05/10/2018 10:22
Doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam rộng cửa vào các chuỗi cung ứng toàn cầu như Walmart
Walmart cùng rất nhiều tập đoàn, công ty đa quốc gia đến từ Mỹ đang ráo riết tìm nguồn hàng từ Việt Nam thông qua các doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Người Mỹ đến Việt Nam tìm nguồn hàng
Ngân hàng thế giới chỉ rõ, ở Việt Nam tỷ lệ các doanh nghiệp FDI sử dụng nguyên liệu đầu vào tại chỗ khá thấp, thống kê năm 2015 cho thấy chỉ có khoảng 67,6% doanh nghiệp FDI sử dụng nguyên liệu đầu vào lấy từ Việt Nam, trong khi tỉ lệ này ở các nước xung quanh Việt Nam rất cao.
Doanh nghiệp vừa và nhỏ tại Việt Nam có nhiều cơ hội tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu. |
Chẳng hạn Trung Quốc từ năm 2012 đã là 97,2%, Malaysia năm 2015 là 99,9%, Thái Lan năm 2016 là 96,4%. Nguyên nhân chủ yếu do kết nối doanh nghiệp trong nước với doanh nghiệp nước ngoài thấp. Việc thiếu nhà cung cấp trong nước khiến các doanh nghiệp nước ngoài phải tìm kiếm nơi khác và liên kết với các công ty bên ngoài Việt Nam.
Ông Perer Albin, Giám đốc Đông Nam Á Walmart, đoàn bán lẻ hàng đầu thế giới của Mỹ chia sẻ, rất khó có thể tìm kiếm được các nhà cung ứng từ Việt Nam có thể đáp ứng được cả về chất lượng lẫn số lượng để Walmart có thể lấy nguồn hàng đưa vào chuỗi cung ứng toàn cầu của tập đoàn này.
Đây cũng là quan điểm của không ít tập đoàn, công ty đa quốc gia khi đầu tư tại Việt Nam. Theo Cơ quan phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID), chỉ có khoảng 21% doanh nghiệp vừa và nhỏ (DNVVN) của Việt Nam tham gia vào chuỗi cung ứng của doanh nghiệp nước ngoài (DNNN).
Ông Brian Mtonya, đại diện Ngân hàng thế giới cho hay, các DNVN tham gia được vào các chuỗi cung ứng của các doanh nghiệp FDI là hết sức hạn chế. Đặc biệt là đối với những lĩnh vực đòi hỏi công nghệ như sản xuất ô tô, thiết bị điện tử. Những công ty dẫn đầu ở lĩnh vực này như Samsung, Ford, Toyota có chuỗi giá trị toàn cầu, thường sử dụng cùng một nhóm nhà cung ứng toàn cầu ở mọi nơi. Nhưng hiện có rất ít các doanh nghiệp Việt tham gia được vào chuỗi của những doanh nghiệp này.
Các chuyên gia chỉ ra, các nhà sản xuát lớn này hoạt động tại Việt Nam vẫn chủ yếu là gia công, lắp ráp… tận dụng giá nhân công lao động rẻ. Nhưng ngày càng, ưu thế này mất dần so với những nước láng giềng như Campuchia, Lào… nên về lâu dài sẽ nảy sinh khá nhiều vấn đề bất lợi cho nền kinh tế.
Doanh nghiệp Mỹ tìm nguồn hàng
Ông Peter Albin cho biết, Walmart đang tìm nguồn hàng từ các doanh nghiệp Việt Nam, giai đoạn này ưu tiên cho những doanh nghiệp vừa và nhỏ có lãnh đạo là nữ. “Hiện có ít nhất 2 doanh nghiệp đã đáp ứng và tới đây sẽ có thêm một số doanh nghiệp nữa…”, Peter cho hay.
Ngày 4/10, tại TP.HCM, Hiệp hội thương mại Mỹ tại Việt Nam, chi hội TP.HCM (AmCham Việt Nam) lần thứ 5 liên tiếp tổ chức sự kiện ngày hội cung cấp thu hút doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài hoạt động trong lĩnh vực sản xuất và cung cấp nội địa Việt Nam.
Theo Ban tổ chức, năm nay AmCham phải thay đổi cách thức tiếp cận cho các nhà cung cấp và nhà sản xuất để mong có được nhiều nhà cung ứng trong nước gặp được các doanh nghiệp FDI hơn. Trong đó, USAID công bố phát triển hai dự án nhằm hỗ trợ giải quyết vấn đề này.
Dự án tạo thuận lợi thương mại sẽ được tổ chức này dành 22 triệu USD trong 5 năm, trọng tâm sẽ là hợp tác với khối doanh nghiệp tư nhân nhằm giải quyết các vấn đề gây ảnh hưởng đến lợi thế thương mại của Việt Nam, từ đó nâng cao năng suất lao động và khả năng cạnh tranh.
Dự án thứ hai USAID sẽ hỗ trợ các DNVVN tại Việt Nam kết nối với chuỗi cung ứng toàn cầu (LinkSME), hướng đến chuyển giao công nghệ và kiến thức, nhằm tăng năng suất lao động. LinkSME ngay lập tức bắt tay vào việc thu thập các DNVVN của Việt Nam muốn tham gia vào sự án của mình. Trên cơ sở để các doanh nghiệp chủ động đăng ký và dự án sẽ thực hiện các khâu đánh giá, xem xét và sàng lọc để chọn đối tác.
Theo ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng Ban pháp chế Phòng Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, trong kết quả điều tra về Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh đã chỉ ra, những doanh nghiệp trong nước có hợp tác hay tham gia cung ứng sản phẩm, dịch vụ với doanh nghiệp FDI có chất lượng quản trị về chất lượng và vận hành tốt hơn.
Nguyên nhân hàng đầu khiến các doanh nghiệp vừa và nhỏ tại Việt Nam khó tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu chính là khó tiếp cận tài chính, tỷ lệ này ở Việt Nam lên đến 21,8% cao hơn rất nhiều so với mức 11,5% tại khu vực Đông Á – Thái Bình Dương.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia, những khó khăn này thì không chỉ ở Việt Nam mà rất nhiều quốc gia khác cũng gặp phải, và không phải không có cách để tháo gỡ.
Chẳng hạn, với khó khăn về khả năng tiếp cận tài chính khi DNVVN không có tài sản để thế chấp thì cần tới vai trò của Chính phủ để tạo ra các công cụ đánh giá, phân tích nhanh những rủi ro từ hồ sơ vay vốn. Đồng thời sẽ có những gói vay cho DNVVN không có tại sản đảm bảo, hay khi DNVVN của Việt Nam tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu sẽ được tiếp cận những gói tài chính…
Advertisement
Advertisement