07/02/2020 08:39
Dòng vốn FDI tiếp tục “chảy” mạnh vào Việt Nam ở năm 2020
Vốn FDI tiếp tục là yếu tố tích cực hỗ trợ tạo nên thặng dư của cán cân thương mại, triển vọng đối với dòng vốn này trong 2020 khá lạc quan.
Cán cân thương mại dương
Trong năm 2020, tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam khó có thể duy trì mức thặng dư của năm 2019 trong bối cảnh kinh tế thế giới tiếp tục tăng trưởng chậm lại, căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc và vấn đề địa chính trị đe doạ sự ổn định của hệ thống thương mại toàn cầu.
Thị trường xuất khẩu năm 2020 dự báo sẽ gặp khó khăn. |
OECD và IMF dự báo kinh tế toàn cầu năm 2020 đạt tỷ lệ tăng trưởng lần lượt 2,9% và 3,4%. Trong khi đó, sau khi hạ dự báo tăng trưởng thương mại năm 2019 xuống còn một nửa, WTO giảm dự báo tăng trưởng kinh tế thế giới từ 3% xuống còn 2,7%.
Hầu hết tăng trưởng kinh tế ở các đối tác thương mại là các thị trường xuất khẩu chính của Việt Nam đều được dự báo là thấp hơn so với năm 2019 khi Mỹ tăng 2,0-2,1%, Khu vực Châu Âu tăng 1,4%, Trung Quốc tăng 5,7-6% và Nhật Bản tăng 1,4%. Trong khi đó, xuất khẩu của Việt Nam phụ thuộc nhiều vào tình hình tăng trưởng của các nền kinh tế này, nhất là xuất khẩu của khu vực FDI.
Năm 2019, xuất khẩu của khu vực FDI chỉ tăng trưởng với tỷ lệ 4,2% so với năm 2018. Bối cảnh tăng trưởng chậm của các đối tác thương mại chính khó có thể giúp nâng cao tỷ lệ tăng trưởng xuất khẩu của khu vực FDI trong năm 2020.
Ngoài ra, áp lực đối với xuất khẩu của Việt Nam còn đến từ sự tăng giá của USD so với các đồng tiền khác (chỉ số USD đã tăng 4% trong năm 2018 và khoảng 2% trong năm 2019) và sự giảm giá của CNY so với USD (CNY giảm khoảng 8% trong năm 2018 và giảm thêm 2% trong năm 2019). Trong khi đó, tính theo tỷ giá trung tâm, VND mới chỉ giảm giá khoảng 2% so với USD trong cả năm 2018 và khoảng 1,51% trong năm 2019.
Mặc dù kinh tế thế giới khá bấp bênh với tốc độ tăng trưởng được dự báo là tiếp tục suy giảm, tăng trưởng kinh tế Việt Nam vẫn được dự báo ở mức khá cao trong khoảng 6,8-7,1%. Trong 6 tháng cuối năm 2019, xuất khẩu của khu vực kinh tế trong nước khá ngoạn mục do khai thác khá tốt các cơ hội từ các hiệp định thương mại tự do và tiếp cận các thị trường xuất khẩu mới.
Cơ cấu xuất khẩu của Việt Nam cũng đã phần nào được cải thiện theo chiều hướng tích cực, tăng xuất khẩu sản phẩm chế biến và sản xuất công nghiệp và giảm xuất khẩu các mặt hàng thô. Năm 2019, trong khi xuất khẩu nhóm nông sản, thuỷ sản giảm 4,5% và nhóm hàng nhiên liệu, khoáng sản giảm 9,7% thì nhóm hàng công nghiệp chế biến tăng 10% so với năm 2018.
Bên cạnh đó, cơ cấu hàng nhập khẩu có khuynh hướng thiên về các mặt hàng cần thiết cho sản xuất, gia công và xuất khẩu. Các yếu tố này cùng với mức tăng trưởng xuất khẩu của khu vực FDI được duy trì như năm 2019 sẽ hỗ trợ giúp cán cân thương mại Việt Nam tiếp tục thặng dư trong năm 2020.
Tuy vậy, vẫn còn có các yếu tố đầy thách thức đối với cán cân thương mại như: (i) kim ngạch xuất khẩu nhiều mặt hàng nông sản sụt giảm, sản phẩm điện tử, máy vi tính, nhất là điện thoại di động không còn duy trì được tốc độ tăng trưởng ấn tượng; (ii) nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam từ Trung Quốc tăng mạnh và hiện tượng hàng hoá nhập khẩu từ Trung Quốc để dán mác Việt Nam rồi tái xuất đi Mỹ để né tránh thuế; (iii) các mặt hàng nông, thủy sản xuất khẩu còn gặp nhiều khó khăn trong tiếp cận những thị trường có yêu cầu cao về chất lượng và an toàn thực phẩm.
Ngoại thương Việt Nam có tiếp tục thành công trong năm 2020 phụ thuộc một phần vào khả năng tiếp tục khai thác cơ hội từ các hiệp định thương mại, quản lý nhà nước đối với hành vi gian lận xuất xứ và bảo vệ hợp lý các ngành sảnh xuất trong nước.
