03/04/2022 09:27
Động lực nguồn cung bất động sản mới
Chủ đầu tư dồn dập ra hàng
Thời gian gần đây, nhiều doanh nghiệp địa ốc công bố kế hoạch bán hàng trong năm 2022. Đơn cử, Vinhomes sẽ mở bán đồng thời cả 3 đại dự án mới là Vinhomes Dream City, Vinhomes Wonder Park và Vinhomes Cổ Loa. Theo đại diện Vinhomes, đa số sản phẩm ở các dự án này là sản phẩm thấp tầng nên thời gian xây dựng ngắn, trong vòng 12 tháng Vinhomes có thể ghi nhận doanh thu và lợi nhuận ngay.
“Ba đại dự án trên sẽ mở ra một chu kỳ phát triển mới cho Vinhomes trong giai đoạn 2022-2024”, vị này nhấn mạnh.
Đại diện Novaland cũng cho hay, hiện tại, quỹ đất doanh nghiệp này nắm giữ đạt khoảng 10.600 ha và trong năm 2022 sẽ tung ra thị trường 15.000 sản phẩm. Trong giai đoạn 2021-2025, Novaland đặt mục tiêu cung cấp ra thị trường khoảng 00.000 sản phẩm.
Công ty cổ phần Phát triển bất động sản Phát Đạt vừa khởi công dự án Khu thương mại dịch vụ, căn hộ du lịch, biệt thự nghỉ dưỡng và khách sạn cao cấp Serenity Phước Hải ở Bà Rịa - Vũng Tàu. Dự án có quy mô 73.842 m2 với tổng mức đầu tư dự kiến gần 3.500 tỷ đồng, bao gồm nhiều loại sản phẩm như căn hộ du lịch, shophouse, khách sạn, biệt thự nghỉ dưỡng… cùng chuỗi tiện ích phong phú, dự kiến mở bán trong tháng 5/2022.
Sau hơn 2 năm đình trệ do dịch bệnh cũng như vướng mắc trong pháp lý dự án, thị trường bất động sản đang chứng kiến lượng cung hàng tăng mạnh mẽ. Trao đổi với phóng viên, lãnh đạo một doanh nghiệp địa ốc tầm trung tại Hà Nội cho biết, trong 2 năm qua, doanh nghiệp ông hầu như không có dòng tiền từ mảng bất động sản do không có dự án nào được mở bán. Để tạo nguồn thu, doanh nghiệp phải tập trung tái cơ cấu hoạt động, tinh gọn bộ máy và đẩy mạnh việc hoàn thiện thủ tục pháp lý cho các dự án. Nhờ đó, 3 dự án khu đô thị quy mô từ 6-10 ha/khu mới có thể mở bán trong năm nay.
“Hai năm qua, chúng tôi tập trung vào kênh đầu tư tài chính để tạo nguồn thu phục vụ sản xuất, kinh doanh. Cũng may là hoạt động này diễn ra khá suôn sẻ và mang về hơn 200 tỷ đồng tiền lãi. Năm 2022, chúng tôi sẽ quay trở lại với các dự án bất động sản, bởi đây mới là lĩnh vực kinh doanh chính. Hơn nữa, việc kiếm tiền trên thị trường tài chính trong năm nay được dự báo sẽ không còn dễ dàng như 2 năm trước”, vị này chia sẻ.
Cơn sốt giá sẽ hạ nhiệt
Theo ông Nguyễn Văn Ngọc, Giám đốc Công ty cổ phần RB Land, thị trường đang có nhiều tin tốt hỗ trợ, đặc biệt là về những dự án mới, song nhà đầu tư cần tìm hiểu rõ pháp lý dự án, thời điểm dự án chính thức được mở bán… để có quyết định phù hợp.
“Nhìn chung, giá bất động sản đã tăng khá mạnh trong 2 năm qua, phổ biến từ 30-50%, thậm chí một số loại hình sản phẩm như biệt thự, shophouse có những khu vực giá tăng gấp 2-3 lần. Do đó, nhiều khả năng giá bán sẽ tăng chậm lại trong năm 2022 này”, ông Ngọc nhận định.
Trao đổi với nhiều thành viên thị trường, một điểm chung mà phóng viên ghi nhận được là dù nguồn cung được bổ sung đáng kể, nhưng phần lớn đều đến từ các thị trường vùng ven, trong khi 2 thị trường chủ lực là Hà Nội và TP.HCM vẫn khan hàng. Điều này cho thấy, xu hướng ly tâm vẫn đang diễn ra và thị trường chưa có dấu hiệu dư cung.
Bà Phạm Ngọc Thiên Thanh, Phó giám đốc bộ phận Nghiên cứu thị trường và Tư vấn phát triển, CBRE Việt Nam cũng cho hay, số dự án mới tại Hà Nội và TP.HCM ngày càng ít đi, cùng với đó là giá bán tăng đều qua các năm.
