14/10/2021 00:34
Doanh nhân Việt ở nước ngoài muốn làm cầu nối để hàng Việt xuất khẩu
Các doanh nhân người Việt ở nước ngoài được huy động làm cầu nối với các doanh nghiệp trong nước để xuất khẩu hàng hóa trong nước thuận lợi hơn.
Ý tưởng nêu lên trong buổi tọa đàm trực tuyến “Doanh nhân kiều bào với mạng lưới tiêu thụ hàng hóa Việt Nam ở nước ngoài” do Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài (Bộ Ngoại giao), Ủy ban về người Việt Nam ở nước ngoài TPHCM phối hợp với Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công thương), Hiệp hội doanh nhân tư nhân Việt Nam tổ chức nhân ngày Doanh nhân Việt Nam (13/10).
Sự kiện được rất nhiều doanh nhân, hiệp hội doanh nghiệp… trong và ngoài nước đồng tình.
Các doanh nhân là kiều bào tại nhiều quốc gia khác nhau đều đánh giá còn nhiều cơ hội cho hàng Việt gia tăng thị phần. Tuy nhiên, hạn chế lớn nhất là các sản phẩm từ Việt Nam chưa đáp ứng được các yêu cầu từ phía nhà nhập khẩu.
Dường như các vùng sản xuất trong nước rất thiếu thông tin thị trường nên đa phần là sản xuất theo thói quen, tập quán chứ chưa theo nhu cầu thị trường… Trên kệ hàng tại rất nhiều nước, hàng Thái Lan, Philippines… chiếm đa số, trong khi hàng có nguồn gốc từ Việt Nam khá hạn chế.
Để khắc phục những hạn chế này, ông Hoàng Xuân Bình, Chủ tịch Hội doanh nghiệp Việt Nam tại Ba Lan đề xuất, cộng đồng doanh nghiệp kiều bào nên thành lập các cơ sở giúp doanh nghiệp trong nước giám định sản phẩm, tư vấn hoàn thiện chất lượng sản phẩm đủ tiêu chuẩn xuất khẩu.
Ngoài ra, trong giai đoạn hiện nay, đại dịch COVID-19 khiến các mặt hàng xuất khẩu trong nước gặp nhiều khó khăn, nhiều đơn hàng bị hủy hoặc chuyển sang các nước khác. Ông Bình cho rằng, các hiệp hội doanh nghiệp trong nước nên lập danh sách các công ty xuất khẩu hằng năm để doanh nghiệp kiều bào có thể tham khảo và kết nối hợp tác.
Rất nhiều giải pháp từ giới doanh nhân kiều bào được gợi ý có thể hỗ trợ các doanh nghiệp trong nước. Chẳng hạn: "Kế hoạch thành lập Ngôi nhà thương mại Việt Nam tại Bỉ trong năm 2021" “Mạng lưới các Trung tâm Thương mại của Doanh nhân người Việt tại Đông Âu"; "Phát triển mạng lưới tiêu thụ hàng hóa Việt Nam tại Thái Lan"...
Ông Hoàng Mạnh Huê, Chủ tịch Liên hiệp các hội doanh nghiệp Việt Nam ở châu Âu cho biết, hiện có nhiều chuỗi cung ứng hàng hóa, các trung tâm thương mại tại nhiều quốc gia như: Trung tâm Văn hóa Thương mại và Khách sạn Hà Nội – Mátxcơva (Nga), Trung tâm thương mại Đồng Xuân (Đức), Chợ Praha (Séc)... do người Việt sở hữu.
Tuy nhiên, hàng Việt chưa tận dụng các kênh thương mại này để tiêu thụ và phân phối vào châu Âu. Nếu sự kết nối giữa doanh nghiệp kiều bào và doanh nghiệp trong nước được đẩy mạnh có thể tận dụng được lợi thế này.
Đồng quan điểm, Bà Nguyễn Thị Thanh, Chi hội trưởng Chi hội Doanh nhân quốc tế Việt Âu cho biết, chi hội đã thiết lập được mạng luới hơn 1.000 doanh nghiệp tham gia là nguồn hỗ trợ đắc lực các nhà sản xuất trong nước chuẩn hóa chất lượng hàng hóa và thúc đẩy kết nối với các đối tác châu Âu, nhất là khi lợi thế của Hiệp định Thương mại tự do Liên minh châu Âu (EU) – Việt Nam (EVFTA) cho doanh nghiệp hai bên.
Theo Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Quang Hiệu, Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài đánh giá đây là những chia sẻ quý báu, thể hiện tinh thần yêu nước, sẵn sàng kề vai sát cánh cùng Chính phủ đóng góp cho sự phát triển của quê hương, đặc biệt là trong công tác đẩy mạnh dịch vụ xuất khẩu hàng hóa Việt Nam ra nước ngoài, góp phần phát triển kinh tế đất nước trong thời gian tới.
Advertisement