13/12/2019 10:50
Doanh số ôtô ở Trung Quốc lao dốc 17 tháng liên tiếp
Doanh số xe hơi ở Trung Quốc đang có nguy cơ sụt giảm 3 năm liên tiếp, khiến cho thị trường xe hơi toàn cầu có nguy cơ rơi vào bế tắc.
Hãng tin Bloomberg dẫn báo cáo ngày 12/12 từ Hiệp hội Các nhà sản xuất ôtô Trung Quốc (CAAM) dự báo doanh số thị trường ôtô nước này có thể giảm 2%, còn 25,3 triệu xe trong 2020. Cú giảm này sẽ diễn ra sau mức giảm 3% của năm 2018 - lần đầu tiên trong nhiều thập niên thị trường xe ở Trung Quốc có sự suy giảm doanh số - và mức giảm dự báo khoảng 8% cho năm 2019.
"Vẫn chưa có dấu hiệu nào của sự hồi phục cả", ông Luo Lei - Phó tổng thư ký CAAM - phát biểu tại một sự kiện của hiệp hội diễn ra ở Changsha, Trung Quốc.
Sự tụt dốc của thị trường xe Trung Quốc đồng nghĩa với triển vọng phục hồi của thị trường ôtô toàn cầu bị nghi ngờ, xét tới việc hai thị trường châu Âu và Mỹ cũng đang trong tình trạng "đuối". Ngành công nghiệp ôtô toàn cầu đang ngập trong khó khăn do căng thẳng thương mại và thuế quan khiến chi phí gia tăng, trong khi các dịch vụ gọi xe ngày càng phổ biến làm giảm nhu cầu sở hữu ôtô cá nhân
Trong một đại lý xe ở Thiên Tân, Trung Quốc - Ảnh: Reuters. |
Năm ngoái, doanh số ôtô tại Trung Quốc lần đầu tiên giảm kể từ năm 1990. Năm nay, thị trường xe Trung Quốc sụt giảm mạnh hơn và điều này nằm ngoài dự báo của CAAM. Cách đây một năm, tổ chức này dự báo thị trường sẽ gần như đi ngang trong năm 2019.
Trong tháng 11, doanh số bán xe ôtô năng lượng mới (NEV) giảm 43,7%, mức giảm tháng Mười là 45,6%. Doanh số bán NEV đã tăng gần 62% trong năm ngoái ngay cả khi thị trường ôtô nói chung đã teo lại.
NEV bao gồm xe sạc điện, xe điện chỉ dùng pin và những chiếc chạy bằng pin nhiên liệu hydro.
Trung Quốc là quốc gia rất ủng hộ NEV và đã thực hiện áp dụng các yêu cầu về hạn ngạch doanh số bán NEV đối với các nhà sản xuất ôtô. Tuy nhiên, năm nay chính quyền Trung Quốc đã cắt giảm trợ cấp và có kế hoạch loại bỏ khoản trợ cấp này sau năm 2020 trong bối cảnh nhiều người chỉ trích rằng một số công ty đã trở nên quá phụ thuộc vào các quỹ trợ cấp chính phủ, khiến NEV trở nên đắt đỏ hơn và làm giảm nhu cầu tiêu dùng loại phương tiện này.
Khủng hoảng doanh số bán ôtô kéo dài trong nhiều tháng qua đã khiến các nhà sản xuất ôtô hàng đầu thế giới từ Ford tới PSA đã phải cắt giảm kế hoạch sản xuất của họ tại Trung Quốc.
Geely, nhà sản xuất ôtô Trung Quốc nổi tiếng nhất trên toàn cầu, đã công bố mức tăng doanh số bán 1% hàng năm trong tháng 11, trong khi nhà sản xuất ôtô lớn nhất Trung Quốc SAIC Motor đã bị giảm doanh số 9,6% do hoạt động kém từ các liên doanh với General Motors.
Doanh số bán NEV tại cả BYD và BluePark, trong đó Daimler có cổ phần, đã giảm khoảng 63% vào tháng trước so với một năm trước.
Sau nhiều năm tăng trưởng liên tục, doanh số thị trường xe toàn cầu đã giảm trong năm ngoái và nhiều khả năng tiếp tục giảm trong năm nay, theo dự báo của công ty nghiên cứu thị trường LMC Automotive. Cũng theo dự báo của LMC, thị trường ôtô toàn cầu sẽ tăng trưởng chưa đầy 1% trong năm 2020, đạt 92,1 triệu xe.
Tốc độ giảm doanh số ôtô tại Trung Quốc đang dần chậm lại, nhưng thị trường được cho là khó sớm hồi phục bởi nền kinh tế giảm tốc là lý do khiến người tiêu dùng nước này thắt chặt chi tiêu.
Trong suốt nhiều thập niên, các hãng xe toàn cầu đã dựa vào thị trường Trung Quốc để tăng trưởng doanh số trong lúc thị trường xe tại các nước phát triển tăng trưởng chậm lại. Doanh số xe hàng năm tại Trung Quốc đã đạt ngưỡng 28 triệu xe hiện nay từ mức 1,58 triệu xe vào năm 1998.
Volkswagen, hãng xe có doanh số lớn nhất tại Trung Quốc, cùng các hãng đối thủ như Honda, Daimler và BMW những năm qua đã đầu tư mạnh vào quốc gia 1,4 tỷ dân này và cho tới nay vẫn đang hy vọng nhu cầu trê thị trường xe sẽ sớm khởi sắc.
So với các hãng xe Trung Quốc và Mỹ, các hãng xe Đức và Nhật chống chọi tốt hơn với sự suy giảm doanh số hiện nay trên thị trường ôtô Trung Quốc. Trong 11 tháng đầu năm nay, các hãng xe đến từ Đức và Nhật có thị phần tăng thêm tổng cộng 5,5 điểm phần trăm tại Trung Quốc.
Tuy nhiên, các thương hiệu xe Đức cũng phải điều chỉnh để thích nghi với một thị trường đang đi xuống. Hồi tháng 11, Daimler, hãng xe lớn thứ nhì của Đức sau Volkswagen, lên kế hoạch sa thải hơn 10.000 nhân viên trên toàn cầu để cắt giảm chi phí.
Audi, một công ty con là bộ phận đóng góp lợi nhuận nhiều nhất trong Volkswagen, đầu tháng này tuyên bố sẽ cắt giảm tới 9.500 nhân viên.
Chủ đề liên quan
Advertisement
Advertisement