Advertisement

Nhận bản tin

Liên hệ quảng cáo

Email: banbientap@baocungcau.net

Hotline: 0917 267 237

icon logo

Quên mật khẩu?

Có tài khoản? Đăng nhập

Vui lòng nhập mật truy cập tài khoản mới khẩu

Thay đổi email khác
icon

Đông Nam Á tiếp tục trở thành nơi đọ sức giữa Trung Quốc và Mỹ?

Kinh tế thế giới

31/01/2021 11:03

Trước khi ông Joe Biden trở thành Tổng thống 46 của nước Mỹ, Ủy viên Quốc vụ viện kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc đã thực hiện chuyến thăm các nước Đông Nam Á.
news

Đây là chuyến thăm lần thứ hai của ông Vương Nghị đến khu vực này chỉ trong 3 tháng dưới danh nghĩa là hỗ trợ vaccine để gặp gỡ lãnh đạo 9 nước. 

Từ ngày 11-16/1/2021, ông Vương Nghị đã đến thăm 4 nước Myanmar, Indonesia, Brunei và Philippines. Trước đó vào tháng 10/2020, ông đã có chuyến thăm Campuchia, Malaysia, Lào, Thái Lan và Singapore.

Việc ông Vương Nghị thực hiện biện pháp “ngoại giao nước rút” sau cùng trước khi tân Tổng thống Joe Biden lên cầm quyền đã thu hút sự quan tâm đặc biệt của các nhà nghiên cứu ngoại giao và chiến lược khu vực, đồng thời khiến dư luận tin rằng Trung Quốc muốn thay đổi chính sách đối ngoại với khu vực Đông Nam Á trước khi chính quyền mới của Mỹ lên cầm quyền. 

biden-tap.jpg
Ảnh minh họa.

Mục đích chính của chương trình nghị sự

Trang mạng The Diplomat của Mỹ cho rằng trọng tâm của chuyến thăm thứ hai đến khu vực Đông Nam Á trong vòng ba tháng của ông Vương Nghị không chỉ là vấn đề vaccine, mà còn hướng đến mục tiêu phục hồi kinh tế sau dịch bệnh.

Trên thực tế, thực hiện sáng kiến “Vành đai và Con đường” (BRI) và ổn định khu vực mới là mục đích chủ yếu trong chương trình nghị sự của ông Vương Nghị. Dưới sự tấn công của đại dịch COVID-19, một lượng lớn dự án đặc biệt thuộc sáng kiến BRI bị ngưng trệ do chính phủ các nước liên quan điều chỉnh dự toán ngân sách, mất khả năng trả nợ, cũng như nguồn nhân lực, hậu cần bị cản trở. 

Gần đây, Malaysia cũng viện lý do không đủ khả năng tài chính để hủy bỏ dự án đường sắt cao tốc Malaysia-Singapore kết nối giữa Kuala Lumpur và Singapore. Theo Giám đốc Viện nghiên cứu Trung Quốc của Đại học Malaysia Ngeow Chow-Bing, chính sách làm cho “nước Mỹ vĩ đại trở lại” dưới thời cựu Tổng thống Donald Trump đã gây thiệt hại lớn cho nước Mỹ, do tất cả những bố trí chiến lược của cựu Tổng thống Barack Obama đối với khu vực Đông Nam Á đều bị phá vỡ, trong đó ví dụ điển hình nhất là việc rút khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). 

Bất cứ chính sách nào của Mỹ đối với khu vực Đông Nam Á đều phải có hiệu quả nhiều mặt, không thể chỉ nhấn mạnh vào vấn đề an ninh. Trong bối cảnh cả Trung Quốc và Mỹ đều khó nhượng bộ lập trường hiện nay, thì cục diện bế tắc sẽ tiếp tục kéo dài. 

Về phương diện kinh tế thương mại, Giám đốc Ngeow Chow-Bing cho rằng việc Trung Quốc, ASEAN, Hàn Quốc, Nhật Bản, Australia và New Zealand thông qua Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) đã hình thành một khối thịnh vượng chung về kinh tế tuyệt đối, giúp gia tăng sức ảnh hưởng của Trung Quốc ở Đông Nam Á so với thời cựu Tổng thống Obama cầm quyền. 

Do đó, sau khi tân Tổng thống Joe Biden lên cầm quyền, việc quay trở lại Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) sẽ là động thái chiến lược rõ ràng nhất. Suy cho cùng, khi ông Joe Biden làm Phó Tổng thống dưới thời cựu Tổng thống Obama đã nắm rất rõ lộ trình và tính toán của Mỹ đối với việc tham gian hiệp định tiền thân của CPTPP là TPP. 

Tuy nhiên, đối diện với một xã hội Mỹ chia rẽ và cánh tả của đảng Cộng hòa đang để mắt đến cuộc bầu cử Tổng thống năm 2024, ông Joe Biden phải “ổn định bên trong trước, sau đó mới hướng ra ngoài”, vì vậy sẽ rất khó khăn cho việc hiện thực hóa mong muốn quay trở lại TPP trong nhiệm kỳ đầu. 

