Advertisement

icon icon img
Nhận bản tin

Liên hệ quảng cáo

Email: banbientap@baocungcau.net

Hotline: 0917 267 237

icon logo

Quên mật khẩu?

Có tài khoản? Đăng nhập

Vui lòng nhập mật truy cập tài khoản mới khẩu

Thay đổi email khác
icon

Doanh thu Coteccons tăng hơn 400 tỷ đồng, chính thức ‘dứt áo’ với Ricons

Doanh nghiệp

21/07/2020 11:53

Tình hình kinh doanh của Coteccons cải thiện sau khi mâu thuẫn nội bộ được giải quyết. Lợi nhuận sau thuế tăng đến 28% so với năm ngoái.

Công ty CP Xây dựng Coteccons vừa công bố báo cáo tài chính quý II/2020. Nhìn chung, tình hình kinh doanh của nhà thầu số 1 Việt Nam phần nào đã có bước cải thiện so với ba tháng đầu năm.

Lãi ròng tăng 28%, hoàn thành một nửa kế hoạch cả năm

Trong quý II/2020, Coteccons ghi nhận doanh thu thuần bán hàng và cung cấp dịch vụ đạt 3.971 tỷ đồng, tăng hơn 400 tỷ đồng so với quý trước đó. Tuy nhiên khi so với quý II/2019, doanh thu đã giảm tới 31,4%.

Cơ cấu doanh thu phần lớn đến từ hợp đồng xây dựng, chiếm đến 99,9% tổng doanh thu. Biên lợi nhuận gộp cải thiện so với quý trước đó, hiện đang ở mức 6,1%. Mức này là biên lợi nhuận gộp cao nhất trong 5 quý liên tiếp và gấp đôi cùng kỳ năm trước. 

Về lợi nhuận sau thuế, từ tháng 4-6/2020, Coteccons lãi 158,4 tỷ đồng, cao hơn quý trước 35 tỷ đồng và tăng gần 28% so với cùng kỳ năm trước. Theo giải trình của HĐQT, nguyên nhân của sự tăng trưởng này chủ yếu là do quý II/2019, một số công trình lớn kéo dài hơn dự kiến làm tăng chi phí cố định nên làm giảm lợi nhuận chung của tập đoàn.

Lợi nhuận sau thuế trong quý vừa qua tăng trưởng nhờ nhà thầu này tiết chế được giá vốn bán hàng và cắt giảm được khoảng 25 tỷ đồng chi phí quản lý doanh nghiệp. Ngoài ra, trị giá hàng tồn kho của Coteccons giảm khoảng 400 tỷ đồng so với cuối năm ngoái xuống còn 1.227,5 tỉ đồng. Song song đó, nợ phải trả của doanh nghiệp giảm đến gần 1.200 tỷ đồng, về mức 6.534,5 tỷ đồng.

Luỹ kế nửa đầu năm nay, Coteccons đã có doanh thu hơn 7.520 tỷ đồng và lãi sau thuế trên 280 tỷ đồng, lần lượt giảm 25% và 10% so với cùng kỳ. Tuy nhiên so với mục tiêu doanh thu và lợi nhuận hợp nhất năm nay lần lượt là 16.000 tỷ đồng và 600 tỷ đồng, kết quả đạt được đã gần như được nửa chặng đường.

Đầu tháng 7, liên minh Coteccons - Unicons thông báo trúng thầu 5 dự án mới với tổng giá trị hợp đồng gần 3.200 tỷ đồng, trong đó có tới 3 dự án đảm nhiệm tổng thầu thiết kế và thi Công (Design & Build). Gói thầu lớn nhất trị giá 1.400 tỷ đồng là dự án căn hộ cao cấp tại Bình Dương. Tiếp đến là gói tổng thầu thiết kế và thi công giai đoạn 2 khách sạn Sea Stars Hạ Long trị giá hơn 1.000 tỷ đồng.

Ngoài ra, phía Coteccons cũng tiếp cận được dự án PiCity High Park (Quận 12, TP.HCM) và hai dự án khác cùng tại tỉnh Quảng Ninh, gồm Khu Du lịch sinh thái cao cấp Vân Hải, 243 căn biệt thự Sun Grand Feria Hạ Long của Sun Group.

Giá vốn bán hàng vẫn cao ngất ngưởng

Tuy tình hình kinh doanh có cải thiện nhưng một số vấn đề về tài chính của doanh nghiệp này vẫn còn tồn đọng.

Trước hết là về giá vốn bán hàng. Giá vốn của Coteccons trong quý II/2020 là hơn 3.727 tỷ đồng, chiếm gần 94% so với tổng doanh thu. Tỷ lệ này hầu như không xê dịch là bao so với quý I/2020. Trước đây, tỷ lệ giá vốn/doanh thu của Coteccons cũng cao ngất ngưởng, năm 2019 là 95,6%.

Trong quý vừa qua, dù công ty tiếp tục không vay nợ tài chính nhưng Coteccons vẫn ghi nhận chi phí tài chính đội lên đáng kể so với quý I/2020 và cả quý II/2019. Chi phí tài chính trong quý II/2020 là hơn 30 tỷ đồng, trong đó có gần 29,5 tỷ đồng đến từ chênh lệch đánh giá lại khoảng đầu tư dài hạn.

