15/05/2020 14:14
Đối đầu Mỹ - Trung gia tăng khi cuộc chiến giành chiếc ghế lãnh đạo WTO bắt đầu
Căng thẳng địa chính trị, mà chủ yếu giữa Mỹ và Trung Quốc, có thể gia tăng qua việc tranh giành chiếc ghế tổng giám đốc WTO.
Việc Tổng giám đốc Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) Roberto Azevêdo bất ngờ tuyên bố từ chức từ ngày 31/8, sớm một năm so với dự định. Hành động này của ông Roberto Azevêdo để lại khoảng trống lãnh đạo WTO ngay thời điểm khó khăn đối với nền kinh tế thế giới. Đồng thời, đây cũng là thời điểm khó khăn đối với WTO, vốn đã bị kẹt giữa cuộc chiến thương mại toàn cầu do Tổng thống Mỹ Donald Trump phát động.
Cuộc đua giành chiếc ghế giám đốc WTO bắt đầu nóng lên, hứa hẹn sẽ là một cuộc cạnh tranh địa chính trị chưa từng thấy, khi căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc dâng cao.
Ông Donald Trump luôn cho rằng WTO quá thiên vị Trung Quốc. Dưới sức ép từ Washington, hoạt động của tổ chức này đã gặp nhiều khó khăn kể từ cuối năm ngoái. Hồi cuối năm 2019, Mỹ ngăn chặn việc thay thế các thẩm phán trong cơ quan giải quyết các tranh chấp giữa các nước thành viên.
Mặc dù đại dịch COVID-19 khiến thương mại toàn cầu sụt giảm, sự giao thương các sản phẩm y tế quan trọng gặp nhiều rào cản, quá trình toàn cầu hóa tê liệt, WTO vẫn giữ vai trò quan trọng trong thúc đẩy các quốc gia nới lỏng những hạn chế trong xuất khẩu.
Ông Roberto Azevêdo, nhậm chức Tổng giám đốc WTO từ năm 2013 và là cựu ngoại trưởng Brazil. Thay vì bổ nhiệm một phó giám đốc lên tạm quyền, ông đề nghị tuyển chọn ứng viên thay thế. Theo thông lệ, quá trình lựa chọn người người đứng đầu WTO bắt đầu vào tháng 12/2020 và mất khoảng 3 tháng hoặc lâu hơn.
Quá trình tuyển chọn người đứng đầu WTO luôn là một trò chơi của sự xoay xở và vận động quốc tế. Tuy nhiên, việc tuyển chọn diễn ra trong bối cảnh cuộc đua vào ghế tổng thống Mỹ đang ở hồi cuối rất có khả năng dẫn đến những sai lầm tầm cỡ quốc tế, theo Politico.
Thật ra cuộc cạnh tranh vị trí lãnh đạo WTO là không tránh khỏi. Đầu năm nay, cuộc chiến giữa phương Tây và Trung Quốc chiếc ghế lãnh đạo Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO - cơ quan của Liên Hợp Quốc) được dự báo sẽ là tiền lệ cho cuộc đua vào vị trí lãnh đạo WTO về sau.
Cuối cùng, ứng viên Daren Tang của Singapore, với sự ủng hộ của Mỹ và Liên minh Châu Âu (EU) trong nỗ lực chống lại cạnh tranh từ một ứng cử viên Trung Quốc, đã giành thắng lợi. Theo tạp chí Politico, kết quả này phản ánh sự bất mãn của các quan chức EU khi ứng viên Qu Dongyu của Trung Quốc trở thành Tổng giám đốc Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hợp Quốc (FAO) hồi năm ngoái.
Thế giới hiện đang tập trung sự quan tâm vào các ứng cử viên cho chức Tổng giám đốc WTO kế tiếp là ai. Các đối thủ nặng ký như Mỹ, Trung Quốc và EU chắc chắn sẽ đưa ra ứng viên phù hợp với yêu cầu của mình.
Ông Roberto Azevêdo để lại khoảng trống lãnh đạo WTO ngay thời điểm khó khăn đối với nền kinh tế thế giới |
Mục tiêu lớn của quá trình tuyển chọn người lãnh đạo WTO là phải đạt được sự đồng thuận về một ứng cử viên cụ thể. Theo các nhà quan sát, do Mỹ và Trung Quốc chưa từng có người đứng đầu WTO nên hai nền kinh tế lớn nhất thế giới sẽ khắc khe đối với các ứng cử viên không do mình đề cử.
EU từng 3 lần giữ vị trí này. Do vậy, không hề bất ngờ khi những cái tên như Bộ trưởng Ngoại giao Tây Ban Nha Arancha González, hay cựu giám đốc thương mại EU Cecilia Malmström đang được nhắc đến trong cuộc đua vào ghế Tổng giám đốc WTO. Tuy nhiên, Pascal Lamy (Pháp) là người tiền nhiệm của ông Azevêdo. Vì vậy, một ứng viên châu Âu sẽ khó được chấp nhận.
Nhiều nhà phân tích cho rằng, có thể sẽ đến lượt châu Phi hay châu Á. Nhưng trên thực tế, châu phi chưa có ứng cử viên sáng giá. Như vậy, ứng viên từ châu Á “sáng cửa” hơn. WTO từng có lãnh đạo duy nhất đến từ một thị trường mới nổi và là người châu Á. Đó là ông Supachai Panitchpakdi của Thái Lan. Dựa vào lịch sử của WTO và tình hình thực tế, xem ra việc giành vị trí đứng đầu WTO có thể là cuộc đấu giữa Mỹ và Trung Quốc.
Theo kế hoạch, hội nghị WTO với sự tham dự của bộ trưởng thương mại các quốc gia thành viên được tổ chức 6 năm/lần sẽ diễn ra ở Kazakhstan vào tháng 6/2020. Tuy nhiên, hội nghị quan trọng hàng đầu đối với thương mại toàn cầu này bị hoãn lại vì đại dịch COVID-19 và nhiều khả năng sẽ được tổ chức vào tháng 6 năm tới. Các nhà quan sát kỳ vọng rằng, hội nghị này tạo ra động lực cần thiết để khép lại mọi tranh chấp và mở ra thời kỳ mới hậu COVID-19.
Tuy nhiên, cuộc đấu Mỹ - Trung trong việc chọn ra người đứng đầu mới của WTO có thể khiến hội nghị không đi đến kết quả nào. Đó sẽ là trường hợp xấu nhất đối với WTO - tổ chức cần được cải cách và hoạch định một tương lai mới, theo Politico.
Chủ đề liên quan
Advertisement