30/03/2021 14:22
Đổi CMND sang thẻ Căn cước công dân có bị đổi số không?
Căn cước công dân (CCCD) gắn chip được biết đến là loại thẻ có nhiều ưu điểm so với Chứng minh nhân dân (CMND) và CCCD mã vạch. Tuy nhiên, nếu CCCD bị đổi số khi chuyển từ CMND cũng gây ra không ít bất tiện cho người dân.
Đổi CMND sang thẻ Căn cước có bị đổi số không?
Đối với CMND 9 số
Theo quy định tại khoản 2 Điều 19 Luật Căn cước công dân, số thẻ Căn cước công dân là số định danh cá nhân.
Điều 13 Nghị định 137/2015/NĐ-CP hướng dẫn Luật Căn cước công dân quy định: Số định danh cá nhân là dãy số tự nhiên gồm 12 số, có cấu trúc gồm 6 số là mã thế kỷ sinh, mã giới tính, mã năm sinh của công dân, mã tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương hoặc mã quốc gia nơi công dân đăng ký khai sinh và 6 số là khoảng số ngẫu nhiên.
Như vậy, nếu Chứng minh nhân dân chỉ có 9 số thì khi đổi sang CCCD sẽ bị đổi thành 12 số.
Đối với CMND 12 số
Mẫu Chứng minh nhân dân 12 số được quy định tại Thông tư 27/2012/TT-BCA. Theo đó, số Chứng minh nhân dân gồm 12 chữ số tự nhiên, do Bộ Công an cấp và quản lý thống nhất trên toàn quốc. Trường hợp đổi, cấp lại Chứng minh nhân dân thì số ghi trên Chứng minh nhân dân được đổi, cấp lại vẫn giữ đúng theo số ghi trên Chứng minh nhân dân đã cấp lần đầu.
Mặc dù thời điểm Thông tư này ra đời chưa quy định rõ nhưng có thể hiểu 12 chữ số tự nhiên trên CMND 12 số chính là mã định danh cá nhân. Mã số này không bị thay đổi kể cả khi người dân đổi từ CMND 12 số sang thẻ CCCD gắn chip điện tử.
Tương tự như vậy với thẻ Căn cước công dân mã vạch, khi đổi sang thẻ Căn cước công dân gắn chip, 12 số trên thẻ CCCD mã vạch sẽ không bị thay đổi.
Bị đổi số CMND, người dân có gặp rắc rối?
Như thông tin đã nêu trên, khi đổi từ CMND 9 số sang thẻ CCCD gắn chip sẽ bị đổi số. Trường hợp này công dân sẽ gặp một số khó khăn nhất định khi thực hiện các giao dịch.
Để hạn chế bất tiện cho người dân, Điều 15 Thông tư 07/2016/TT-BCA (sửa đổi bởi Thông tư 40/2019/TT-BCA) quy định:
- Khi công dân làm thủ tục cấp, đổi, cấp lại thẻ Căn cước công dân thì cơ quan quản lý căn cước công dân nơi tiếp nhận hồ sơ có trách nhiệm cấp Giấy xác nhận số Chứng minh nhân dân đối với tất cả các trường hợp chuyển từ Chứng minh nhân dân 9 số sang thẻ Căn cước công dân.
- Trường hợp Chứng minh nhân dân 12 số bị hỏng, bong tróc, không rõ nét (ảnh, số Chứng minh nhân dân và chữ) thì thu, hủy Chứng minh nhân dân đó, ghi vào hồ sơ và cấp Giấy xác nhận số Chứng minh nhân dân.
- Trường hợp công dân đã được cấp thẻ Căn cước công dân nhưng chưa được cấp Giấy xác nhận số Chứng minh nhân dân hoặc bị mất Giấy xác nhận số Chứng minh nhân dân thì gửi văn bản đề nghị cấp Giấy xác nhận số Chứng minh nhân dân, xuất trình bản chính và nộp bản sao thẻ Căn cước công dân, bản sao Chứng minh nhân dân 9 số (nếu có) cho cán bộ tiếp nhận hồ sơ tại cơ quan quản lý căn cước công dân nơi đã làm thủ tục cấp, đổi, cấp lại thẻ Căn cước công dân.
Cán bộ tiếp nhận hồ sơ kiểm tra thông tin của công dân, trường hợp thông tin hợp lệ thì tiếp nhận hồ sơ và viết giấy hẹn trả kết quả cho công dân; trường hợp hồ sơ không hợp lệ thì trả lời công dân bằng văn bản và nêu rõ lý do.
Thời hạn cấp Giấy xác nhận số Chứng minh nhân dân là 7 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ.
Như vậy, người dân không cần lo lắng việc đổi CMND sang CCCD bị đổi số, bởi việc cấp giấy xác nhận số CMND của cơ quan công an sẽ tạo thuận tiện cho người dân khi thực hiện các thủ tục hành chính...
Ngoài ra, hiện nay, mặt trước thẻ CCCD gắn chip có mã QR, nhiều tỉnh đã yêu cầu các Sở, ban ngành khai thác thông tin trong mã QR code (có đầy đủ thông tin về số CMND cũ) trên thẻ CCCD gắn chip thay thế giấy xác nhận số CMND trong giao dịch hành chính, dân sự.
Nếu còn thắc mắc, độc giả vui lòng liên hệ 1900.6192 để được hỗ trợ, giải đáp.
(Tham khảo từ Luật Việt Nam)
Advertisement
Advertisement
Đọc tiếp