“Theo ghi nhận của chúng tôi, số lượng dự án chào bán mới trong quý I/2022 vẫn khá hạn chế do quỹ đất nội thành không còn nhiều, giá đất lại tăng cao, quy trình cấp phép phức tạp và cần nhiều thời gian. Do đó, các chủ đầu tư đã tích cực tìm kiếm và mở rộng quỹ đất trong 3-5 năm trở lại đây, tập trung tại khu vực vùng ven TP.HCM và Hà Nội”, bà Thanh nói và chia sẻ thêm, xu hướng này phù hợp với tốc độ đô thị hóa nhanh, kế hoạch giãn dân nội đô, cơ sở hạ tầng được đầu tư mạnh mẽ, tăng kết nối và sự phát triển kinh tế của các địa phương giáp ranh với những đô thị lớn này, tiêu biểu có thể kể đến là Bình Dương, Đồng Nai, Bắc Ninh, Vĩnh Phúc...
Bà Thanh cho rằng, các dự án vùng ven thường có quỹ đất lớn, phát triển theo mô hình khu đô thị vệ tinh với đầy đủ dịch vụ, tiện ích nội khu, tạo thành một cộng đồng dân cư mới tại địa phương. Mô hình này đã cho thấy sự thành công trong việc thu hút nhà đầu tư cũng như người có nhu cầu ở thực.
“Cổ đất” còn hấp dẫn
Sự ấm nóng của thị trường địa ốc cũng khiến nhiều doanh nghiệp bất động sản niêm yết tự tin hơn với các kế hoạch tăng vốn để phát triển dự án. Theo Bộ phận phân tích Công ty chứng khoán SSI (SSI Research), trong năm qua, doanh nghiệp bất động sản vẫn là nhóm phát hành trái phiếu nhiều nhất, ghi nhận 318.200 tỷ đồng huy động được từ kênh này, chiếm 44% tổng lượng trái phiếu doanh nghiệp phát hành năm 2021 và tăng 66,3% so với năm 2020. Số lượng các doanh nghiệp bất động sản phát hành cũng tăng từ 141 doanh nghiệp năm 2020 lên 193 doanh nghiệp trong năm 2021.
Mới đây nhất, Công ty cổ phần Bất động sản Thế Kỷ (Cen Land, mã CRE) đã thông qua phương án phát hành tăng vốn từ nguồn vốn chủ sở hữu và chào bán cổ phiếu ra công chúng, với tổng khối lượng hơn 262 triệu cổ phần. Nếu đợt phát hành diễn ra thành công, vốn điều lệ của Cen Land sẽ tăng từ 2.016 tỷ đồng lên hơn 4.637 tỷ đồng.
Ông Nguyễn Trung Vũ, Chủ tịch HĐQT Cen Land cho hay, năm 2022, Cen Land đặt mục tiêu đạt doanh thu từ 10.000-12.000 tỷ đồng và để hoàn thành mục tiêu này, Cen Land sẽ tiếp tục hợp tác với các chủ đầu tư lớn, có nguồn hàng phong phú để phân phối và tham gia đầu tư.
“Kỳ vọng rằng cổ phiếu CRE sẽ tăng gấp 3 lần giá trị trong một vài năm tới, khi uy tín thương hiệu của Cen Land đã được nâng cao”, ông Vũ nói.
Nguồn cung mới dự kiến tăng mạnh, các doanh nghiệp trở lại mạnh mẽ với nhiều kế hoạch tham vọng cũng như cam kết gắn bó với thị trường đã mang đến sự hứng khởi. Mới đây, đại diện 2 đơn vị trúng đấu giá đất tại Thủ Thiêm (TP. HCM) là Công ty cổ phần Dream Republic và Công ty cổ phần Sheen Mega cho biết đang nỗ lực huy động nguồn tài chính để nộp ngân sách theo quy định.
Theo các chuyên gia, nếu cam kết được thực hiện sẽ tác động tích cực đến nhóm cổ phiếu bất động sản. Trước đó, trong đợt đấu giá đất Thủ Thiêm vào cuối năm 2021, có 4 đơn vị trúng thầu, nhưng sau đó 2 đơn vị bỏ cọc (Công ty TNHH Đầu tư bất động sản Ngôi Sao Việt và Công ty TNHH Đầu tư và Kinh doanh thương mại Bình Minh) và động thái này phần nào tác động tiêu cực tới nhóm cổ phiếu địa ốc trên sàn chứng khoán.
PGS-TS. Đinh Trọng Thịnh, chuyên gia kinh tế cho rằng, nếu các doanh nghiệp trúng đấu giá có thể nộp tiền như cam kết sẽ ít nhiều tạo nên động lực cho thị trường, trong đó có thị trường cổ phiếu. Với các cổ phiếu bất động sản, tiềm năng tăng giá trong năm 2022 vẫn còn, nhưng mức độ tăng còn phụ thuộc vào nền kinh tế, vào thị trường chung.
“Với đà hồi phục của nền kinh tế Việt Nam cũng như lượng vốn đầu tư nước ngoài tiếp tục đổ vào mạnh mẽ, thị trường bất động sản còn nhiều cơ hội tăng trưởng, đặc biệt là các nhóm ngành bất động sản công nghiệp, nghỉ dưỡng và nhà ở, từ đó tác động tích cực lên các cổ phiếu địa ốc”, ông Thịnh đánh giá.
Advertisement