Advertisement

icon icon img
Nhận bản tin

Liên hệ quảng cáo

Email: banbientap@baocungcau.net

Hotline: 0917 267 237

icon logo

Quên mật khẩu?

Có tài khoản? Đăng nhập

Vui lòng nhập mật truy cập tài khoản mới khẩu

Thay đổi email khác
icon

Dòng vốn Hàn Quốc đua nhau thâu tóm doanh nghiệp Việt

Doanh nghiệp

23/03/2019 08:27

Hàng tỷ USD đã được các doanh nghiệp Hàn Quốc đua nhau đổ vào thị trường Việt Nam dưới hình thức M&A ở rất nhiều lĩnh vực. Vì sao?

Cuộc chơi tỷ USD

Ngày 22/3, tờ Maeil Business của Hàn Quốc thông tin, SK Group chi 1 tỷ USD để sở hữu cổ phần tại Tập đoàn Vingroup. Trước đó, Vingroup xin ý kiến cổ đông chào bán riêng lẻ 250 triệu cổ phiếu cho tối đa 5 tổ chức nước ngoài. Giá chào bán mỗi cổ phần là trên 100.000 đồng/cổ phiếu nhưng mức cụ thể sẽ do Hội đồng quản trị quyết định. Nếu chào bán thành công, số tiền Vingroup thu về không dưới 25.000 tỷ đồng.

SK Group là Tập đoàn mới nhất đổ tiền vào M&A ở Việt Nam.
SK Group là Tập đoàn mới nhất đổ tiền vào M&A ở Việt Nam.

Để trở thành tổ chức nước ngoài tham gia đấu giá, nhà đầu tư cần đáp ứng 5 yêu cầu mà Vingroup đưa ra. Cụ thể, tổ chức cần có hoạt động tương đồng trong các lĩnh vực kinh doanh của Vingroup hoặc có khả năng hỗ trợ, bổ trợ cho Vingroup.

Ngoài ra, đây phải là tổ chức, tập đoàn kinh tế hoặc quỹ đầu tư nước ngoài được thành lập hợp pháp, có năng lực tài chính mạnh và quy mô lớn và không được là công ty con của Vingroup, không được là công ty mà có chung công ty mẹ với Vingroup.

Thương vụ này dự kiến được thực hiện trong 9 tháng cuối năm nay với thời gian cụ thể do Hội đồng quản trị quyết định. Theo nguồn tin của chúng tôi, SK Group đầu tư 1 tỷ USD vào Tập đoàn Vingroup thông qua SK South East Asia Investment, sớm nhất là vào tháng 4/2019.

Trước đó, hồi cuối tháng 9/2018, Công ty Cổ phần Tập đoàn Masan (MSN) thông báo ký kết hợp tác chiến lược với SK Group và SK Group trở thành nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất của Masan Group. Cụ thể, SK Group sẽ đầu tư 470 triệu USD để mua lại toàn bộ gần 110 triệu cổ phiếu quỹ để tăng sở hữu lên 9,5% cổ phần của MSN. SK Group cũng có đại diện trong Hội đồng quản trị của Masan.

Với số tiền thu được, Masan dự kiến sẽ dùng để đầu tư vào các phát kiến tăng trưởng trong tương lai, cũng như tối ưu hóa cơ cấu tài chính. Masan cũng có kế hoạch hợp nhất dòng tiền từ các công ty con nhằm đẩy mạnh đầu tư vào các lĩnh vực kinh doanh chiến lược. Công ty không có kế hoạch phát hành thêm cổ phiếu cho nhà đầu tư trong vòng 3 năm tới.

Không chỉ SK Group mà hàng loạt doanh nghiệp khác của Hàn Quốc cũng đua nhau đổ hàng tỷ USD vào thị trường Việt Nam, thông qua M&A. Cụ thể, Tập đoàn Prudential đã bán Công ty Tài chính Tiêu dùng Prudential Finance (PVFC) với giá 151 triệu USD cho Shinhan Card. Shinhan Card là công ty thẻ tín dụng thuộc top 5 trên toàn cầu, được thành lập năm 1990 và là công ty con của Shinhan Financial Group của Hàn Quốc. 

Shinhan Financial Group cũng không xa lạ gì với thị trường ngân hàng và chứng khoán Việt Nam. Cụ thể, Ngân hàng Shinhan có văn phòng đại diện tại Việt Nam từ năm 1993. Năm 2016, Shinhan Financial Group mua lại 100% vốn điều lệ của Công ty Cổ phần Chứng khoán Nam An và đổi tên thành Chứng khoán Shinhan Việt Nam.

