02/02/2021 06:51
Doanh thu 'bèo bọt', Việt Nam xếp cuối trong số 6 thị trường giao thức ăn nhanh lớn nhất Đông Nam Á
Với doanh thu khoảng 700 triệu USD trong năm 2020, Việt Nam xếp cuối trong nhóm 6 nước có thị trường giao thức ăn nhanh phát triển trong khu vực Đông Nam Á gồm: Thái Lan, Indonesia, Malaysia, Singapore và Philippines.
Theo một báo cáo của công ty đầu tư mạo hiểm Momentum Works, năm 2020, Indonesia là thị trường dịch vụ giao đồ ăn lớn nhất tại khu vực Đông Nam Á về tổng giá trị hàng hóa (GMV).
GMV của dịch vụ giao hàng ăn của Indonesia lên tới 3,7 tỷ USD, chiếm khoảng 31% tổng giá trị giao hàng đồ ăn của nhóm 6 nước Đông Nam Á gồm Thái Lan, Singapore, Malaysia, Philippines, Việt Nam và Indonesia.
Xếp thứ tự kế tiếp trên bảng xếp hạng là Thái Lan với 2,8 tỷ USD doanh thu, Singapore 2,4 tỷ USD, Philippines 1,2 tỷ USD, Malaysia 1,2 tỷ USD và cuối cùng là Việt Nam với 700 triệu USD.
Về các ứng dụng giao hàng, Grab chiếm thị phần cao nhất với 5,9 tỷ USD, kế đến là Foodpanda với 2,52 tỷ USD, Gojek 2 tỷ USD, Deliveroo 580 triệu USD, Lineman 560 triệu USD và cuối cùng là Now với 30 triệu USD.
Tại thị trường Việt Nam, Now chiếm 42% thị phần, kế đến là Grab 40%; Gojeck và Bae Min cùng chiếm 9%.
Năm 2020, GMV của cả khu vực đạt 11,9 tỷ USD, tăng 183% so với năm 2019 và cao hơn nhiều so với tỷ lệ tăng trưởng 91% trong năm 2018 và 2019.
Phát biểu họp báo trực tuyến hôm 28/1, Giám đốc điều hành của Momentum Works, ông Yorlin Ng cho biết: “Một trong những lý do cho sự tăng trưởng vượt bậc này là đại dịch COVID-19”.
Công ty ứng dụng đa dịch vụ Grab đóng góp gần một nửa GMW của cả khu vực với 5,9 tỷ USD, tiếp đến là các đối thủ cạnh tranh gồm Foodpanda, Gojek, Deliveroo, LineMan, và Now. Grab đã vượt thị phần dịch vụ giao đồ ăn của Gojek ở cả Indonesia và Đông Nam Á nói chung.
Báo cáo của Momentum Works được đưa ra trong bối cảnh nhiều người Indonesia đang phải đối mặt với các hạn chế đi lại chặt chẽ hơn, cũng như hạn chế công suất và thời gian hoạt động của các nhà hàng trong một nỗ lực nhằm ngăn chặn sự lây lan của COVID-19.
Theo Báo cáo hoạt động di chuyển của cộng đồng được Google công bố hôm 24/1, các hạn chế trên đã khiến số lượng khách tìm đến các địa điểm bán lẻ và giải trí tại Indonesia, trong đó có nhà hàng, giảm 32% so với mức thông thường trong giai đoạn từ tháng 1 đến tháng 2.
Theo thông cáo báo chí được Gojek công bố hôm 22/1, trong bối cảnh nhiều người tiêu dùng đặt mua đồ ăn tại nhà hơn, 750.000 doanh nghiệp nhỏ đã tham gia dịch vụ giao hàng GoFood vào năm ngoái, tăng 50% so với năm 2019.
Gia nhập thị trường vào năm 2015, GoFood đã ghi nhận mức tăng trưởng gấp 20 lần trong 4 năm qua. Nền tảng này hiện cung cấp hơn 20 triệu mặt hàng ăn và đồ uống.
Giám đốc dịch vụ giao đồ ăn của Gojek, bà Catherine Hindra Sutjahyo, cho biết: “Tất cả các nỗ lực của chúng tôi là nhằm giúp khách hàng thích ứng trong thời kỳ đại dịch, từ phát triển công nghệ và giáo dục người tiêu dùng về các giao thức y tế đến cung cấp thông tin minh bạch và truyền thông thông qua ứng dụng của Gojek”.
Nhà kinh tế Bhima Yudhistira thuộc Viện Phát triển Kinh tế và Tài chính (Indef) cho rằng thị trường dịch vụ giao đồ ăn có sự phát triển nhanh chóng do người tiêu dùng sợ mắc COVID-19 tại các nhà hàng. Hơn nữa, các nền tảng và doanh nghiệp cũng tung các chiến dịch giảm giá nhằm thu hút người tiêu dùng.
Ông Bhima nói thêm rằng nhiều người đã bắt đầu kinh doanh thực phẩm và đồ uống chỉ trên các nền tảng giao đồ ăn. Trong khi đó, nhiều người đang chuyển từ dịch vụ ăn uống tại nhà hàng sang giao hàng. Xu hướng này sẽ tiếp tục gia tăng trong năm nay.
Advertisement
Advertisement
Đọc tiếp