106777746-1604461579684-rcepgroups.png

Theo chuyên gia dự đoán thuộc Viện nghiên cứu REFSA Lam Choong Wah, Chính quyền ông Joe Biden rất có thể sẽ làm dịu lại cuộc chiến thương mại với Trung Quốc, bởi vì họ cho rằng đối đầu với Trung Quốc không thể chỉ dựa vào cuộc chiến thuế quan, mà phải dựa vào một loạt biện pháp tấn công đồng bộ, đặc biệt là việc dựa vào hợp tác chung sức của đồng minh. 

Ngoài ra, Chính quyền ông Joe Biden từng nói rằng chỉ định vị Trung Quốc là đối thủ cạnh tranh, không nhất định phải xem là kẻ thù sống chết, hơn nữa ông cũng chuẩn bị hợp tác với Trung Quốc trong một số vấn đề quốc tế như biến đổi khí hậu…

Do đó, cuộc đối đầu thuế quan Mỹ-Trung dịu lại sẽ là điều tốt lành đối với Đông Nam Á. Tuy nhiên, Washington sẽ đẩy nhanh và đẩy mạnh vấn đề kiềm chế Trung Quốc về khoa học và công nghệ, dự báo Chính quyền ông Joe Biden sẽ tiếp tục đối đầu công nghệ với Trung Quốc. 

Theo cựu Thủ tướng Malaysia Mahathir Mohamad, sau 4 năm quan hệ với cựu Tổng thống Donald Trump, châu Á nên hy vọng tân Tổng thống Joe Biden sẽ cải thiện quan hệ với các nước ủng hộ truyền thống trong thời gian tới, đồng thời chấm dứt cuộc chiến thương mại với Trung Quốc.

Nhà lãnh đạo Mahathir Mohamad cho rằng tân Tổng thống Joe Biden có thể sẽ đảo ngược chính sách nước Mỹ trên hết của ông Donald Trump, thiết lập quan hệ hiểu biết hữu nghị với nhiều nước, nhất là những nước từng rất ủng hộ Mỹ trước đó.  

Trái ngược với quan điểm xem nhẹ Đông Nam Á của ông Trump, chuyên gia Lam Choong Wah tin rằng ông Joe Binden sẽ đưa Đông Nam Á vào trong toàn bộ bố cục chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, với tầm quan trọng chỉ đứng sau Ấn Độ.

Chuyên gia này nhấn mạnh tân Tổng thống Joe Biden đã từng nói sẽ tổ chức một hội nghị thượng đỉnh dân chủ toàn cầu, kỳ vọng xây dựng một liên minh thế giới tự do mới để bao vây các nước không tự do theo hình dung của Bộ Ngoại giao Mỹ, bao gồm Trung Quốc, Nga, CHDCND Triều Tiên, Iran, Venezuela…  

Đông Nam Á sẽ “ngả” về Mỹ hay Trung Quốc?

Chuyên gia Lam Choong Wah dự báo, để thiết lập liên minh thế giới tự do mới do Mỹ lãnh đạo này, ông Joe Biden sẽ lôi kéo một số quốc gia Đông Nam Á trở thành đối tác then chốt.

Ông nói rằng: “Tân Tổng thống Joe Biden sẽ đích thân tham dự Hội nghị cấp cao Đông Á trong thời gian tới, ủng hộ các nước hạ du sông Mekong công kích Trung Quốc kiểm soát thượng nguồn, hủy hoại nguồn cung cấp nước và dòng chảy, đồng thời sẽ tiếp tục vận động và thuyết phục Singapore tham gia vào liên minh thế giới tự do mới…”.

Tuy nhiên, ông cho rằng mặc dù tân Tổng thống Joe Biden sẽ có nhiều động thái lôi kéo hơn đối với các nước Đông Nam Á, các nước này luôn có truyền thống thực hiện chiến lược ngăn ngừa rủi ro. Theo đó, khu vực Đông Nam Á sẽ hành xử dựa vào phán đoán chiến lược của mình và thành ý của Mỹ, vì vậy ông dự đoán các nước Đông Nam Á sẽ giữ khoảng cách với Mỹ. 

Một thực tế rõ ràng là Tổng thống Mỹ 4 năm có thể thay đổi một lần, trong khi chính quyền của các nước xung quanh như Trung Quốc, Ấn Độ và Nhật Bản thì không bao giờ có thể thay thế được, do đó Đông Nam Á không cần phải vì một ý tưởng chiến lược ngắn hạn mà đánh mất lợi ích dài hạn.

210126105306-02-biden-0125-large-169-removebg-preview.png

Chuyên gia Lam Choong Wah cho rằng cuộc đọ sức Mỹ-Trung là nhận thức chung của cả hai đảng Cộng hòa lẫn Dân chủ. Chẳng hạn, Chính quyền ông Obama đã ủng hộ Philippines kiện Trung Quốc theo Công ước Liên hợp quốc về luật biển, đồng thời đưa ra chiến lược quay trở lại châu Á-Thái Bình Dương và tập trung 60% lực lượng quân sự bố trí ở khu vực này, thậm chí hiệp định TPP mà ông Obama thúc đẩy cũng chính là muốn cô lập Trung Quốc. 

