28/09/2023 09:11
Đồng USD mạnh nhất trong 10 tháng, giữ nhiệt cho đồng yên
Trong phiên giao dịch sáng 28/9 (giờ địa phương), đồng USD tăng lên mức cao nhất trong gần 10 tháng so với các đồng tiền chủ chốt khác.
Dollar Index (DXY) - chỉ số đo sức mạnh của USD với rổ tiền tệ lớn trên thế giới hiện đạt 106,68 điểm. Đây là mức cao nhất kể từ đầu tháng 11/2022. Mức đỉnh của chỉ số này từng ghi nhận là 112,2 điểm hồi tháng 9 năm ngoái.
Đồng USD tăng gần mức cao nhất trong 10 tháng khiến đồng yên chịu áp lực gần vùng can thiệp quan trọng khi các nhà đầu tư đánh giá dữ liệu kinh tế lạc quan của Mỹ và những bình luận mới từ các quan chức Cục Dự trữ Liên bang (Fed).
Chủ tịch Ngân hàng Dự trữ Liên bang Minneapolis, Neel Kashkari, là một trong số những người lên tiếng cảnh báo thị trường về khả năng tăng lãi suất, hôm 27/9 cho biết rằng có nhiều bằng chứng về sức mạnh kinh tế đang diễn ra có nghĩa là có thể sẽ thắt chặt hơn nữa.
Chủ tịch Fed Jerome Powell dự kiến sẽ phát biểu vào hôm nay (28/9), cung cấp cho thị trường thêm manh mối về con đường tương lai của chính sách tiền tệ Mỹ.
Nhận xét của các quan chức Fed được đưa ra khi dữ liệu kinh tế của Mỹ tiếp tục gây bất ngờ với sức mạnh của nó, bất chấp kỳ vọng của nhà đầu tư về sự chậm lại.
Kyle Rodda, nhà phân tích thị trường tài chính cấp cao tại Capital.com, cho biết: "Bất chấp những lo ngại vào đầu năm nay rằng Mỹ có thể rơi vào suy thoái, chúng ta có thể đang chứng kiến sự tăng tốc trở lại trong hoạt động kinh tế", điều này cũng đang thúc đẩy lợi suất trái phiếu Mỹ tăng lên.
Lợi suất trái phiếu 10 năm chuẩn của Mỹ đạt mức cao nhất mới là 4,462% chỉ sau một đêm, mức cao nhất kể từ tháng 10/2007.
Hiện, đồng yên Nhật Bản đã suy yếu khiến nó chạm mức thấp nhất trong 11 tháng, 149,71 Yên đổi một USD. Cặp USD/yên đã trở nên cực kỳ nhạy cảm với sự thay đổi trong lãi suất trái phiếu kho bạc Hoa Kỳ dài hạn, đặc biệt là ở kỳ hạn 10 năm.
Vùng 150 được các thị trường coi là ranh giới để chính quyền Nhật Bản có thể thúc đẩy sự can thiệp như năm ngoái.
Đồng tiền Nhật Bản cũng bị ảnh hưởng bởi giá dầu tăng vọt, hôm 27/9 đánh dấu mức cao nhất vào năm 2023 sau khi dự trữ dầu thô của Mỹ giảm mạnh làm tăng thêm lo ngại về nguồn cung toàn cầu thắt chặt.
"Nếu MOF nghiêm túc trong việc can thiệp để hỗ trợ đồng Yên rơi tự do như chúng tôi nghĩ, thì phản ứng (can thiệp) có thể sẽ không còn xa nữa", Tony Sycamore, nhà phân tích thị trường tại IG, cho biết.
Alvin Tan, người đứng đầu chiến lược ngoại hối châu Á tại RBC Capital Markets, cho biết: Áp lực tăng giá cơ bản (đối với USD/yên) từ lợi suất trái phiếu là quá lớn để có thể bỏ qua. Tuy nhiên, ngay cả khi có sự can thiệp, nó sẽ không khiến USD/yên giảm giá vĩnh viễn trừ khi lãi suất trái phiếu cũng bắt đầu giảm một cách nghiêm túc.
(Nguồn: Reuters)
Tin liên quan
Chủ đề liên quan
Advertisement
Advertisement