21/06/2018 18:15
Dòng tiền bắt đáy gia nhập thị trường vẫn không ngăn nổi đà giảm của Vn-Index
Khối ngoại đã mua ròng gần 80 tỷ đồng nhưng Vn-Index vẫn giảm gần 12 điểm trong phiên giao dịch ngày 21/6. Thanh khoản thị trường rất thấp với 3.000 tỷ đồng.
Lực bắt đáy yếu
Mở cửa phiên giao dịch ngày 21/6, Vn-Index đã ngay lập tức lao dốc với lực bán liên tục gia tăng. Chốt phiên sáng, Vn-Index mất hơn 13 điểm, hầu hết các nhóm ngành đều mất điểm và thanh khoản sụt giảm.
Đến phiên chiều nay, diễn biến thị trường đã có những tín hiệu tích cực khi dòng tiền trở lại nhưng lực cầu lần này tỏ ra không đủ mạnh. Trong khi lực bán mạnh lại tái diễn mỗi khi Vn-Index cố gắng đi lên.
Kết thúc phiên giao dịch 21/6, chỉ số Vn-Index giảm 11,55 điểm đóng cửa ở mức 969,4 điểm. Khối lượng giao dịch đạt hơn 117 triệu đơn vị, giá trị hơn 3.188 tỷ đồng. Thị trường có 96 mã tăng, 177 mã giảm.
Hnx-Index chốt phiên giảm 1,97 điểm xuống 110,16 điểm, khối lượng giao dịch đạt hơn 32 triệu đơn vị với giá trị gần 393,2 tỷ đồng. HNX có 56 mã tăng, 101 mã giảm.
Dòng tiền bắt đáy đã gia nhập thị trường nhưng còn rất yếu ớt. |
Trong nhóm VN30, dòng tiền đổ vào VNM, VJC đã giúp 2 cổ phiếu này đóng cửa ở mức giá xanh. Chốt phiên VNM tăng 1.200 đồng lên mức 170.000 đồng/cổ phiếu, VJC tăng 3.100 đồng lên 173.000 đồng/cổ phiếu.
Còn lại các cổ phiếu khác trong rổ VN30 đều chìm trong sắc đỏ. ROS giảm 3.400 đồng còn 46.500 đồng/cổ phiếu, CTD giảm 1.900 đồng còn 155.000 đồng/cổ phiếu, DHG giảm 1.500 đồng còn 100.000 đồng/cổ phiếu.
Nhóm ngân hàng hôm nay chỉ có HDB duy trì sắc xanh với mức tăng 200 đồng lên 36.500 đồng/cổ phiếu. TCB chững giá ở mức 95.200 đồng/cổ phiếu. Còn lại các mã khác kết thúc phiên với sắc đỏ như: ACB giảm 1.200 đồng còn 38.200 đồng/cổ phiếu, BID giảm 1.200 đồng còn 26.800 đồng/cổ phiếu, VCB giảm 1.100 đồng còn 57.000 đồng/cổ phiếu.
Ở nhóm bảo hiểm, ABI tăng 300 đồng lên 25.000 đồng/cổ phiếu, BIM tăng 150 đồng lên 21.500 đồng/cổ phiếu, BIC giảm 100 đồng còn 28.700 đồng/cổ phiếu. Giảm mạnh nhất trong nhóm này là BVH với mức giảm 2.000 đồng xuống còn 81.000 đồng/cổ phiếu.
Nhóm các công ty chứng khoán có một số mã duy trì sắc xanh như BSI, MBS, IVS, TVB trong khi SSI vẫn chìm trong sắc đỏ với mức giảm 600 đồng còn 30.900 đồng/cổ phiếu. Các mã khác đóng cửa ở mức giảm là API giảm 1.500 đồng còn 16.100 đồng/cổ phiếu, DSC giảm 1.100 đồng còn 85.000 đồng/cổ phiếu.
Sau nhiều phiên bán ròng liên tiếp, khối ngoại hôm nay đã mua ròng. Trên HOSE, khối ngoại mua ròng 834.170 đơn vị, trị giá 66,98 tỷ đồng. HPG là cổ phiếu được khối ngoại mua ròng nhiều nhất với 41,88 tỷ đồng. Xếp tiếp theo trong top mua ròng lần lượt là VJC 36,65 tỷ đồng, SSI 34,26 tỷ đồng, CTD 14,48 tỷ đồng, VCB 14,01 tỷ đồng.