Shinhan Bank đã mua lại mảng dịch vụ ngân hàng bán lẻ của ANZ.
Shinhan Bank đã mua lại mảng dịch vụ ngân hàng bán lẻ của ANZ.

Đến năm 2017, Shinhan Bank còn mua lại mảng dịch vụ ngân hàng bán lẻ của ANZ, gồm 8 chi nhánh và phòng giao dịch tại Hà Nội và TP.HCM.

Tương tự, Tổ chức Lotte Card mua lại Công ty Tài chính TechcomFinance từ tay Techcombank. TechcomFinance tiền thân là Công ty Tài chính Cổ phần Hóa chất Việt Nam được Techcombank mua gần 90% vốn đầu năm 2015.

Hồi tháng 8/2017, Mirae Asset Global Invetsment Co., Ltd thuộc Mirae Asset đã mua toàn bộ vốn của Công ty Cổ phần Quản lý Quỹ Tín Phát. Mirae Asset có mặt tại Hàn Quốc từ năm 1997, với 3 khối hoạt động là Mirae Asset Daewoo quản lý tài sản 202 tỷ USD, Mirae Asset Global Investments 110 tỷ USD và Mirae Asset Life Insurance 34 tỷ USD.

Một thương vụ khác là Công ty Chứng khoán Maritime (MSI)  về tay KB Securities vào đầu tháng 10/2017 và đổi tên thành Công ty Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV), trở thành một thành viên của Tập đoàn Tài chính Hàn Quốc là KB Financial Group (KBFG). KB Financial Group thành lập năm 2008, hoạt động chính trong lĩnh vực tài chính, bất động sản tại 13 quốc gia ở châu Á, châu Âu, châu Đại Dương và Bắc Mỹ.

Còn Tập đoàn CJ với sự góp trên nhiều lĩnh vực tại thị trường Việt Nam. CJ đã có mặt tại Việt Nam từ năm 1997 với các thương hiệu quen thuộc với người Việt như Tous Les Jours, CGV, CJ Korea Express và SCJ TV Homeshopping…

Hiện nay, CJ ngày càng lấn sâu vào thị trường Việt Nam khi các đơn vị thành viên có động thái gom vốn ở nhiều lĩnh vực. Cụ thể, CJ CheilJedang gom 3,8% vốn Công ty Cổ phần Việt Nam Kỹ nghệ Súc sản-Vissan (VSN), 80% cổ phần rạp chiếu phim Megastar và đổi tên thành CJ CGV.

CJ ngày càng lấn sâu vào thị trường Việt Nam, ở rất nhiều lĩnh vực.
CJ ngày càng lấn sâu vào thị trường Việt Nam, ở rất nhiều lĩnh vực.

CJ CheilJedang gom 64,9% vốn Công ty TNHH Thực phẩm Minh Đạt  và 71% vốn Công ty Cổ phần Chế biến Hàng xuất khẩu Cầu Tre vào tháng 6/2017. CJ O Shopping Co.Ltd gom 15% vốn còn lại của Gemadept Tower vào tháng 10/2017. TTC Land (SCR) hợp tác với CJ Cầu Tre để thành lập Công ty TNHH Thương Tín-CJ Cầu Tre để đầu tư dự án tại quận Tân Phú, TP.HCM.

Thị trường tiềm năng

Theo báo cáo tình hình đầu tư trực tiếp nước ngoài của Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch Đầu tư năm 2018, tổng vốn đăng ký cấp mới, tăng thêm và góp vốn mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài là 35,46 tỷ USD, bằng 98,8% so với cùng kỳ năm 2017.

Dẫn đầu về vốn đầu vào Việt Nam là Nhật Bản, với tổng vốn đầu tư là 8,59 tỷ USD, chiếm 24,2% tổng vốn đầu tư. Hàn Quốc đứng thứ hai với tổng vốn đầu tư đăng ký 7,2 tỷ USD, chiếm 20,3% tổng vốn đầu tư vào Việt Nam.

Còn trong 2 tháng đầu năm 2019, tổng vốn đăng ký cấp mới, tăng thêm và góp vốn mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài là 8,47 tỷ USD, tăng hơn 2,5 lần so với cùng kỳ năm 2018. Tính lũy kế đến ngày 20/2/2019, cả nước có 27.900 dự án còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký 344,9 tỷ USD. Vốn thực hiện lũy kế của các dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài ước đạt gần 194 tỷ USD, bằng 56,2% tổng vốn đăng ký còn hiệu lực.

