10/07/2017 03:01
Đồng Nai: Vạch mặt chiêu thổi giá bất động sản của giới cò đất
Thời gian tính từ đầu năm 2016 đến nay, nhiều thông tin thị trường cho thấy giá đất nền tại một số khu vực thuộc huyện Nhơn Trạch và Long Thành (Đồng Nai) tăng chóng mặt nhờ hệ thống hạ tầng giao thông lớn đã qua đang xây dựng.
Tuy nhiên, thâm nhập vào từng dự án mới thấy được các chiêu bơm thổi của giới đầu nậu, cò đất tự do.
Chỉ trong một thời gian rất ngắn, Đồng Nai đã đưa vào sử dụng hàng loạt dự án hạ tầng giao thông lớn, như: cầu Đồng Nai mới, cầu Hóa An mới, đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây, quốc lộ 1 đoạn tránh TP.Biên Hòa (đường Võ Nguyên Giáp), cầu Hiệp Hòa, cầu Bửu Hòa, cầu vượt ngã tư Vũng Tàu, cầu vượt Amata, hầm chui Tam Hiệp, nâng cấp quốc lộ 51...
Chưa kể các dự án lớn đang chuẩn bị khởi động như: cầu An Hảo, Amata Express City và nhất là Cảng hàng không quốc tế Long Thành.
Tại Đại hội cổ đông (ĐHCĐ) thường niên của Tổng công ty Cảng Hàng không Việt Nam (ACV) mới đây, trao đổi với báo chí, Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Lê Đình Thọ cho hay chậm nhất cuối năm nay sẽ hoàn thành giải phóng mặt bằng cho dự án sân bay Long Thành để kịp khởi động năm 2019, và hoạt động năm 2025.
Những tác động của hạ tầng giao thông đã khiến thị trường bất động sản Đồng Nai những tháng đầu năm 2017 “rục rịch” chuyển động theo sau cả chục năm “án binh bất động”. Các nhà đầu tư nhạy cảm với thị trường đã bắt đầu tái khởi động những dự án bất động sản “ăn theo” các dự án hạ tầng giao thông lớn.
Theo đó, tại xã Bình Sơn - nơi giáp ranh với vị trí xây dựng sân bay, cò đất Mạnh Hùng cho biết so với thời điểm năm 2015 - tức thời điểm thông tin về dự án sân bay vẫn chưa được rõ ràng, giá một lô đất có diện tích 1ha chỉ khoảng 2-4 tỷ đồng.
Tuy nhiên, ngay thời điểm này giá đất tăng mạnh, khoảng 12 tỷ đồng/lô bao luôn giấy tờ chuyển đổi từ đất nông nghiệp thành thổ cư. Đối với nhà phố dọc các tuyến đường lớn ở xã, cách đây gần 2 năm chỉ chào bán khoảng 800-900 triệu đồng/căn có diện tích 1.000m2, thì nay đã tăng lên đến 4-8 tỷ căn tùy vị trí.
Chính vì giá đất tăng nên ngày càng có nhiều nhà môi giới vào cuộc. Để tạo sự chú ý, hàng trăm bảng quảng cáo được treo đầy các cột điện, chưa kể đội ngũ “cò” đất đông đảo còn chặn xe, rồi gí vào tay người qua đường những tờ rơi, lời chào mời hấp dẫn.
Tuy nhiên, qua tìm hiểu có nhiều dự án ngay sau một số sự kiện công bố thông tin tái khởi động rồi lại chìm vào im ắng, xung quanh các tuyến đường dẫn vào trung tâm huyện Long Thành và Nhơn Trạch chỉ toàn thấy cò đất "đứng đường" phát tờ rơi.
Song song đó, một số nhà đầu tư cho biết giá nhà đất tại những khu vực này đang bị giới đầu nậu, cò đất tự do "bơm thổi" chứ thực tế giá trị không như vậy. Để làm được điều này, các đầu nậu luôn đưa thông tin sân bay Long Thành làm "mồi" thu hút khách hàng và với dự án nào cũng trả lời đã hết hàng, chỉ còn 1-5 nền đắc địa được giữ lại.
