03/12/2020 13:12
Doanh thu Coteccons sẽ giảm 36% sau 2 quý liên tiếp không có hợp đồng mới
Theo dự báo của VCSC, sau 2 quý liên tiếp không công bố thông tin giá trị hợp đồng ký mới, doanh thu Coteccons có thể giảm 36% so với năm 2019.
Công ty Chứng khoán Bản Việt (VCSC) vừa có báo cáo phân tích về tình hình của Công ty Cổ phần Xây dựng Coteccons (mã cổ phiếu: CTD). Ở kỳ báo cáo này, phía VCSC có quan điểm không mấy tích cực về nhà thầu xây dựng số 1 Việt Nam.
Doanh thu Coteccons sẽ giảm 36%?
VCSC tiếp tục duy trì lo ngại về triển vọng tăng trưởng giá trị các hợp đồng ký mới trong năm nay. Đáng nói, điều này còn có thể dẫn đến khả năng trì hoãn hoặc hủy các hợp đồng đã được tính trong lượng backlog (hợp đồng chuyển tiếp) ở thời điểm hiện tại.
Chứng khoán Bản Việt chỉ rõ, đã 2 quý liên tiếp, Coteccons không công bố thông tin giá trị hợp đồng ký mới sau con số 5.000 tỷ đồng đã được nêu từ quý trước đó. Từ đó, báo cáo cho rằng, dịch COVID-19 và quá trình “tái cơ cấu nội bộ” đang diễn ra sẽ tạo thêm áp lực cho giá trị hợp đồng ký mới năm nay.
Quá trình “tái cơ cấu nội bộ” đang diễn ra sẽ tạo thêm áp lực cho giá trị hợp đồng ký mới năm nay của Coteccons. Ảnh: CTD |
Hồi tháng 7, liên minh Coteccons - Unicons thông báo trúng thầu 5 dự án mới với tổng giá trị hợp đồng gần 3.200 tỷ đồng. Gói thầu lớn nhất trị giá 1.400 tỷ đồng là dự án căn hộ cao cấp tại Bình Dương. Tiếp đến là gói tổng thầu thiết kế và thi công giai đoạn 2 khách sạn Sea Stars Hạ Long trị giá hơn 1.000 tỷ đồng.
Ngoài ra, phía Coteccons cũng tiếp cận được dự án PiCity High Park (quận 12, TP.HCM) và hai dự án khác cùng tại tỉnh Quảng Ninh gồm Khu Du lịch sinh thái cao cấp Vân Hải và 243 căn biệt thự Sun Grand Feria Hạ Long của Sun Group.
VCSC giảm dự phóng giá trị hợp đồng ký mới năm nay của Coteccons chỉ còn 10.000 tỷ đồng. Trước đó, giai đoạn 2015 - 2018, giá trị hợp đồng ký mới trung bình mỗi năm của nhà thầu xây dựng số 1 Việt Nam là 27.000 tỷ đồng. Giá trị hợp đồng ký mới giảm dẫn đến doanh thu dự phóng bị kéo xuống 10%, còn 15.200 tỷ đồng. Con số được VCSC đưa ra đã giảm 36% so cùng kỳ năm trước.
Do giả định hợp đồng ký mới thấp hơn ban đầu, VCSC cũng hạ 10% dự báo lợi nhuận trung bình ở Coteccons trong giai đoạn 2020-2024. Báo cáo cũng nêu rằng, bối cảnh cạnh tranh hiện tại sẽ “hạn chế khả năng gia tăng biên lợi nhuận của doanh nghiệp”. Trong ngắn hạn, VCSC không đánh giá cao khả năng của Coteccons dưới trướng Kusto - The8th trong việc gia tăng lượng backlog.
Cụ thể trong năm 2021, VCSC kỳ vọng doanh thu Coteccons sẽ đạt 12.000 tỷ đồng, dựa theo giả định giá trị hợp đồng ký mới đạt 15.000 tỷ đồng. Biên lợi nhuận gộp năm 2020 - 2021 dự báo chỉ ở mức 5,8%, thấp hơn mức cả 5,9% trong 9 tháng đầu năm nay.
