10/04/2021 10:04
Dòng tiền đang chảy về đâu?
Dù lãi suất huy động ở một số ngân hàng có động thái tăng trở lại. Tuy vậy theo đánh giá của giới phân tích, đà tăng này chỉ diễn ra cục bộ, mặt bằng lãi suất vẫn sẽ duy trì ở mức thấp trong năm 2021. Dòng tiền theo đó vẫn tích cực ở một số kênh đầu tư ngoài tiết kiệm, như bất động sản, chứng khoán…
Lãi suất huy động đã chạm đáy
Từ đầu tháng 3/2021 đến nay, một số ngân hàng bắt đầu có động thái tăng lãi suất huy động sau một thời gian dài điều chỉnh giảm do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Hầu hết các ngân hàng thương mại đều tăng nhẹ lãi suất huy động ở một số kỳ hạn từ 0,1-0,2 điểm %.
Cụ thể, đầu tháng 3/2021, Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank) bất ngờ tăng lãi suất ở nhiều kỳ hạn. Mức điều chỉnh tăng cao nhất tới 0,7 điểm % so với biểu lãi suất hồi đầu tháng 2. Từ ngày 12/3, Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) tăng từ 0,1 – 0,2 điểm % lãi suất tiền gửi ở tất cả các kỳ hạn. Mới đây, ngày 4/4, Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) điều chỉnh tăng từ 0,2 – 0,4 điểm % ở một số kỳ hạn.
Theo Công ty cổ phần Chứng khoán Rồng Việt (VDSC), các đợt tăng lãi suất huy động gần đây cho thấy lãi suất đối với tiền gửi khách hàng dường như đã chạm đáy. Tuy nhiên, lãi suất sẽ chỉ tăng ở mức khiêm tốn trong năm 2021, do lạm phát vẫn được kiểm soát và chính sách tiền tệ nới lỏng.
Trong tháng 3/2021, lạm phát toàn phần tăng nhưng vẫn nằm trong vùng kiểm soát với mức tăng 1,2% so với cùng kỳ (tháng 2/2021 tăng 0,7%), trong khi CPI lõi (không bao gồm thực phẩm và năng lượng) chỉ tăng 0,7% trong tháng qua. Lạm phát toàn phần thấp hơn nhiều so với mục tiêu 4% và có khả năng sẽ tiếp tục duy trì dưới ngưỡng này trong thời gian còn lại của năm nay.
Cùng quan điểm trên, các chuyên gia của Công ty cổ phần Chứng khoán SSI cũng cho biết, mặt bằng lãi suất đã ở vùng thấp nhất lịch sử. Nếu không tính đợt biến động ngắn mang tính chất mùa vụ của lãi suất liên ngân hàng trước và sau Tết Nguyên đán 2021, mặt bằng lãi suất liên ngân hàng đã duy trì ở vùng từ 0,2-0,3%/năm với kỳ hạn qua đêm suốt 9 tháng qua. Trong 2 tháng gần nhất, lợi tức trái phiếu chính phủ dù nhích tăng từ 0,15-0,25 điểm % trên cả thị trường sơ cấp và thứ cấp, nhưng vẫn đang ở vùng thấp lịch sử.
Theo Công ty cổ phần Chứng khoán SSI (SSI – HOSE), hoạt động kinh tế sôi động hơn sẽ khiến cầu tín dụng tăng mạnh hơn, lạm phát cũng tăng cao hơn trong nửa cuối 2021 khiến lãi suất tiền gửi gia tăng. Mặt bằng lãi suất tiền gửi vẫn tiếp tục ổn định trong hầu hết quý 2/2021, song có thể nhích tăng từ 0,3-0,5 điểm % trong nửa cuối năm 2021. Lãi suất cho vay đối một số lĩnh vực ưu tiên có thể điều chỉnh giảm nhẹ ở một số ngân hàng nhưng về cơ bản mặt bằng lãi suất chung sẽ vẫn ổn định.