Vốn FDI tăng
Dòng vốn FDI ròng tiếp tục là yếu tố tích cực hỗ trợ tạo nên thặng dư của cán cân thương mại và triển vọng đối với dòng vốn này trong năm 2020 khá lạc quan. Từ năm 2019, Việt Nam nằm trong nhóm 20 nước thu hút FDI hàng đầu trên thế giới với lượng vốn FDI giải ngân vượt mốc 20 tỷ USD, tăng 6,7% so với năm 2018, trong khi đó FDI toàn cầu giảm 13%.
Năm 2020, có một số yếu tố tích cực giúp lái dòng vốn FDI vào Việt Nam. Thứ nhất, trong bối cảnh tiếp diễn cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung, có nhiều nhà đầu tư Mỹ, châu Âu và châu Á có xu hướng chuyển dịch đầu tư từ Trung Quốc về nước hoặc sang nước thứ ba, trong đó có Việt Nam.
Thứ hai, khi Chính phủ Mỹ áp đặt mức thuế nhập khẩu 25% đối với hàng hoá nhập khẩu từ Trung Quốc, các nhà đầu tư Trung Quốc có thể gia tăng đầu tư ra nước ngoài và Việt Nam có thể là điểm đến hàng đầu của các nhà đầu tư Trung Quốc.
Thứ ba, cộng đồng nhà đầu tư nước ngoài và các tổ chức quốc tế đánh giá cao môi trường kinh doanh và đầu tư của Việt Nam với các định hướng và chính sách mới về FDI và sự bắt đầu có hiệu lực của các FTA thế hệ mới.
Với các yếu tố này, triển vọng dòng vốn FDI vào Việt Nam khá sáng sủa. Ở góc độ dòng vốn FDI, cuộc chiến thương mại Mỹ -Trung có tác động tích cực đến nền kinh tế Việt Nam trong ngắn hạn. Năm 2020 dự báo vốn FDI thực hiện tăng với tỷ lệ 7-8%, đạt khoảng 23-34 tỷ USD và chiếm khoảng 22-23% tổng vốn đầu tư.
Dòng vốn FDI tiếp tục “chảy” mạnh vào Việt Nam ở năm 2020. |
Năm 2020 kỳ vọng dòng vốn FDI tiếp tục gia tăng từ các nước như Nhật, Hàn Quốc, Singapore; trong khi đó vốn đầu tư từ Mỹ và các nước phát triển ở châu Âu được kỳ vọng là hướng vào các dự án lớn có tính công nghệ hiện đại, công nghệ tương lai, giáo dục và đào tạo, nghiên cứu và phát triển.
Tuy nhiên, vẫn còn đó các yếu tố thách thức đối với khả năng thu hút vốn FDI của Việt Nam như: (i) nhiều công ty đa quốc gia Mỹ rút vốn đầu tư về nước để hưởng chính sách ưu đãi thuế của Chính phủ; (ii) môi trường đầu tư quốc tế bị chi phối bởi các yếu tố như rủi ro địa chính trị, căng thẳng thương mại giữa Mỹ với Trung Quốc leo thang và chính sách bảo hộ mậu dịch; (iii) lợi thế nhân công rẻ trở nên kém hấp dẫn đối với dòng vốn đầu tư trong thời đại công nghệ 4.0, thay vào đó là hạ tầng công nghệ hoàn chỉnh, sự chuyển dịch đầu tư từ các nước có lợi thế nhân công rẻ sang các nước có lợi thế công nghệ và hạ tầng cơ sở hoàn chỉnh là xu hướng đầu tư khó tránh khỏi.
Thị trường ngoại hối tiếp tục ổn định trong năm 2020. Cơ chế tỷ giá trung tâm tiếp tục tạo điều kiện để tỷ giá kinh doanh của các ngân hàng thương mại linh hoạt trong ngắn hạn. Trong điều kiện dòng vốn đầu tư ròng tiếp tục vào hoặc ra, ngân hàng Nhà nước với quy mô dự trữ hiện nay (khoảng 80 tỷ USD), hoàn toàn có khả năng can thiệp để tạm thời giải quyết các trường hợp “vượt cung” hoặc “vượt cầu” tạm thời.
Tuy nhiên, với biên độ dao động tỷ giá khá rộng, việc can thiệp sẽ không thường xuyên, chỉ vào các thời điểm di chuyển đột ngột của dòng vốn mà bản thân thị trường không cân đối được. Như vậy, với những biến động từ hoạt động thương mại và đầu tư quốc tế khó có thể tránh khỏi, tỷ giá VND/USD có thể dao động nhưng không nhiều và vẫn nằm trong biên độ cho phép.
Các yếu tố như thông tin về thâm hụt mậu dịch có thể là cú huých làm tỷ giá trùi sụt, nhưng chỉ có tính chất ngắn hạn vì mức độ thâm hụt không nhiều trong khi hoàn toàn được bù đắp từ dòng vốn đầu tư ròng chảy vào và sự sẵn sàng can thiệp để bình ổn thị trường của Ngân hàng Nhà nước.
Advertisement
Advertisement
Đọc tiếp