Theo tiết lộ của một giám đốc sàn môi giới, giá đất tại các tuyến đường lớn dẫn vào trung tâm huyện Long Thành hay Nhơn Trạch trong một số dự án được quy hoạch bài bản giá bán thực tế chỉ tầm 4-8 triệu đồng/m2 tùy vị trí, nhưng một khi vào tay các cò thì bị nâng lên gấp 2-3 lần.
Trong khi đó, những lô đất mà cò bảo đã có khách mua trước đó, giờ muốn mua lại thì phải "chi" thêm phần chênh lệch ít nhất 1-2%, cũng thực chất là do các cò kéo người thân vào đứng tên.
Qua tìm hiểu được biết rất nhiều khách hàng hiện nay đều có sự thận trọng trong việc xuống tiền mua đất ở Đồng Nai. Một số chuyên gia cho rằng Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành có quy mô quá lớn nên dù được tập trung thực hiện thì tiến độ ra sao và hiệu quả ra sao vẫn chưa xác định, do đó giao dịch thực tế từ phía người dân và các nhà đầu tư nhỏ chưa “nóng” như nhiều thông tin trước đó.
Phụ trách kinh doanh của Sàn giao dịch địa ốc NT, doanh nghiệp đang phân phối một số dự án đất nền tại huyện Long Thành, nói: “Nếu tính trên các giao dịch mua bán thực tế, đất tại khu vực Long Thành và gần Cảng hàng không quốc tế Long Thành chưa sốt như lời đồn thổi vì chưa có nhiều sản phẩm cụ thể và nhà đầu tư vẫn còn thận trọng. Thời điểm này, khách đến tìm hiểu và giao dịch mua đất nền chỉ tăng nhẹ so với dịp đầu năm. Vì thế, từ khi Quốc hội quyết định làm sân bay, phía công ty chỉ tăng giá 2-3%”.
Ông Trần Nam, Giám đốc bộ phận kinh doanh công ty địa ốc THD cũng cho biết, nhiều khách hàng ôm đất hơn 4 năm qua có ký gửi công ty bán giùm nhưng nhiều khách hàng đến tham khảo qua rồi thôi. Giá khách hàng ký gửi là 8 triệu đồng/m2, công ty chỉ cộng thêm 2% phí môi giới nhưng đến nay vẫn không bán được.
"Chẳng hạn, nhiều người nói rằng giá đất ở dự án khu đô thị Long Hưng (Donacoop làm chủ đầu tư) tăng gần 18 triệu đồng/m2, thực tế chỉ là đồn thổi chứ không có chuyện đó. Giá đất tại đó một số dự án lân cận có tăng nhưng không mạnh, chủ yếu là nhờ chủ đầu tư tái khởi động dự án, làm mới hạ tầng nội bộ và tổ chức nhiều sự kiện cho khách hàng cũ để "hâm nóng" dự án chứ khách hàng mới ít khi dám đổ tiền vào đây vì cả dự án chỉ lèo tèo 1-2 căn nhà được xây, xung quanh không có nỗi một tiệm tạp hóa thì sinh sống ra sao", ông Nam nói.
Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Văn Đực, Phó Tổng giám đốc công ty Địa ốc Đất Lành cũng cho rằng biết bao đại gia một thuở đã từng ôm đất Long Thành, Nhơn Trạch đến giờ này vẫn đang dở khóc dở cười vì bán không xong.
Những năm 2008-2010, ăn theo các dự án như thành phố mới Nhơn Trạch, trung tâm hành chính Đồng Nai… rất nhiều người từ TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai thi nhau mua đất xung quanh những khu vực có hơi hướng dự án, những công ty bất động sản lớn nhỏ tranh thủ mua đất để làm dự án khu dân cư.
Người có tiền thì mua nhiều, ít thì gom góp nhau hoặc huy động vốn để mua bằng được đất xung quanh những khu vực này. Có người mạnh tay vay vốn ngân hàng, ôm hàng chục hécta đất để chờ thời cơ. Hầu hết đất đai được mua đều là đất nông nghiệp sang tay, những vùng đất trồng cây nông nghiệp hoa lợi thấp được “thổi” lên, giá tăng hàng ngày, nhiều người tranh nhau mua như sợ hết!
Advertisement
Advertisement
Đọc tiếp