Các chuyên gia của Công ty Chứng khoán Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (VCBS) cho rằng, áp lực tăng lãi suất huy động nhiều khả năng chỉ mang tính chất cục bộ ngắn hạn và ở các kỳ hạn ngắn, khi đây là giai đoạn chuyển tiếp đối với phương thức giao dịch ngoại tệ là giao dịch kỳ hạn 6 tháng áp dụng đầu năm nay. Các ngân hàng theo đó sẽ phải chuẩn bị và tính toán một cách kỹ càng và hợp lý các nguồn lực nội tại.
Theo VCBS, hiện nay, ưu tiên hàng đầu của các quốc gia trên thế giới vẫn là ứng phó với dịch Covid-19 hỗ trợ nền kinh tế hồi phục. Do vậy, các chính sách nới lỏng tiền tệ sẽ được duy trì ít nhất cho tới năm 2022. Ở thời điểm hiện tại vẫn còn dư địa giảm với cả lãi suất huy động và cho vay. Thực tế, bên cạnh xu hướng tăng lãi suất huy động, một số ngân hàng đã có động thái giảm lãi suất trở lại.
Dòng tiền chảy vào ngân hàng có dấu hiệu chậm lại
Trong bối cảnh lãi suất huy động tại các ngân hàng vẫn sẽ tiếp tục duy trì ở mức thấp trong năm 2021, dòng tiền chảy vào ngân hàng đang có dấu hiệu chậm lại.
Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê, tính đến ngày 19/3, tăng trưởng cung tiền toàn thị trường ước đạt 1,5% và tăng trưởng huy động vốn chỉ đạt 0,54% so với cuối năm 2020. Trong khi đó, tăng trưởng tín dụng tăng nhanh trong quý I với mức tăng 1,47% so với đầu năm, cao hơn đáng kể so với mức tăng 0,68% trong cùng kỳ 2020.
Việc lãi suất tiết kiếm ở mức thấp đã dẫn đến sự dịch chuyển của dòng tiền sang các kênh đầu tư khác ngoài tiền gửi, như bất động sản, chứng khoán… Đáng chú ý, bất động sản hiện đang là kênh đầu tư được nhiều người lựa chọn. Tại một tọa đàm mới đây về vấn đề sốt giá bất động sản, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP HCM cho biết, việc lãi suất huy động thấp là một trong những nguyên nhân gây sốt đất hiện nay.
Theo ông Châu, lãi suất tiền gửi tiết kiệm tại các ngân hàng chưa bao giờ thấp như những tháng qua. Các công ty bất động sản cũng tiếp cận được với nguồn vốn vay giá rẻ. Điều này đã góp phần hướng dòng tiền tiết kiệm của nhiều nhà đầu tư chuyển sang kênh bất động sản, gây ra tình trạng sốt đất trên địa bàn TP HCM và nhiều địa phương.
Hiện sốt giá bất động sản đang diễn ra trên tất cả loại hình, không chỉ đất nền và đất nông nghiệp mà cả sốt giá căn hộ, dự án nhà biệt thự, nhà phố và cả khu vực đô thị cũ cũng tăng lên cao.
Ngoài bất động sản, dòng tiền đổ vào chứng khoán được dự báo vẫn tiếp tục tích cực trong thời gian tới. Theo chuyên gia tài chính Huỳnh Anh Tuấn, dù gần đây lãi suất huy động của một số ngân hàng có điều chỉnh tăng, song mức tăng này thực tế không đáng kể. Bởi trước đó, lãi suất huy động đã ở mức rất thấp so với nhiều năm gần đây.
“Trong bối cảnh CPI tháng 3 tăng không đáng kể, lạm phát vẫn kiểm soát tốt, lãi suất huy động dự báo vẫn sẽ duy trì ở mức thấp. Do vậy, yếu tố tăng lãi suất cục bộ vừa qua chưa đủ mạnh để nhà đầu tư rút vốn ra khỏi thị trường chứng khoán để gửi tiết kiệm, trong khi tỷ suất sinh lời trên thị trường chứng khoán cao hơn lãi suất tiền gửi rất nhiều”- vị chuyên gia này cho biết.
Thực tế, dữ liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy, tính từ đầu năm đến nay, tổng mức huy động vốn trên thị trường chứng khoán ước tính đạt 55.562 tỷ đồng, tăng 42% so với cùng kỳ năm trước.
Chủ đề liên quan
Advertisement
Advertisement
Đọc tiếp