Tính theo đối tác đầu tư, đã có 130 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư còn hiệu lực tại Việt Nam. Trong đó đứng đầu là Hàn Quốc với tổng vốn đăng ký 63,7 tỷ USD và chiếm 18,4% tổng vốn đầu tư. Nhật Bản đứng thứ hai với 56,7 tỷ USD và chiếm 16,4% tổng vốn đầu tư. Tiếp theo lần lượt là Singapore và Đài Loan, Britishvirgin Islands, Hồng Kông.

Theo đánh giá của Cơ quan Xúc tiến Thương mại và Đầu tư Hàn Quốc (KOTRA), dòng vốn đầu tư của Hàn Quốc vào Việt Nam từ trước đến nay có thể chia làm 4 giai đoạn. Làn sóng đầu tư đầu tiên tập trung vào những ngành có tỷ lệ thâm dụng lao động cao như dệt may, da giày.

Từ giữa những năm 2000, doanh nghiệp Hàn Quốc đầu tư vào lĩnh vực điện tử, giá trị đầu tư cũng đã tăng lên đáng kể, tạo nên làn sóng đầu tư thứ 2. Làn sóng đầu tư thứ 3 tập trung vào hàng tiêu dùng bán lẻ. Đến nay, làn sóng thứ 4 đã chuyển hướng sang lĩnh vực ngân hàng, chứng khoán và công nghệ tài chính, thông qua các hoạt động mua bán và sáp nhập doanh nghiệp.

Hiện nay, doanh nghiệp Hàn Quốc đổ rất nhiều tiền thâu tóm doanh nghiệp Việt ở lĩnh vực ngân hàng, tài chính, chứng khoán...
Hiện nay, doanh nghiệp Hàn Quốc đổ rất nhiều tiền thâu tóm doanh nghiệp Việt ở lĩnh vực ngân hàng, tài chính, chứng khoán...

Lý giải về dòng vốn Hàn Quốc dồn dập đổ vào Việt Nam, chuyên gia kinh tế Lê Minh Hoàng, trường ĐH Kinh tế TP.HCM cho rằng, có 3 nguyên nhân. Thứ nhất là sự phát triển ổn định của nền kinh tế. Thứ 2 là những chính sách của Chính phủ được duy trì theo hướng cải thiện môi trường đầu tư, cởi mở nên thu hút được nhiều các nhà đầu tư nước ngoài trong đó có doanh nghiệp Hàn Quốc.

Thứ ba là doanh nghiệp Hàn Quốc đánh giá rất cao về triển vọng phát triển tại thị trường Việt Nam. Nhìn một cách tổng quát, Việt Nam là một thị trường giàu tiềm năng, nhiều nội lực với tăng trưởng kinh tế hàng năm đạt 6-7% và dân số gần 100 triệu người.

Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Công nghiệp và Thương mại Việt Nam-VCCI cho biết, làn sóng đầu tư từ Hàn Quốc vào Việt Nam tới đây được dự đoán sẽ rất lớn. Vốn từ Hàn Quốc không chỉ tập trung vào các ngành, lĩnh vực đầu tư trực tiếp, mà còn lấn sâu vào thị trường tài chính, chứng khoán, ngân hàng, bảo hiểm thông qua dòng vốn đầu tư gián tiếp và làn sóng M&A vốn đã và đang ngày càng trở nên rõ nét thời gian gần đây trên nhiều lĩnh vực.  

Điểm hấp dẫn khiến cộng đồng doanh nghiệp Hàn Quốc quan tâm tới cơ hội đầu tư vào Việt Nam chính là môi trường đầu tư tại Việt Nam ngày càng trở nên hấp dẫn hơn, nhất khi Việt Nam là thành viên được hưởng lợi nhiều nhất từ Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP). 

“Đây có thể coi là động lực thúc đẩy cải cách thể chế, môi trường đầu tư theo tiêu chuẩn quốc tế, hợp tác và xây dựng chuỗi cung ứng, sản xuất, tiếp cận thị trường các nước thành viên CPTPP”, ông Lộc nói.

TRÀ GIANG
iconChia sẻ icon Chia sẻ
icon Chia sẻ

Advertisement