Advertisement

Nhận bản tin

Liên hệ quảng cáo

Email: banbientap@baocungcau.net

Hotline: 0917 267 237

icon logo

Quên mật khẩu?

Có tài khoản? Đăng nhập

Vui lòng nhập mật truy cập tài khoản mới khẩu

Thay đổi email khác
icon

Dòng tiền 'dễ thở' hơn, doanh nghiệp niêm yết vẫn sợ hụt hơi

Doanh nghiệp

23/09/2022 07:59

Dòng tiền đã dần khơi thông khi room tín dụng được mở lại, song nhiều doanh nghiệp vẫn lo lắng về khả năng hoàn thành kế hoạch kinh doanh năm vì khó hồi phục sau những "dư chấn" trước đó.

Giải quyết bài toán thiếu tiền

Với quyết định cấp hạn mức tín dụng còn lại cho các ngân hàng trong tổng hạn mức tăng trưởng 14% trong năm nay, ước tính có thêm khoảng 450.000 tỷ đồng được bơm vào nền kinh tế trong 4 tháng cuối năm. Riêng Vietcombank được nới thêm 2,7% so với mức trần cũ là 15%, tức Ngân hàng có dư địa cho vay 32.000 tỷ đồng.

Cộng đồng doanh nghiệp khát vốn suốt ba tháng qua (do đa số ngân hàng sớm “tiêu” hết hạn mức tín dụng cấp lần đầu trong 5 tháng đầu năm, chỉ có thể cho vay mới nhỏ giọt khi thu hồi được nợ cũ), nên việc nới room tín dụng là thông tin tích cực đối với doanh nghiệp.

Mới đây, Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Phát triển năng lượng Sơn Hà (mã SHE) đã thông qua nghị quyết về việc vay 50 tỷ đồng tại BIDV Chi nhánh Thanh Xuân nhằm phục vụ hoạt động sản xuất - kinh doanh.

Dòng tiền 'dễ thở' hơn, doanh nghiệp niêm yết vẫn sợ hụt hơi - Ảnh 1.

Room tín dụng của 18 ngân hàng.

Ông Hoàng Mạnh Tân, Giám đốc Công ty cho biết, với việc nới room tín dụng giúp doanh nghiệp có thêm nguồn vốn phục vụ sản xuất - kinh doanh, song bài toán khiến doanh nghiệp đau đầu lúc này là hiệu quả kinh doanh thấp, “bởi chi phí đầu vào gia tăng, trong khi hàng hóa bán ra không thể tăng tương ứng, thậm chí một số mặt hàng không tính lợi nhuận, mà ưu tiên vì người tiêu dùng”.

Trong khi đó, từ phía doanh nghiệp phân phối ô tô, đối tượng hưởng lợi gián tiếp từ việc mở room tín dụng (sức cầu ô tô sẽ tăng lên khi ngân hàng có dư địa cho vay mua xe), ông Đỗ Tiến Dũng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Dịch vụ ô tô Hàng Xanh - Haxaco (mã HAX) cho biết, ngay khi Ngân hàng Nhà nước có động thái nới room, lượng khách mua xe đã sôi động trở lại.

Tuy nhiên, Chủ tịch Haxaco cho rằng, mức hấp thụ của thị trường dự báo khó tăng mạnh trong những tháng cuối năm và phụ thuộc vào tình hình kinh tế chung.

Khó khăn về đích kinh doanh năm

Dù nỗ lực phục hồi sản xuất - kinh doanh, nhưng các doanh nghiệp vẫn lo lắng về khả năng hoàn thành kế hoạch năm. Năm 2022, SHE đặt mục tiêu doanh thu đạt 300 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 20 tỷ đồng, với trọng tâm là mảng xe máy điện.

Theo ông Hoàng Mạnh Tân, SHE vẫn bám sát kế hoạch đề ra, nhưng khả năng chỉ có thể hoàn thành 80 - 90% mục tiêu lợi nhuận.

Công ty tìm mọi cách mở rộng thị phần vì có một số doanh nghiệp nhỏ kinh doanh trong lĩnh vực này đã rời bỏ thị trường vì đứt gãy nguồn cung do ảnh hưởng của xung đột Nga - Ukraine. Tuy nhiên, tổng cầu vẫn thấp, giá bán thấp nên lợi nhuận doanh nghiệp không cao.

Trong khi đó, Chủ tịch Haxaco cho rằng, “Công ty chỉ có thể hoàn thành kế hoạch và khó có đột biến”. Được biết, năm nay, Haxaco đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế 212 tỷ đồng; trong đó, 6 tháng đầu năm đã đạt 172 tỷ đồng.

Haxaco khó kỳ vọng tăng trưởng đột biến trong năm 2022.

“Nếu như quý IV năm ngoái, Haxaco ghi nhận kết quả kinh doanh đột biến vì nhu cầu mua xe bùng nổ sau thời gian bị kìm nén vì ảnh hưởng của Covid-19 thì năm nay người tiêu dùng tính toán hơn trước các yếu tố về lạm phát, lãi suất. Trong ba tháng cuối năm, tôi cho rằng tình hình kinh doanh không quá lạc quan, nhưng cũng không quá bi quan”, ông Dũng nói.

Còn tại Công ty cổ phần Kỹ nghệ gỗ Trường Thành (mã TTF), Tổng giám đốc Nguyễn Trọng Hiếu cho biết, Công ty vẫn giữ kế hoạch như đã được Đại hội cổ đông thông qua, nhưng hiện tại rất khó khăn.

Ngành gỗ Việt Nam đang đối diện với nhiều bài toán khó cần giải quyết, như lao động, áp lực chi phí đầu vào, dòng vốn…, đặc biệt là việc Bộ Thương mại Hoa Kỳ (DOC) đang điều tra chống lẩn tránh thuế chống bán phá giá và chống trợ cấp đối với gỗ dán cứng từ Việt Nam, ảnh hưởng tới việc đẩy mạnh xuất khẩu gỗ vào thị trường này.

Lãnh đạo một doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực hàng tiêu dùng nước giải khát thì than thở: “Năm nay, chi phí nguyên vật liệu tăng lên rất nhiều, nhưng chúng tôi chưa tăng giá bán sản phẩm vì sức cầu rất thấp. Doanh nghiệp đang hy sinh phần lãi để duy trì hoạt động và giữ thị phần”.

HẢI MINH
iconChia sẻ icon Chia sẻ
icon Chia sẻ

Advertisement