Ngoài ra, dòng tiền từ hoạt động kinh doanh của Coteccons vẫn chưa ổn định. Trong quý II/2020, dòng tiền tiếp tục âm 537,7 tỷ đồng, trong khi quý liền trước âm 426,8 tỷ đồng. Như vậy, đã trọn một năm dòng tiền từ hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp này âm tới hàng trăm tỷ đồng.

Vốn chủ sở hữu của Coteccons trong quý này suy giảm hơn 100 tỷ đồng so với quý I/2020, hiện là 8.471 tỷ đồng. Phần suy giảm này đến từ việc phân phối lợi nhuận sau thuế. Trong ĐHCĐ thường niên năm 2020 vừa qua, Coteccons quyết định chia cổ tức bằng tiền mặt tỷ lệ 30%.

Vào cuối tháng 6, ông Nguyễn Bá Dương, Chủ tịch HĐQT Coteccons có đăng ký mua hơn 1 triệu cổ phiếu CTD. Nhưng giao dịch dự kiến thực hiện từ ngày 9/7-7/8 nên vẫn chưa được ghi nhận trong kỳ báo cáo tài chính lần này. Vì thế, vốn chủ sở hữu của Coteccons bị suy giảm.

Tổng tài sản của Coteccons tính đến cuối quý II hơn 15.000 tỷ đồng. Chiếm tỷ trọng lớn nhất là các khoản phải thu ngắn hạn của khách hàng, khoảng 8.150 tỷ đồng. Doanh nghiệp này phải trích 216 tỷ đồng dự phòng phải thu ngắn hạn khó đòi.

Tổng các khoản tiền, tương đương tiền và đầu tư tài chính ngắn hạn chiếm hơn 3.700 tỷ đồng. Về hàng tồn kho, Coteccons ghi nhận sụt giảm so với quý I/2020 và cuối năm ngoái nhưng vẫn ở mức hơn 1.227 tỷ đồng. Trong đó, dự án Crowne Plaza Phú Quốc chiếm 16%.

Chính thức ‘dứt áo’ với Ricons

Đặc biệt, trong kỳ báo cáo tài chính lần này, Coteccons đã chính thức ‘dứt áo’ với Công ty CP Xây dựng Ricons. Tuy vẫn giữ hơn 272 tỷ đồng ứng với tỷ lệ sở hữu 14,3% nhưng khoản đầu tư này của Coteccons được trình bày là khoản đầu tư góp vốn vào đơn vị khác, thay vì đầu tư vào công ty liên kết như trước đây, kể cả kỳ báo cáo tài chính quý I/2020.

Trước thềm ĐHCĐ thường niên năm 2020 của Coteccons, ông Nguyễn Bá Dương đưa ra đơn từ nhiệm khỏi HĐQT Ricons. Trong đơn, ông Dương cho biết do “bận một số công việc cá nhân” nên bản thân không thể hoàn thành tốt vị trí thành viên Hội đồng quản trị tại Ricons.

Việc “chân đạp hai thuyền” của Chủ tịch Nguyễn Bá Dương và Tổng Giám đốc Nguyễn Sỹ Công là một trong những điểm mấu chốt của mâu thuẫn suốt nhiều năm qua giữa HĐQT Coteccons với nhóm cổ đông ngoại Kusto và The8th.

Phát biểu trước cổ đông, ông Dương cho biết: “Sắp tới, tôi cho rằng chúng ta không nên ‘nói không' với các công ty liên quan. Thay vào đó, chúng ta phải tiếp tục hợp tác. Bởi vì đó là các công ty có năng lực, có sự tương đồng với Coteccons về văn hoá về giá trị, có thể hỗ trợ Coteccons phát triển mạnh mẽ hơn nữa trong tương lai”.

Coteccons đã không còn ký hợp đồng thầu với Ricons từ cuối năm 2019. Ảnh: VnExpress
Coteccons đã không còn ký hợp đồng thầu với Ricons từ cuối năm 2019. Ảnh: VnExpress

Tuy nhiên trước đó, phía Coteccons xác nhận từ cuối năm 2019 đến nay đã không còn ký hợp đồng thầu với Ricons. Ông Lê Miên Thụy, Tổng giám đốc Ricons khẳng định, việc ngừng nhận thầu từ Coteccons không ảnh hưởng đến kế hoạch và định hướng công ty trong thời gian tới. Ông Thụy nhấn mạnh Ricons có khách hàng truyền thống, bản thân ông cũng có những mối quan hệ để tạo dựng được lợi thế. 

Trong báo cáo thường niên năm 2019, Ricons chính thức thay đổi nhận diện thương hiệu, thay thế cụm từ "Coteccons Group" bằng "Since 2004”. Ricons cũng có một loạt động thái để thay đổi nhận diện thương hiệu và phát triển hệ sinh thái Ricons Group với các thương hiệu Ricons, Riland, Rihomes, Risa, Rilex, Ricommerce, Quihub và Fritech. Doanh nghiệp này cũng vừa thay đổi trụ sở doanh nghiệp về tòa nhà Saigon Pavillon (quận 3, TP.HCM). 

TẤT ĐẠT
iconChia sẻ icon Chia sẻ
icon Chia sẻ

Advertisement