Advertisement

icon icon img
Nhận bản tin

Liên hệ quảng cáo

Email: banbientap@baocungcau.net

Hotline: 0917 267 237

icon logo

Quên mật khẩu?

Có tài khoản? Đăng nhập

Vui lòng nhập mật truy cập tài khoản mới khẩu

Thay đổi email khác
icon

Doanh nghiệp vận tải sức cùng, lực kiệt

Chính sách - Hạ tầng

08/09/2021 14:39

Các doanh nghiệp vận tải lại nhận thêm đòn giáng chí mạng bởi đợt dịch lần 4, nhiều địa phương giãn cách kéo dài, dừng hoạt động vận tải khách.

Nhiều doanh nghiệp “sức cùng lực kiệt”, đối diện nguy cơ phá sản bởi không có nguồn thu trong khi vẫn phải gồng gánh các khoản thuế, phí, nợ ngân hàng, lo đời sống cho tài xế, nhân viên.

Doanh nghiệp vận tải “thoi thóp”

Những ngày qua, ông Hồ Thanh Tuấn, Chủ tịch HĐQT Công ty Xe khách Tuấn Nga (Kiên Giang) thẫn thờ nhìn những chiếc xe đắp mền nằm im mấy tháng nay.

cdn-baogiaothong-vn_img-bgt-2021-2-1631020758-width1280height816(1).jpg
Đợt dịch lần thứ 4 bùng phát khiến nhiều doanh nghiệp vận tải hành khách kiệt sức, khó gượng dậy, thậm chí đối diện nguy cơ phá sản (Trong ảnh: Ô tô khách “nằm bất động” trong bến xe Giáp Bát). Ảnh: Tạ Hải

Ông Tuấn cho biết, ông đã đầu tư 19 xe giường nằm loại 41 giường, 9 xe giường nằm VIP loại 20 buồng riêng (mỗi xe gần 4 tỷ đồng) và hàng chục xe khác để chở khách du lịch.

“Hơn 70% tiền mua xe là vay ngân hàng, mỗi tháng công ty trả cả gốc và lãi đến 540 triệu đồng mà nguồn thu không có. Giờ bán xe cũng chẳng ai mua vì họ mua cũng không biết làm gì”, ông Tuấn buồn rầu.

Cùng chung cảnh ngộ, ông Nguyễn Hữu Lợi, Giám đốc Công ty Xe khách An Anh (Ninh Thuận) cũng cho biết, doanh nghiệp có 15 xe giường nằm chuyên chạy tuyến Ninh Thuận - Bến xe Miền Đông đang nằm bãi.

“Tôi mới mua 7 chiếc giữa năm 2020, mỗi tháng đóng hơn 400 triệu đồng tiền lãi, giờ không biết xoay cách nào”, ông Lợi than thở.

Công ty CP Vận tải Thọ Lam (Hà Tĩnh) có hơn 70 xe khách giường nằm chuyên chạy Hà Tĩnh đi các tỉnh, TP.HCM, Vũng Tàu, Đắk Lắk, Hà Nội và xe buýt chạy nội tỉnh, liên tỉnh.

Cả tháng nay, số xe này phải nằm bãi vì nhiều tỉnh, thành đang thực hiện Chỉ thị 16.

Ông Lê Đức Thọ, Giám đốc công ty cho hay, mặc dù xe không hoạt động nhưng doanh nghiệp vẫn phải “thắt lưng buộc bụng” để trả lãi ngân hàng, chi phí bảo dưỡng xe, hỗ trợ lao động.

“Dịch gây ra nhiều hệ lụy xấu cho doanh nghiệp nhưng cũng chưa nhận được sự hỗ trợ nào”, ông Thọ nói.

Là doanh nghiệp có hơn 40 đầu xe khách và xe du lịch, ông Lê Đình Dũng - một cổ đông của Công ty Xuân Long (tỉnh Điện Biên) cho biết: “Hiện nay, hầu hết các doanh nghiệp vận tải khách và hợp đồng du lịch ở Điện Biên đã kiệt quệ, trên bờ vực phá sản và không lối thoát. Nhiều người chỉ còn biết cầm cố tài sản để lấy tiền trả lãi ngân hàng”.

