02/12/2021 14:43
Dòng tiền từ cá nhân trong nước đổ mạnh vào TTCK tháng 11, mua ròng kỷ lục hơn 15.000 tỷ đồng
Nhà đầu tư cá nhân trong nước mua ròng trong cả 11 tháng qua với tổng giá trị 84.173 tỷ đồng.
Kết thúc phiên giao dịch cuối cùng của tháng 11, VN-Index đứng ở mức 1.478,44 điểm, tương ứng tăng 34,17 điểm (2,4%) so với cuối tháng trước. HNX-Index tăng 45,93 điểm (11,1%) lên 458,05 điểm. Tương tự, UPCoM-Index cũng tăng 8,872 điểm (8,3%) lên 114,1 điểm.
Thanh khoản thị trường tăng mạnh so với tháng 10. Tổng giá trị giao dịch bình quân đạt 40.117 tỷ đồng/phiên, tăng 46,6%, trong đó, giá trị khớp lệnh bình quân đạt 37.760 tỷ đồng/phiên, tăng 50%.
Giao dịch trên thị trường chứng khoán ở tháng 11 mang đậm dấu ấn của nhà đầu tư cá nhân trong nước khi mua ròng rất mạnh và hấp thu hết đà bán ròng của các tổ chức trong nước và khối ngoại.
Cụ thể, theo dữ liệu từ FiinPro, nhà đầu tư cá nhân trong nước đẩy mạnh mua ròng kỷ lục 15.213 tỷ đồng trong tháng 11 ở sàn HoSE, gấp 6,7 lần so với tháng 10. Nếu tính về khớp lệnh thì giá trị mua ròng đạt 14.381 tỷ đồng. Như vậy, các cá nhân trong nước đã mua ròng cả 11 tháng trong năm 2021 với tổng giá trị 84.173 tỷ đồng, trong đó có 88.611 tỷ đồng đến từ giao dịch khớp lệnh.
HPG là cổ phiếu được các cá nhân mua ròng mạnh nhất ở tháng 11 với giá trị 2.317 tỷ đồng. SSI cũng được mua ròng 2.185 tỷ đồng. Các cổ phiếu như VPB, PAN, VND, GEX, DGC hay NLG đều được mua ròng trên 1.000 tỷ đồng. Ở chiều ngược lại, CTG bị cá nhân trong nước bán ròng mạnh nhất với 1.248 tỷ đồng. VHM và VCB đứng sau với giá trị bán ròng lần lượt 928 tỷ đồng và 537 tỷ đồng.
Trái ngược hoàn toàn với cá nhân trong nước, tổ chức trong nước và cả khối ngoại đều bán ròng ở tháng 11. Tổ chức trong nước bán ròng trở lại 6.538 tỷ đồng, trong đó, tổ chức trong nước (không gồm tự doanh) bán ròng 3.752 tỷ đồng. Nếu tính về khớp lệnh, giá trị bán ròng được nâng lên thành 4.287 tỷ đồng.
DGC bị dòng vốn này bán ròng mạnh nhất với 1.397 tỷ đồng. Tiếp sau đó, HPG cũng bị bán ròng 789 tỷ đồng. GEX và DCM đều bị bán ròng trên 700 tỷ đồng. Trong khi đó, VPB được mua ròng mạnh nhất với 407 tỷ đồng. VHM, GAB và TCB đều được mua ròng trên 100 tỷ đồng.
Đối với khối tự doanh, dòng vốn này bán ròng là 2.786 tỷ đồng ở sàn HoSE. Đây cũng là tháng bán ròng mạnh nhất của dòng vốn này kể từ đầu năm 2021. Nếu tính về khớp lệnh, khối tự doanh bán ròng 1.843 tỷ đồng trong tháng 11. Tính chung cả 11 tháng qua, khối tự doanh bán ròng tổng cộng 1.933 tỷ đồng, tuy nhiên, dòng vốn này mua ròng đến 6.317 tỷ đồng nếu chỉ tính giao dịch khớp lệnh.
PAN là cổ phiếu bị khối tự doanh bán ròng mạnh nhất với 471 tỷ đồng. Đứng sau, VND cũng bị bán ròng gần 458 tỷ đồng. Chứng chỉ quỹ ETF FUEVFVND cũng bị bán ròng hơn 390 tỷ đồng. MSN, STB và HPG đều bị bán ròng trên 200 tỷ đồng. Trong khi đó, VGC đứng đầu danh sách mua ròng với 307 tỷ đồng. Trái ngược với FUEVFVND, chứng chỉ quỹ E1VFVN30 được tự doanh CTCK mua ròng 199 tỷ đồng. Các mã gồm FLC, MBB và VIC đều có giá trị mua ròng trên 100 tỷ đồng.
Tương tự, khối ngoại có tháng bán ròng thứ 4 liên tiếp với giá trị tăng 65% so với tháng 10 và ở mức 8.677 tỷ đồng. Nếu tính về khớp lệnh thì dòng vốn ngoại sàn này bán ròng 8.613 tỷ đồng. Tính từ đầu năm đến nay, khối ngoại bán ròng tổng cộng 54.928 tỷ đồng trên sàn HoSE.
CTG đứng đầu danh sách mua ròng của khối ngoại sàn HoSE với giá trị 1.150 tỷ đồng. VHM đứng sau với giá trị mua ròng là 745 tỷ đồng. Hai cổ phiếu ngân hàng là STB và VCB đều được mua ròng trên 500 tỷ đồng.
Chứng chỉ quỹ ETF nội FUEVFVND cũng được mua ròng 526 tỷ đồng, nhưng nếu tính về khớp lệnh thì chứng chỉ quỹ này bị bán ròng 157 tỷ đồng. Ở hướng ngược lại, SSI bị bán ròng mạnh nhất với 2.009 tỷ đồng. VPB và HPG đứng sau với giá trị bán ròng lần lượt 1.989 tỷ đồng và 1.305 tỷ đồng.
Chủ đề liên quan
Advertisement
Advertisement
Đọc tiếp