Bất thường về chi phí thường xuyên
Dự phóng doanh thu sụt giảm được VCSC đưa ra sau khi Coteccons có một quý kinh doanh khá bết bát. Trong quý III/2020, Coteccons gây bất ngờ với con số 2.775 tỷ đồng doanh thu thuần. Mức doanh thu này gây bất ngờ trước hết vì đã giảm 25,5% so với quý trước và giảm tới 55,4% so với cùng kỳ năm trước. Nhưng điều gây bất ngờ hơn cả là khi đây là mức doanh thu thấp nhất kể từ quý II/2015 đến nay.
Doanh thu giảm kéo lợi nhuận sau thuế trong quý III/2020 về mức 88,6 tỷ đồng. Lãi ròng trong kỳ giảm 44% so với quý trước và giảm tới 46% so với cùng kỳ năm trước. Tương tự, đây cũng là mức lợi nhuận thấp nhất của Coteccons kể từ quý II/2015 đến nay.
Luỹ kế 9 tháng đầu năm 2020, doanh nghiệp này ghi nhận 10.300 tỷ đồng doanh thu (giảm 36,6%) và 369 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế (giảm 22,6%). So với kế hoạch kinh doanh cả năm, Coteccons hoàn thành được 64% chỉ tiêu về doanh thu và 61,5% chỉ tiêu về lợi nhuận.
VCSC chỉ ra điểm bất thường trong bộ ba chi phí thường xuyên của Coteccons trong báo cáo tài chính mới nhất. Cụ thể, tỷ lệ chi phí bán hàng, quản lý doanh nghiệp và hành chính trên doanh thu vẫn tăng từ 2,4% trong 6 tháng lên 3,7% trong quý III/2020. Mức này đến từ việc tăng 11% chi phí nhân công trong quý. Theo VCSC, đó là do quá trình tái cơ cấu.
Trong quý III/2020, Coteccons phải tăng 11% chi phí nhân công. Ảnh: CTD |
Tuy chi phí thường xuyên vẫn neo ngưỡng cao nhưng điểm cải thiện trong báo cáo tài chính gần đây nằm ở biên lợi nhuận gộp. Chỉ số này đạt 6,1% trong quý III/2020, tương ứng quý II và tăng từ mức 4,4% của năm trước.
Nguyên nhân chủ yếu giúp Coteccons cải thiện biên lợi nhuận gộp dù doanh thu giảm là nhờ việc tái cơ cấu hoạt động của tập đoàn. Theo đó, quá trình tái cơ cấu hoạt động của nhà thầu xây dựng này bao gồm giảm chi phí hành chính, giảm hao hụt tại các công trình xây dựng và gia tăng năng suất lao động giúp biên lãi gộp gia tăng.
Theo thông lệ, báo cáo tài chính quý III/2020 thường nằm trong hoạch định kinh doanh cả năm trước đó của mỗi doanh nghiệp, chưa thể phản ánh một cách đủ đầy sức ảnh hưởng của những biến cố vốn chỉ mới diễn ra cách đó chưa tròn một quý. Rất có thể phải sang năm sau, thị trường mới có cái nhìn rõ nét hơn về ảnh hưởng của những sự vụ vừa qua. Nhưng tâm lý e ngại của thị trường vẫn không thể thuyên giảm và phản ánh trực tiếp thông qua thị giá cổ phiếu. Mã CTD lập tức rơi mạnh về vùng 56.000 đồng/cổ phiếu ngay khi Coteccons công bố báo cái tài chính. Đến nay, thị giá cổ phiếu phục hồi nhưng chỉ ở mức 63.000 đồng/cổ phiếu, thấp hơn rất nhiều so với thời hoàng kim. Sau khi tiếp quản Coteccons, phía Kusto khẳng định sẽ tiếp tục phát triển mảng kinh doanh hiện tại. Nhóm cổ đông ngoại cũng đích thân đi nghiệm thu từng công trình. Trong lá thư gửi nhân viên gần đây, ông Bolat Duisenov, Chủ tịch Coteccons kiêm Giám đốc điều hành của Kusto Vietnam, nhấn mạnh, mục tiêu hiện tại của công ty là đảm bảo “Coteccons luôn là công ty xây dựng số 1 Việt Nam, xây dựng Coteccons không chỉ là thương hiệu Việt mà sẽ là thương hiệu được biết đến của khu vực”. |
Advertisement
Advertisement
Đọc tiếp