Ở chiều ngược lại, VIC đứng đầu danh sách bán ròng của khối ngoại với 32,86 tỷ đồng. Xếp tiếp theo lần lượt là VRE 32,26 tỷ đồng, KDC 28,7 tỷ đồng, DHG 11,95 tỷ đồng, BID 8,86 tỷ đồng.
Khối ngoại cũng mua ròng 530.000 cổ phiếu trên Upcom, tương ứng giá trị 12,13 tỷ đồng. Các cổ phiếu được mua ròng mạnh nhất là POW với 8,64 tỷ đồng. Xếp tiếp theo lần lượt là LTG 3,39 tỷ đồng, QNS 3,24 tỷ đồng, SCS 1,27 tỷ đồng, HVN 900 triệu đồng.
Trên HNX, khối ngoại bán ròng hơn 1,4 triệu đơn vị, trị giá 34,18 tỷ đồng. Áp lực tập trung chủ yếu ở VGC với 33 tỷ đồng, DBC với 2,35 tỷ đồng, PLC 760 triệu đồng, DNP 290 triệu đồng, LHC 190 triệu đồng.
Chứng khoán châu Á đỏ sàn
Trong khi đó, hầu hết các thị trường chứng khoán châu Á trong phiên giao dịch 21/6 đều giảm điểm. Quan ngại về khả năng nổ ra cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc tiếp tục là yếu tố chính tác động tới thị trường cổ phiếu.
Thị trường chứng khoán châu Á tăng giảm trái chiều trong ngày 21/6. |
Kết thúc phiên 21/6, thị trường chứng khoán Thượng Hải và Hong Kong mất lần lượt 39,92 điểm và 400,12 điểm xuống lần lượt 2.875,81 điểm và 29.296,05 điểm, bất chấp xu hướng săn mua cổ phiếu giá hời được đầy mạnh ở đầu phiên. Các thị trường Singapore, Manila và Bangkok cũng chìm trong sắc đỏ.
Tuy nhiên, tại Tokyo của Nhật Bản và Sydney của Australia, chỉ số Nikkei 225 và S&P/ASX 200 lại tăng 0,61% và 1,2%, lên lần lượt 22.693,04 điểm và 6.247 điểm. Thị trường Wellington của New Zealand cũng tăng hơn 1% sau khi báo cáo chính thức mới đây cho thấy chính phủ nước này không có kế hoạch nâng lãi suất trong ngắn hạn khi nền kinh tế New Zealand chững lại trong quý I năm 2018.
Còn tại châu Âu, chỉ số FTSE 100 tại thị trường London và chỉ số DAX 30 trên sàn Frankfurt lần lượt ghi thêm 0,3% và 0,1% lên 7.627,40 điểm và 12.695,16 điểm. Điều này cũng diễn ra với chỉ số tổng hợp EURO STOXX 50 khi tăng 0,3% và khép phiên ở mức 3.446,15 điểm. Trong khi đó, tại thị trường Paris, chỉ số CAC 40 lại để mất 0,3% xuống còn 5.372,31 điểm.
Ở bên kia bờ Đại Tây Dương, các chỉ số chính trên thị trường chứng khoán Phố Wall cũng có những diễn biến trái chiều. Chỉ số công nghệ Nasdaq tăng 0,7% và xác lập mức cao kỷ lục mới là 7.781,52 điểm. Chỉ số S&P 500 cũng ghi thêm 0,2% lên 2.767,32 điểm vào cuối phiên giao dịch. Tuy nhiên, chỉ số công nghiệp Dow Jones lại giảm 0,2% và khép phiên ở mức 24.657,80 điểm.
Trước những động thái tăng thuế và đáp trả lẫn nhau từ Mỹ và Trung Quốc, giới quan sát lo ngại một cuộc chiến tranh thương mại giữa hai nền kinh tế hàng đầu thế giới có thể sẽ xảy ra, điều tác động đến nhiều nền kinh tế và gây tổn hại cho thị trường chứng khoán trên toàn cầu.
Advertisement
Advertisement
Đọc tiếp