29/10/2020 17:36
Doanh thu giảm gần một nửa, vì sao Tập đoàn Hòa Bình vẫn lãi trong quý 3?
Tập đoàn Hòa Bình lãi hơn 53 tỷ đồng trong quý III/2020 không phải vì phục hồi doanh thu và nhờ vào lãi từ mua rẻ.
Công ty Cổ phần Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình (mã cổ phiếu: HBC) là doanh nghiệp nối tiếp cao trào công bố báo cáo tài chính quý III/2020. Ở kỳ báo cáo này, Xây dựng Hoà Bình đã thoát cảnh lỗ.
Lãi từ mua rẻ “cứu thua” cho lợi nhuận
Doanh thu thuần bán hàng và cung cấp dịch vụ trong quý III/2020 của Hòa Bình ghi nhận được 2.634 tỷ đồng. Con số này đều giảm dù so với quý trước hay cùng kỳ năm 2019, lần lượt giảm 10,7% và 42,9%.
Giá vốn bán hàng của Xây dựng Hoà Bình vẫn ở mức cao, bằng 94% doanh thu. Vì thế, biên lợi nhuận gộp của công ty này trong quý vào khoảng 5,6%. Biên lợi nhuận gộp giảm sau khi vừa được phục hồi lên 8% vào quý trước.
Trong quý III/2020, Xây dựng Hòa Bình bàn giao được 1 dự án, cất nóc được 4 dự án. Ảnh: HBC |
Trong khi chi phí bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp giảm lần lượt 57% và 33% thì chi phí tài chính của Xây dựng Hoà Bình lại tăng thêm 7% so với cùng kỳ năm trước. Công ty của ông Lê Viết Hải đang chịu 83.758 tỷ đồng chi phí tài chính, phần lớn là chi phí lãi vay.
Trong kỳ báo cáo này, HBC còn ghi nhận khoản lỗ trong công ty liên doanh, liên kết đến 559 tỷ đồng. Mức này cao gấp 180 lần so với cùng kỳ. Hiện Tập đoàn Hoà Bình đang liên doanh, liên kết với 5 công ty gồm Công ty Cổ phần Chứng khoán Sen Vàng, Công ty Cổ phần Kỹ thuật Jesco Hoà Bình, Công ty Cổ phần Trang trí nội thất Onwa Tech, Công ty Cổ phần Cơ khí & Nhôm kính Anh Việt, Công ty Cổ phần 479 Hoà Bình.
Cứ ngỡ Xây dựng Hoà Bình sẽ có một quý tài chính thua lỗ nhưng nhờ khoản thu nhập khác đã giúp công ty này “gỡ” được một màn thua trông thấy. Trong kỳ, HBC thu về 77,9 tỷ đồng thu nhập khác. Trong đó, 74,7 tỷ đồng là lãi từ mua rẻ.
Nhờ lãi từ mua rẻ, Xây dựng Hoà Bình thu về 53,3 tỷ đồng lãi ròng. Mức lợi nhuận này tuy giảm 22,3% so với cùng kỳ nhưng lại tăng đột biến tới 27 lần so với quý trước.
Luỹ kế 9 tháng đầu năm 2020, doanh nghiệp của ông Lê Viết Hải ghi nhận 8.044 tỷ đồng doanh thu và 62,8 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, giảm lần lượt 1,7 lần và 3,8 lần so với cùng kỳ năm trước. So với kế hoạch cả năm, Tập đoàn Hoà Bình chỉ hoàn thành được 64% chỉ tiêu về doanh thu và 50% chỉ tiêu về lợi nhuận. Kế hoạch cả năm kể trên đã được điều chỉnh giảm, ban đầu HĐQT đề ra là doanh thu 20.200 tỷ đồng, lợi nhuận 720 tỷ đồng.
Đang nợ gần 4.900 tỷ đồng
Vào cuối tháng 9/2020, tổng tài sản của Xây dựng Hoà Bình giảm gần 8,5% so với hồi đầu năm, còn 15.303 tỷ đồng. Sự sụt giảm này chủ yếu đến từ phải thu ngắn hạn, tài sản cố định và đầu tư tài chính dài hạn của công ty.
Hàng tồn kho của công ty này tăng mạnh 20% lên 2.594 tỷ đồng, phần lớn nằm ở phí sản suất kinh doanh dở dang (2.111 tỷ đồng), nguyên vật liệu xây dựng (237 tỷ đồng) và hàng hóa bất động sản (225 tỷ đồng).
Vốn chủ sở hữu của HBC vào cuối kỳ là 4.189 tỷ đồng, tăng 5,8% so với hồi đầu năm. Trong khi đó, nợ phải trả đã giảm mạnh tới 12,9% so với đầu năm, hiện còn khoảng 11.114 tỷ đồng. Tuy nhiên, nợ vẫn đang vượt vốn tới 2,65 lần.
Vay và nợ thuê tài chính của doanh nghiệp này vào cuối kỳ báo cáo là 4.886 tỷ đồng, trong đó gần 97% là vay ngắn hạn. Xây dựng Hoà Bình chủ yếu chọn kênh vay ngân hàng với 4.883 tỷ đồng.
“Chủ nợ” lớn nhất của HBC là Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) với tổng khoản vay 1.779,2 tỷ đồng. Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (Vietinbank) là ngân hàng cho doanh nghiệp này vay nhiều thứ 2 với khoảng 1.719,1 tỷ đồng.
Trong kỳ, công ty này vay thêm 702,8 tỷ đồng và trả được xong 775,1 tỷ đồng. Ngoài ra, Xây dựng Hoà Bình còn mắc khoảng 3,2 tỷ đồng vay từ cá nhân, nhân viên,…
Đáng chú ý, trong báo cáo kiểm toán bán niên 2020, Tập đoàn Hoà Bình có tổng nợ phải thu quá hạn đến 2.151 tỷ đồng, tăng 31% so với cuối năm 2019 và chiếm tới 20% tổng nợ phải thu ngắn hạn. Tuy nhiên, trong thuyết minh báo cáo tài chính quý III/2020 này, Xây dựng Hòa Bình cho biết doanh nghiệp không phát sinh nợ xấu trong kỳ.
Advertisement
Advertisement
Đọc tiếp