06/09/2018 07:59
Đột ngột thay Kế toán trưởng, phần vốn góp của Nhà nước tại Sabeco sẽ như thế nào?
Sabeco đã bổ nhiệm ông Trần Nguyên Trung làm kế toán trưởng thay thế cho ông Nguyễn Tiến Dũng, người đại diện phần vốn góp của Bộ Công Thương tại Sabeco.
Hội đồng quản trị của Tổng công ty Cổ phần Bia rượu Nước giải khát Sài Gòn-Sabeco (SAB) vừa thông qua quyết định bổ nhiệm ông Trần Nguyên Trung làm kế toán trưởng thay thế cho ông Nguyễn Tiến Dũng từ ngày 1/9.
Ngoài chức vụ Kế toán trưởng, ông Nguyễn Tiến Dũng còn đại diện phần vốn góp của Bộ Công Thương tại Sabeco và nằm trong Hội đồng quản trị doanh nghiệp. Không có thông tin liên quan đến ông Trần Nguyên Trung được công bố.
Ông Nguyễn Tiến Dũng có thâm niên hơn 20 năm làm kế toán. Ban đầu, ông là Tổ trưởng tổ Kế toán thống kê của Nhà máy Sữa Hà Nội. Từ 2001-2006, ông Dũng trải qua các chức vụ như phụ trách phòng Tài chính kế toán, kế toán trưởng, phó giám đốc, giám đốc của Công ty Cổ phần Rượu Bình Tây. Từ tháng 6/2006, ông Dũng về phụ trách ban Tài chính kế toán của Sabeco. Đến năm 2007, ông Dũng làm kế toán trưởng của Sabeco cho đến nay.
Bia Sài Gòn lại có sự thay đổi về lãnh đạo chủ chốt. |
Hồi cuối tháng 7, tổ chức đại hội cổ đông thường niên 2018 để bàn về nhiều vấn đề quan trọng, nhất là nhân sự Hội đồng quản trị nhiệm kỳ 2018-2023 sau khi Công ty Beverage nắm 53,59% vốn điều lệ Sabeco.
Đại hội đã bầu 7 người vào Hội đồng quản trị Sabeco nhiệm kỳ 2018-2023. Trong đó có 4 người đến từ Công ty Beverage là ông Koh Poh Tiong, quốc tịch Singapore và đang là Chủ tịch Hội đồng quản trị Sabeco. Bà Trần Thị Nga, Tổng giám đốc của Công ty Beverage. Ông Michael Chye Hin Fah, quốc tịch Singapore. Ông Pramoad Phornprapha, quốc tịch Thái Lan.
Về phía Bộ Công Thương có ông Nguyễn Tiến Dũng, Kế toán trưởng Sabeco, đại diện phần vốn Nhà nước. Ông Lương Thanh Hải, Phó tổng giám đốc Công ty TNHH MTV Thương mại Bia Sài Gòn, đại diện phần vốn Nhà nước. Ngoài ra còn có ông Nguyễn Tiến Vỵ, Phó chủ tịch Hiệp hội Bia rượu Nước giải khát Việt Nam.
Như vậy, ông Dũng và ông Hải sẽ thay thế ông Nguyễn Thành Nam và Bùi Ngọc Hạnh, đại diện phần vốn góp của Bộ Công Thương tại Sabeco. Sau đó, Sabeco đã miễn nhiệm chức vụ Tổng giám đốc đối với ông Nguyễn Thành Nam từ ngày 31/7 và bổ nhiệm ông Neo Gim Siong Bennet, quốc tịch Singapore thay thế vị trí này.
Kế hoạch kinh doanh năm 2018 của Sabeco được xây dựng lại giảm tới 19% dù sức tiêu thụ bia được dự báo tăng trưởng ở mức 5%, thuế tiêu thụ đăc biệt cũng tăng 5% kể từ ngày 1/1/2018. Sự kỳ vọng về lợi nhuận sau thuế 2018 của Sabeco giảm 19% so với năm 2016, vào khoảng 4.007 tỷ đồng, tỷ lệ chia cổ vẫn duy trì ở mức 35%.