Đối với Malaysia, chuyên gia Ngeow Chow-Bing cho rằng về tổng thể nước này vẫn tương đối ngả về phía ông Joe Biden. Quan hệ giữa Malaysia và Mỹ không nhất thiết chỉ chịu ảnh hưởng của tình hình châu Á-Thái Bình Dương. Là một quốc gia hồi giáo, Malaysia rất nhạy cảm với diễn biến tình hình Trung Đông. Việc ông Chính quyền Donald Trump quá thiên vị đối với Israel đã không nhận được cảm tình của Chính phủ Malaysia. 

Trong khi đó, chuyên gia Lam Choong Wah tin rằng do có rất nhiều vấn đề cấp bách trong nước cần phải giải quyết, nên dự đoán sau khi lên cầm quyền ông Joe Biden sẽ không thể thực hiện chuyến công du đến các nước Đông Nam Á như cựu Tổng thống Obama đã làm, đặc biệt là trước khi dịch bệnh chấm dứt. 

Chuyên gia Lam Choong Wah nhấn mạnh mối quan hệ Malaysia và Mỹ được quyết định bởi sự tương tác giữa hai nước, hiện nay trọng điểm chính sách của Chính quyền Thủ tướng Muhyiddin Yassin không phải là đối ngoại. Cả Malaysia và Mỹ đều tập trung giải quyết vấn đề trong nước. 

Do đó, dự đoán quan hệ Mỹ-Malaysia sẽ tiếp tục ổn định trong thời gian dịch bệnh, duy trì các cơ chế đã thiết lập. Sau khi dịch bệnh chấm dứt, quan hệ Mỹ-Malaysia mới có thể ấm dần lên. Tuy nhiên, Thủ tướng Muhyiddin Yassin sẽ không để Malaysia trở thành quốc gia ủy nhiệm chống lại Trung Quốc.

Về quan hệ mật thiết của đảng Dân chủ Mỹ với lãnh đạo đối lập Malaysia Anwar Ibrahim, ông Lam Choong Wah cho biết, đây là một sự thực, nhưng điều này không có nghĩa là ông Joe Biden sẽ hỗ trợ ông Anwar Ibrahim lật đổ chính quyền của ông Muhyiddin. Theo ông, mối quan hệ của Chính quyền ông Joe Biden với ông Anwar Ibrahim sẽ chỉ giới hạn ở mức độ riêng tư.

Trong khi đó, bên cạnh việc ký kết nhiều hiệp định thương mại quan trọng, khu vực Đông Nam Á đang ngày càng phụ thuộc vào Trung Quốc về vaccine phòng dịch COVID-19. Quốc gia phụ thuộc nhiều nhất vào Trung Quốc về vaccine phòng dịch COVID-19 là Indonesia, nước có khoảng 267 triệu dân. Số người mắc COVID-19 ở nước này đã vượt ngưỡng 900.000 người, cao nhất trong số các nước thành viên ASEAN, trong khi dịch bệnh vẫn tiếp tục lan rộng. Đến nay, Indonesia đã nhập khẩu 3 triệu liều vaccine COVID-19 từ Công ty Công nghệ Sinh học Sinovac của Trung Quốc. 

Cùng với Indonesia, Chính phủ Philippines cũng đã quyết định mua 25 triệu liều vaccine phòng COVID-19 của Sinovac. Trong khi đó, một hãng dược phẩm ở Malaysia cũng đã ký hợp đồng với Sinovac để có giấy phép sản xuất vaccine của công ty này.

Việc các nước ASEAN phải mua vaccine của Trung Quốc là do các nước này không thể mua đủ vaccine của các hãng dược phẩm ở Mỹ và Anh để tiêm cho người dân. Vì vậy, họ phụ thuộc vào nguồn cung nhanh chóng và dồi dào thông qua chính sách “ngoại giao vaccine” của Trung Quốc.  

Bắc Kinh đã thông báo rằng họ sẽ cung cấp một khối lượng vaccine COVID-19 nhất định miễn phí cho các nước có nguồn tài chính eo hẹp như Campuchia và Myanmar. Dư luận cho rằng Bắc Kinh đang tìm cách chống lại Mỹ, quốc gia đang tăng cường gây áp lực đối với Trung Quốc ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, để mở rộng ảnh hưởng trong khu vực.

Một nguồn tin ngoại giao của ASEAN nói: “Mặc dù các quốc gia ASEAN tách biệt vấn đề vaccine và các vấn đề an ninh quốc gia, nhưng vẫn có khả năng tình hình này tác động ở một mức độ nào đó đến quan hệ của các nước ASEAN với Trung Quốc trong tương lai”.

(Nguồn: TTXVN)

CHẤN HƯNG
iconChia sẻ icon Chia sẻ
icon Chia sẻ