Advertisement

Nhận bản tin

Liên hệ quảng cáo

Email: banbientap@baocungcau.net

Hotline: 0917 267 237

icon logo

Quên mật khẩu?

Có tài khoản? Đăng nhập

Vui lòng nhập mật truy cập tài khoản mới khẩu

Thay đổi email khác
icon

Doanh nghiệp Việt làm gì khi 'chơi với người khổng lồ EU'?

Tài chính

06/08/2020 16:30

Chủ tịch VCCI nói rằng chơi với “người khổng lồ” sẽ có nhiều cơ hội, phát triển bền vững là giấy thông hành cho doanh nghiệp vào thị trường EU. Thước đo của việc thực hiện EVFTA là số lượng các doanh nghiệp vừa và nhỏ hai bên làm ăn, buôn bán được với nhau.

Doanh nghiệp kiến nghị cách thực thi EVFTA hiệu quả

Tại Hội nghị trực tuyến “Triển khai kế hoạch thực thi EVFTA” hôm nay, 6/8, nhiều doanh nghiệp, hiệp hội cùng kiến nghị một loạt giải pháp với Chính phủ và các Bộ ngành, để thực hiện hiệu quả Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA).

Tổng Giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam Lê Tiến Trường cho rằng EVFTA là cơ hội lớn để dệt may Việt Nam vươn lên, chiếm thị phần tương xứng. Với sân chơi EVFTA, kế hoạch 5 năm tới của dệt may phải tăng thêm 10 tỷ USD, đạt kim ngạch xuất khẩu 15-20 tỷ USD, tăng gấp 3-4 lần con số 5,5 tỷ USD hiện nay.

EVFTA khiến doanh nghiệp Việt và EU tiếp cận thuận lợi thị trường của nhau. Ảnh: Thanh Niên.
EVFTA khiến doanh nghiệp Việt và EU tiếp cận thuận lợi thị trường của nhau. Ảnh: Thanh Niên.

Tổng giám đốc Tập đoàn dệt may cũng cho rằng cái khó hiện nay là trong 8.500 doanh nghiệp dệt may cả nước có đến 85% quy mô vốn dưới 50 tỷ đồng, có 15% trên 50 tỷ đồng và quy mô vốn trên 500 tỷ đồng thì chỉ có 3%. Nếu đầu tư cho sản xuất nguyên liệu thì quy mô vốn 500 tỷ đồng là chưa đủ. 

Ông Trường kiến nghị cần có chính sách thu hút vốn đầu tư FDI, song song đó là phải có các khu công nghiệp được quy hoạch để sản xuất nguyên liệu, công nghiệp phụ trợ cho dệt may để hỗ trợ ngành.

Phát triển vùng nguyên liệu cũng là kiến nghị được Chủ tịch Tập đoàn BRG - bà Nguyễn Thị Nga,  mong muốn Chính phủ hỗ trợ doanh nghiệp. Ngoài ra sẽ hướng dẫn cho doanh nghiệp về nội dung, ưu điểm, điều kiện để hàng hóa có thể vào thị trường EU.

Bà Nga cho biết hiện doanh nghiệp mình đã chủ động tăng tỉ lệ nội địa hóa, để đáp ứng yêu cầu của EVFTA, thay đổi mẫu mã sản phẩm phù hợp với thị trường EU, cũng như nỗ lực hơn để tăng gấp 2 lần kim ngạch xuất khẩu vào EU, từ mức 20 triệu USD hiện nay lên 40 triệu USD vào năm 2021.

Trong khi đó, Phó Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) - ông Nguyễn Hoài Nam, thông tin hiện doanh số xuất khẩu thủy sản vào EU là 1,3 tỷ USD, tăng gấp 10 lần so với năm 1999. Việt Nam đứng thứ 4 trong số quốc gia xuất khẩu thủy sản vào châu Âu. Ông kỳ vọng với EVFTA,  doanh nghiệp Việt có nhiều cơ hội hơn tại thị trường tiềm năng này.

Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc cho rằng muốn chuẩn bị tốt cho EVFTA hay CPTPP, buộc phải “gia cố chiếc kiềng 3 chân trong bếp lửa của mình, là thể chế, cơ sở hạ tầng và nguồn nhân lực”. 

Theo ông Lộc, đây là các yếu tố hướng đến phát triển bền vững, giấy thông hành cho doanh nghiệp vào thị trường EU, chơi với những “người khổng lồ”.

Chủ tịch VCCI nói thêm thước đo của việc thực hiện EVFTA là số lượng doanh nghiệp vừa và nhỏ hai bên làm ăn, buôn bán với nhau. Tuyến cao tốc EVFTA mở ra giữa Việt Nam và EU, không chỉ cho xe siêu trường, siêu trọng mà còn cho cả các xe tải nhỏ của các hộ kinh doanh, doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Xe tải hay xe khách, đại bàng hay chim sẻ sẽ cùng đi và cùng bay trên ‘cao tốc EVFTA'

Kết luận tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhận định Việt Nam hiện có đến 13 FTA đang thực thi, trong đó có 2 hiệp định với nội dung rất mới là CPTPP và EVFTA. Ông cho rằng 2 hiệp định sẽ mở ra nhiều cơ hội lớn cho Việt Nam và các đối tác có liên quan. 

Thủ tướng: Dù xe tải hay xe khách, đại bàng hay chim sẻ sẽ cùng đi, cùng bay trên
Thủ tướng: Dù xe tải hay xe khách, đại bàng hay chim sẻ sẽ cùng đi, cùng bay trên "cao tốc EVFTA". Ảnh: VGP.

Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương cần chủ động và tích cực hành động hơn nữa trong việc triển khai kế hoạch thực thi EVFTA. Ông nói rõ "chủ trương 1, biện pháp thực hiện phải 10", đặc biệt cần phải thường xuyên rà soát, đánh giá kết quả thực hiện, rút kinh nghiệm để làm tốt hơn.

Bộ Công Thương phải là cơ quan đầu mối, điều phối các nỗ lực thực thi EVFTA, tránh dàn trải, phân tán nguồn lực, bảo đảm sự thống nhất trong quá trình áp dụng và triển khai hiệu quả các cam kết.

Người đứng đầu Chính phủ yêu cầu tiếp tục cải cách thể chế tốt hơn nữa để phục vụ cho sự phát triển bền vững của đất nước cũng như phát triển quan hệ bền vững Việt Nam-EU, nhất là thực thi tốt hiệp định EVFTA.

Nhấn mạnh vai trò của các hiệp hội, Thủ tướng cho rằng đây là chủ thể góp phần quyết định tạo nên thành công của việc thực thi EVFTA. Theo đó, các doanh nghiệp phải đoàn kết, học hỏi, liên kết chuỗi vì “muốn đi nhanh thì đi một mình, muốn đi xa phải đi cùng nhau”.

Thủ tướng lưu ý vai trò kiến tạo phát triển hạ tầng, đào tạo nguồn nhân lực, tạo khung khổ pháp lý thuận lợi, những định hướng, khuyến khích doanh nghiệp nỗ lực sáng tạo, hành động.

Thủ tướng một lần nữa khẳng định EVFTA khiến người dân hai bên dễ dàng hợp tác, giao lưu, các doanh nghiệp của hai bên có thể tiếp cận thuận lợi thị trường của nhau. 

“Dù xe tải hay xe khách, đại bàng hay chim sẻ sẽ cùng đi, cùng bay trên cao tốc ấy”, Thủ tướng nhấn mạnh.

KHOA MINH
iconChia sẻ icon Chia sẻ
icon Chia sẻ

Advertisement