Cơ hội phát triển sẽ rất lớn", ông Khởi nói.
Về bất động sản nhà ở, ông Khởi đánh giá, năm qua, Bộ Xây dựng cũng như các cơ quan chức năng đã có nhiều sự điều chỉnh cơ cấu của loại hình này. Nếu 2020, chúng ta phát huy những điều chỉnh để làm sao đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng với nhu cầu nhà ở giá thấp thì thị trường vẫn sẽ phát triển.
“Vừa rồi Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Xây dựng có đánh giá những khó khăn thuận lợi của thị trường. Và ở góc độ chuyên môn, chúng tôi đánh giá rằng một số cái khó khăn sẽ có thể được xử lý trong năm 2020. Như vậy nguồn cung sẽ có và sẽ kích thích thị trường phát triển”.
Dự án bất động sản sẽ hồi sinh trong 2020 nếu có pháp lý rõ ràng. |
Còn về mặt pháp lý, ông Khởi thông tin, theo chương trình của Quốc hội, của Chính phủ thì trong năm 2020 sẽ có 3 đạo luật tác động đến thị trường bất động sản đó là Luật Xây dựng, hiện cũng đã báo cáo Quốc hội và dự kiến sẽ thông qua vào tháng 5/2020. Trong đó có những phụ lục mà Bộ Xây dựng nghiên cứu đó là phân cấp quản lý triển khai đầu tư cho địa phương và làm rõ những trường hợp mà chúng ta đang vướng mắc trong thủ tục thẩm định, thẩm tra dự án.
Thứ hai là Luật Đầu tư. Trong thời gian vừa qua, chúng ta thường kêu ca là có sự không thống nhất giữa Luật Đầu tư và Luật Nhà ở, trong các thủ tục đầu tư. Thì vừa qua, trong dự thảo Luật Đầu tư trình Quốc hội xem xét lần 1 mà Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang chủ trì sửa, dự kiến được Quốc hội thông qua vào tháng 5/2020 thì có những điểm tháo gỡ những vấn đề trong chấp thuận chủ trương đầu tư, rồi trong lựa chọn chủ đầu tư.
Một bộ luật khác cũng rất được quan tâm và dự kiến sẽ được thông qua vào tháng 5/2020 là Luật Đất đai. Đối với lĩnh vực nhà ở thì trong năm tới, chúng ta cũng sẽ chỉnh sửa một số quy định của pháp luật ví như Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh bất động sản. Qua một vài năm triển khai vừa qua, chúng tôi cũng đã thấy rõ vướng mắc ở một số vấn đề và sẽ tiến hành sửa đổi vào cuối năm 2020.
Cũng theo vị lãnh đạo của Bộ Xây dựng thì những vấn đề về mặt pháp lý của lĩnh vực kinh doanh bất động sản cũng như các lĩnh vực khác luôn luôn phải điều chỉnh sửa đổi để bảo đảm cho những nhà đầu tư, những đơn vị doanh nghiệp hoạt động chân chính sẽ có cơ hội phát triển. Và sẽ có những quy định để làm sao tránh những hiện tượng lợi dụng làm ảnh hưởng đến các nhà hoạt động chân chính bất động sản.
Chủ đề liên quan
Advertisement
Advertisement
Đọc tiếp