06/04/2022 08:11
Đồng RUB phục hồi đáng kinh ngạc: Tăng thực hay tăng ảo?
Đồng RUB phục hồi mạnh mẽ
Trong những ngày đầu sau khi Nga tiến hành tấn công toàn diện vào Ukraina vào ngày 24/2 đã khiến cho đồng RUB lao dốc.
Đồng tiền này tiếp tục chìm xuống mức thấp kỷ lục mới so với đồng đô la Mỹ khi các lệnh trừng phạt của phương Tây tiếp tục được áp lên Nga và phần lớn dự trữ ngoại tệ do Ngân hàng trung ương nắm giữ đã bị đóng bang. Các cơ quan xếp hạng đã hạ điểm tín dụng của Nga xuống mức thấp và có thời điểm vào đầu tháng 3, đồng RUB đã giảm hơn một phần ba.
Tuy nhiên, kể từ đó đồng tiền này đã phục hồi và hiện đang giao dịch quanh mức được nhìn thấy lần cuối trước khi chiến tranh xảy ra, một dấu hiệu cho thấy tác động ban đầu của các lệnh trừng phạt, một trong số được xem là khắc nghiệt nhất trong lịch sử - có thể không có tác dụng đối với kinh tế Nga.
Một phần của sự phục hồi có thể được giải thích bởi vị thế tài chính vững chắc mà Nga có được nhờ doanh thu từ xuất khẩu dầu và khí đốt tăng mạnh trong khi nhập khẩu thì ở chiều ngược lại.
Bloomberg Economics dự kiến, Nga sẽ kiếm được gần 321 tỷ USD (292 tỷ Euro) từ xuất khẩu năng lượng trong năm 2022, tăng hơn 1/3 so với năm ngoái, nếu các khách hàng lớn của nước này, bao gồm cả Liên minh châu Âu, tiếp tục mua dầu và khí đốt của Nga.
Các chuyên gia cho rằng, phần còn lại của sự phục hồi là kết quả của việc đồng RUB được nâng lên một cách giả tạo bởi Ngân hàng trung ương Nga thông qua các biện pháp kiểm soát vốn.
Craig Erlam, nhà phân tích thị trường cao cấp tại OANDA cho biết: "Các động thái tiền tệ không đại diện cho các nguyên tắc cơ bản của Nga. Không thể nói rằng nền kinh tế Nga hiện có triển vọng giống như hồi giữa tháng 2, thời điểm trước khi cuộc tấn công bắt đầu, ngay cả khi tiền tệ sẽ gợi ý điều đó”.
Nền kinh tế Nga, theo dự báo của IMF vào tháng 1, tăng trưởng sẽ đạt 2,8% trong năm nay, hiện được dự đoán sẽ giảm 10% -15%.
Tăng nhân tạo cho đồng RUB?
Khi đồng RUB tăng giá sau khi chiến tranh nổ ra và các lệnh trừng phạt sau đó của phương Tây, Ngân hàng trung ương Nga đã vào chế độ chữa cháy để giải cứu đồng tiền đang chìm.
Ngân hàng này đã tăng hơn gấp đôi lãi suất cơ bản của quốc gia lên 20%, hạn chế khả năng tiếp cận ngoại tệ của các công ty trong nước và đặt giới hạn rút tiền bằng ngoại tệ. Ngoài ra, ngân hàng này cũng thực hiện các biện pháp để giữ cho USD không ra nước ngoài, bao gồm cấm các nhà đầu tư nước ngoài bán phá giá cổ phiếu và trái phiếu của Nga.
Đồng RUB có thêm một cú hích lớn nữa khi Tổng thống Nga Vladimir Putin yêu cầu các nước "không thân thiện" phải trả tiền mua khí đốt Nga bằng đồng tiền của Nga thay vì euro hoặc USD.
Tuy nhiên, TT Putin đã xuống nước sau đó khi cho phép người mua nước ngoài tiếp tục thanh toán bằng ngoại tệ nhưng chỉ sau khi mở tài khoản đặc biệt tại ngân hàng Gazprombank của Nga, ngân hàng này sẽ chuyển các khoản thanh toán thành đồng RUB.
Chuyên gia kinh tế Erlam nói: “Đây chỉ hỗ trợ một cách giả tạo cho đồng RUB trong khi có vẻ như đang buộc người mua ở các ‘nước thù địch’ sử dụng đồng RUB”.
"Nó giống như các biện pháp đã được áp dụng đối với Gazprombank và các ngân hàng khác nhằm buộc họ phải chuyển 80% các khoản thanh toán bằng tiền tệ thành đồng RUB”, ông nói thêm.
Đồng RUB được thúc đẩy bởi 'rất nhiều thao tác'
Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken cho biết, sự hồi sinh của đồng RUB được thúc đẩy bởi "rất nhiều thao tác".
Ông Blinken nói với NBC hôm Chủ nhật rằng: “Người ta ngăn cản việc đồng RUB bị sụp đổ. Đó là cách nâng giá trị giả tạo. Điều đó không bền vững. Vì vậy, tôi nghĩ bạn sẽ nhìn thấy sự thay đổi".
Khối lượng giao dịch bằng đồng RUB đã cạn kiệt do các lệnh trừng phạt và nhiều nhà môi giới, nhà đầu cơ vẫn cảnh giác với việc giao dịch bằng đồng tiền này. Điều này có nghĩa là giá thị trường hiện tại của đồng RUB đang được xác định bởi số lượng giao dịch ít hơn nhiều so với bình thường.
Bất chấp sự tăng giá gần đây, triển vọng của đồng RUB có vẻ kém khả quan hơn trong dài hạn.
Đồng tiền của Nga, đã suy yếu đáng kể so với đồng USD trong hai thập kỷ qua, dự kiến sẽ phải vật lộn hơn nữa khi đồng tiền của Nga có vẻ sắp không được “nuôi dưỡng” bằng nguồn dầu và khí đốt của Nga, một cứu cánh cho nền kinh tế nước này.
Advertisement