Để tập trung nguồn lực đầu tư vào ngành nghề kinh doanh chính của công ty, Sabeco đang tích cực triển khai thoái vốn tại các khoản đầu tư không hiệu quả. Sabeco cũng có kế hoạch đánh giá lại các chiến lược thương hiệu, xây dựng hoạt động marketing phù hợp với định vị sản phẩm và hoàn thiện xây dựng hệ thống quản lý phòng kiểm nghiệm.
Kết quả kinh doanh năm 2017 của Sabeco vẫn duy trì ổn định và có sự tăng trưởng so với năm trước khi tổng sản lượng đạt 1,791 triệu lít, mang về 35.218 tỷ đồng doanh thu và 4.949 tỷ đồng lợi nhuận. Sabeco tiếp tục là đơn vị dẫn đầu về thị phần bia Việt Nam trong năm 2017 và xuất khẩu qua hơn 30 quốc gia.
Tính đến thời điểm 31/12/2017, Sabeco có 3 công ty con sở hữu 100% vốn, 19 công ty con sở hữu trên 51% và 19 công ty liên doanh liên kết. Lợi nhuận ghi nhận từ các công ty liên doanh, liên kết đóng góp đáng kể vào lợi nhuận của công ty năm 2017.
Còn trong quý II năm 2018, SAB đạt doanh thu thuần 9.170 tỷ đồng, tăng 12% so với cùng kỳ năm trước. Giá vốn hàng bán chiếm 7.073 tỷ đồng kéo lãi gộp Sabeco còn 7.073 tỷ đồng, tương ứng biên lãi gộp 22,8%, thấp hơn đáng kể so với mức 26,5% cùng kỳ năm trước.
Trong kỳ, Sabeco ghi nhận doanh thu tài chính tăng gấp đôi lên 145 tỷ đồng, chủ yếu là lãi tiền gửi, cho vay. Tính tới cuối quý II, Sabeco có 4.184 tỷ đồng tiền và các khoản tương đương. Ngoài ra, doanh nghiệp này còn có 6.955 tỷ đồng tiền gửi trên 3 tháng, dưới 1 năm. Như vậy, riêng các khoản tiền của Sabeco đã chiếm trên 50% tổng tài sản công ty.
Chi phí tài chính trong kỳ tăng 2,5 lần lên 25,3 tỷ đồng. Chi phí quản lý doanh nghiệp tăng 8% lên 204 tỷ đồng. Chi phí bán hàng tăng nhẹ 5% lên 577 tỷ đồng. Một điểm đáng chú ý, chi phí quảng cáo, tiếp thị trong quý 2 của Sabeco chỉ là 154,5 tỷ đồng, giảm 13% so với cùng kỳ năm trước dù rằng quý II năm nay là giai đoạn diễn ra World Cup.
Hoạt động liên doanh, liên kết mang về cho Sabeco gần 90 tỷ đồng, tăng 3 lần so với cùng kỳ năm trước. Danh mục đầu tư vào các công ty liên kết của Sabeco tính tới cuối quý II có giá trị gốc 2.378 tỷ đồng nhưng đang phải dự phòng 314 tỷ đồng. Trong danh mục của Sabeco hiện có khoản đầu tư với giá gốc 217 tỷ đồng vào Ngân hàng Phương Đông, tương ứng tỷ lệ sở hữu 2,31% và đã được hoàn nhập 35 tỷ đồng trong quý vừa qua.
Hoạt động khác cũng mang về cho Sabeco hơn 13 tỷ đồng trong quý 2/2018. Cùng kỳ năm trước, hoạt động này lỗ hơn 10 tỷ đồng. Sau khi trừ đi các chi phí phát sinh trong kỳ, Sabeco ghi nhận 1.223 tỷ đồng lợi nhuân sau thuế trong quý II, giảm 7% so với cùng kỳ năm trước. Lũy kế 6 tháng đầu năm, Sabeco đạt 2.337 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, giảm 4%. EPS 6 tháng đạt 3.468 đồng.
Advertisement
Advertisement
Đọc tiếp