18/04/2021 07:29
DongA Bank sau 5 năm tái cơ cấu, sự hiện diện với tin đồn sáp nhập
Kể từ khi bị đưa vào diện kiểm soát đặc biệt từ tháng 8/2015 đến nay, Ngân hàng TMCP Đông Á (DongA Bank) từng bước tái cấu trúc và bắt đầu ghi nhận những tín hiệu tích cực. Sau một thời gian dài im ắng, tin về DongA Bank bắt đầu xuất hiện, nhưng kèm theo tin đồn sẽ về chung nhà với HDBank.
Mới đây, DongA Bank công bố chốt danh sách cổ đông vào ngày 26/9 tới để tổ chức Ðại hội cổ đông bất thường năm 2019. Mặc dù chưa thông tin cụ thể nội dung và thời gian tổ chức, nhưng động thái mới này đã thu hút quan tâm của cổ đông DongA Bank, cũng như thị trường, bởi đây là lần đầu tiên sau 5 năm, DongA Bank mới tổ chức đại hội.
Trước đó, từ ngày 14/8/2015, toàn bộ cổ đông của DongA Bank không được chuyển nhượng cổ phần. Chỉ trong trường hợp đặc biệt và trên cơ sở đề xuất của Ban Kiểm soát đặc biệt, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) mới xem xét việc chuyển nhượng cổ phần.
Cũng do bị kiểm soát đặc biệt, DongA Bank phải hoàn trả tiền các cổ đông đã nộp trong đợt tăng vốn điều lệ từ 5.000 tỷ đồng lên 6.000 tỷ đồng.
Trong 5 năm qua, DongA Bank không công bố báo cáo tài chính, mà chỉ thông tin tình hình hoạt động ở một vài thời điểm.
Kết thúc 6 tháng đầu năm 2019, hoạt động kinh doanh của DongA Bank ghi nhận sự chuyển biến: Tổng huy động vốn từ khách hàng đạt 63.450 tỷ đồng, tăng 2.595 tỷ đồng, tương ứng tăng 4,3% so với hồi đầu năm; tiền gửi tăng 1.730 tỷ đồng, tương ứng tăng 3%, trong đó tiền gửi tiết kiệm của khách hàng đạt 50.903 tỷ đồng, tăng 4,8%.
Thu nhập từ dịch vụ đạt 247 tỷ đồng, xấp xỉ với con số đầu năm, trong đó lãi từ hoạt động kinh doanh ngoại hối tăng 16 tỷ đồng, tương ứng tăng 40%, góp phần đa dạng hóa nguồn thu.
Trong 6 tháng qua, công tác thu hồi nợ có vấn đề cả gốc và lãi đạt 1.870 tỷ đồng, lũy kế từ thời điểm tháng 8/2015 đến tháng 6/2019 thu được 16.350 tỷ đồng.
Các tỷ lệ chi trả đáp ứng được các yêu cầu và quy định của NHNN, chẳng hạn tỷ lệ dự trữ thanh khoản đạt 20,78%, tỷ lệ khả năng chi trả ngoại tệ 77,98%, tỷ lệ khả năng chi trả đối với VND đạt 83,77%.
Trong nửa cuối năm, DongA Bank đặt mục tiêu đảm bảo an toàn hoạt động trên mọi lĩnh vực; tiếp tục thu hồi nợ xấu, nâng cao hiệu quả tín dụng; đẩy mạnh công tác huy động vốn, đảm bảo thanh khoản, giữ ổn định khách hàng; nâng cao chất lượng quản trị rủi ro, chất lượng dịch vụ...
Về cơ cấu cổ đông, tại thời điểm năm 2015, toàn bộ cổ đông của của DongA Bank là cổ đông trong nước. Trong đó, cổ đông pháp nhân có Văn phòng Thành ủy TP.HCM sở hữu 6,9% vốn điều lệ, CTCP Vàng bạc đá quý Phú Nhuận (PNJ) nắm giữ 7,7%, CTCP Xây dựng Bắc Nam 79 giữ 10%…
Cổ đông thể nhân có ông Trần Phương Bình - cựu Tổng giám đốc DongA Bank, vợ là bà Cao Thị Ngọc Dung cùng 3 con gái Trần Phương Ngọc Thảo, Trần Phương Ngọc Giao và Trần Phương Ngọc Hà sở hữu tổng cộng 9,62% cổ phần.
Em gái của bà Dung là bà Cao Thị Ngọc Hồng, người đại diện theo pháp luật của CTCP Vốn An Bình - một cổ đông lớn khác của DongA Bank, nắm giữ 5,4% cổ phần.
Như vậy, tổng lượng cổ phần mà ông Bình cùng những người liên quan nắm giữ là 22,72% cổ phần DongA Bank.
Tuy nhiên, báo cáo quản trị công ty của DongA Bank cho thấy, đến cuối tháng 6/2019, trong danh sách cổ đông nội bộ và người có liên quan đã không còn tên những cổ đông này.
Kể từ khi vụ án lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản, cố ý làm trái xảy ra tại DongA Bank được đưa ra xét xử, nhân sự Ngân hàng cũng thay đổi lớn. Hiện tại, các lãnh đạo chủ chốt của DongA Bank hầu hết là nhân sự mới, trong đó nhiều người do NHNN chỉ định giao nhiệm vụ.
Cụ thể, HÐQT DongA Bank hiện có 5 thành viên, bao gồm: Ông Võ Minh Tuấn đang đảm nhiệm vị trí Chủ tịch HÐQT, 4 thành viên còn lại là ông Nguyễn Ðình Trường, ông Trần Văn Ðình, ông Huỳnh Phương và ông Nguyễn Thanh Tùng. Ông Tùng kiêm giữ chức vụ Tổng giám đốc Ngân hàng.
Trả lời báo chí mới đây, lãnh đạo NHNN - Chi nhánh TP.HCM cho hay, đã trình Chính phủ phê duyệt đề án tái cơ cấu DongA Bank theo nhiều phương án.
Trên thị trường, thời gian qua xuất hiện thông tin DongA Bank có khả năng sẽ “về chung nhà” với HDBank, nhưng lãnh đạo ngân hàng này cho biết, hiện chưa có thông tin cụ thể và chia sẻ thêm, HDBank đang trong giai đoạn hoàn tất sáp nhập PGBank và dự kiến thương vụ này sẽ kết thúc cuối năm nay.
Trước đó, HDBank đã nhận sáp nhập thành công DaiA Bank và mua lại Công ty Tài chính Việt Société Générale (SGVF) từ năm 2013.
Advertisement
Advertisement
Đọc tiếp