18/01/2017 02:17
Đồng euro không thể sống nếu châu Âu không thay đổi
Châu Âu đứng trước nhiều thay đổi vào năm 2017 vì sự kiện Brexit. Trong bối cảnh này, không chỉ có EU mà cả đồng euro cũng đứng giữa ngã ba đường.
Theo CNN, gần 70 năm qua, châu Âu chỉ biết đến một hướng: hội nhập mạnh mẽ giữa các nước và Liên minh châu Âu (EU) liên tiếp kết nạp thành viên mới. Giờ đây, khi một nền kinh tế lớn và có tiếng nói mạnh về mặt chính trị trong khu vực là Anh đã quay lưng. Brexit sẽ được xem là bước ngoặc trong lịch sử.
Lúc này, quan hệ giữa Anh và EU gồm 27 nước sẽ ra sao là chuyện rất thiếu chắc chắn. Ảnh hưởng lớn hơn vẫn còn chưa hiển hiện. Các đảng dân túy từ cánh tả và cánh hữu ở những nước khác đang dùng việc Anh rời EU, hay Brexit, làm ví dụ cho lời kêu gọi rời khỏi EU. Tuy vậy, sự phức tạp và tiềm năng gây thiệt hại kinh tế có thể là yếu tố gây nản lòng các nước muốn đi con đường tương tự.
Giữa cảnh này, không chỉ có EU đứng trước nguy cơ. Đồng euro cũng đứng giữa ngã ba đường. Otmar Issing, Chủ tịch Trung tâm Nghiên cứu Tài chính thuộc Đại học Goethe ở Frankfurt (Đức) kiêm nhà kinh tế trưởng đầu tiên của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB), cho hay với đồng tiền chung châu Âu, các hồi chuông cảnh báo đang gióng lên.
Theo ông Issing, EUR đã trải qua cuộc khủng hoảng tài chính thế giới vào năm 2008 và một số nước thành viên sử dụng đồng tiền chung châu Âu (eurozone) thực hiện những cải cách tối cần thiết. Tuy nhiên sau gần 10 năm, liên minh tiền tệ châu Âu không cải thiện nhiều.
Khu vực vẫn cần nhiều cải cách tham vọng hơn giữa cảnh tỷ lệ thất nghiệp lên cao kỷ lục. Bên cạnh đó, một số chính phủ gánh nợ nần chồng chất, phải phụ thuộc vào chương trình mua trái phiếu của ECB để tự vệ trước cảnh tăng lãi suất đáng kể vốn đe dọa khả năng thanh toán nợ.
Bảng cân đối của các ngân hàng trung ương cho thấy dòng vốn đang tháo chạy với tốc độ kỷ lục từ những nước chịu khủng hoảng đến các nơi trú ẩn an toàn, đặc biệt là Đức. Hy Lạp hiện bấp bênh giữa khả năng cần một gói cứu trợ tài chính khác và có thể bị buộc phải rời khỏi eurozone.
Đồng euro có thể sống sót thêm một thời gian nữa, song nó không thể tồn tại vô thời hạn trừ phi những vấn đề cơ bản được giải quyết. Bằng cách đưa lãi suất xuống mức thấp kỷ lục và tích cực mua trái phiếu chính phủ, ECB đang là yếu tố giữ eurozone lại với nhau. Song theo ông Issing, ECB giờ đây quá tải với trách nhiệm này.
Để thoát khỏi tình trạng này và đảm bảo tương lai của đồng euro, có một gợi ý phổ biến là tạo ra một liên minh tài chính, có nhiệm vụ chuyển giao tiền nộp thuế từ các nước giàu sang các quốc gia gặp khó.
Song đề xuất trên bỏ qua thực tế EU là một liên minh giữa các nước có chủ quyền. Chủ quyền đồng nghĩa với việc trách nhiệm thuế, chi tiêu công phụ thuộc vào chính phủ từng nước và chính phủ có trách nhiệm với cử tri thông qua nghị viện quốc gia. Thực hiện gợi ý trên đòi hỏi sự thay đổi trong hiệp ước EU và ở một số trường hợp như của Đức, đòi hỏi sự thay đổi trong cả hiến pháp.
Ngoài ra, thỏa thuận về mặt thể chế hiện thời của euro được dựa trên nguyên tắc “không cứu trợ”. Đây là yếu tố quan trọng của hiệp ước. Vì thế, nhà kinh tế trưởng đầu tiên của ECB cho rằng cách duy nhất để cứu đồng euro là tạo điều kiện cho các nước tuân thủ các nguyên tắc tài chính và áp dụng cải cách khó khăn hơn để thúc đẩy tăng trưởng, việc làm.
Advertisement
Advertisement
Đọc tiếp