Đối với vận tải taxi, ông Nguyễn Công Hùng, Giám đốc taxi Mai Linh vùng I cho hay, hầu hết các doanh nghiệp taxi ở các tỉnh có giãn cách xã hội đã dừng hoạt động.

Doanh nghiệp không có nguồn thu trả lương người lao động, đóng bảo hiểm, trả nợ gốc, lãi ngân hàng, muốn bán xe để trả nợ cũng không bán được.

“Mặc dù vậy, ngân hàng vẫn yêu cầu trả nợ gốc, lãi. Các loại lệ phí, bảo hiểm xã hội cho người lao động, doanh nghiệp vẫn phải chi trả”, ông Hùng cho hay.

Ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô VN cho biết, hiện nay, hàng loạt doanh nghiệp trong lĩnh vực vận tải ô tô đang sống “thoi thóp” và đứng trước nguy cơ phá sản.

“Hiệp hội đã nhiều lần kiến nghị các giải pháp hỗ trợ như giảm lãi suất, giảm, giãn nợ nhưng đến nay nhiều doanh nghiệp chưa được hưởng. Các chính sách hỗ trợ khác, doanh nghiệp cũng khó tiếp cận”, ông Quyền nói.

Cần được “tiếp sức” kịp thời

Khi được hỏi về các chính sách mà ngân hàng vừa công bố về việc giảm lãi suất cho doanh nghiệp, ông Hồ Thanh Tuấn cho biết: “Tôi vay mấy năm nay, lãi suất 1,5%/tháng, vừa rồi mấy tháng dịch họ nói giảm cho 0,5%, tính ra đâu giảm được bao nhiêu tiền?”, ông Tuấn nói.

Ông Nguyễn Hữu Lợi cũng cho hay, khi mua xe cũng vay tiền ở nhiều ngân hàng nhưng đến nay chưa thấy ngân hàng có chính sách gì hỗ trợ. Một số ngân hàng đưa ra chính sách là những xe mua trước thời điểm 10/6/2020 sẽ được ân hạn gốc, nhưng vẫn phải trả lãi hàng tháng. Còn những xe mua sau thời điểm 10/6/2020, doanh nghiệp phải đóng đủ cả gốc và lãi, không thiếu một xu.

Cũng nói về các chính sách giảm lãi suất của ngân hàng, ông Lâm Đại Vinh, Giám đốc Công ty TNHH Vận tải Lâm Vinh cho biết, chỉ mới nghe giảm “trên tivi”:

“Các khoản vay mới nghe đâu được giảm nhưng khoản vay cũ vẫn trả lãi bình thường và các điều kiện để giảm lãi suất rất nhiêu khê. Công ty tôi vay nhiều ngân hàng nhưng chưa thấy ngân hàng nào giảm lãi suất cho doanh nghiệp cả”.

Ông Nguyễn Công Hùng, Giám đốc taxi Mai Linh vùng I, Chủ tịch Hiệp hội Taxi Hà Nội cho hay, dừng hoạt động nên doanh nghiệp không có nguồn thu để trả nợ nhưng các ngân hàng lại không thể cơ cấu nợ, tiếp tục cho vay vì vướng quy định tại các Thông tư 03 của Ngân hàng Nhà nước.

Theo ông Hùng, Thông tư 03 được ban hành vào tháng 4/2021, tại thời điểm đó, Ngân hàng Nhà nước chưa lường được đợt dịch lần thứ 4 nghiêm trọng như hiện nay.

Thông tư quy định thời gian cơ cấu lại thời hạn trả nợ không vượt quá 12 tháng là không thực tế, với quy định này nhiều doanh nghiệp không thể cơ cấu lại được các khoản nợ.

“Để hỗ trợ kịp thời doanh nghiệp cần sửa quy định này theo hướng thời gian cơ cấu lại trong trường hợp kéo dài thêm một khoảng thời gian trả nợ không vượt quá 36 tháng kể từ ngày cuối cùng của thời hạn cho vay”, ông Hùng đề xuất.

Cũng theo ông Hùng, quy định cơ cấu lại thời hạn trả nợ chỉ được thực hiện đến 31/12/2021 trong Thông thư chưa phù hợp. Trước tình hình dịch bệnh hiện nay, doanh nghiệp không thể trả nợ trước 31/12/2021 như quy định.

Do doanh nghiệp vừa trải qua gần 2 năm đầy khó khăn do dịch bệnh, doanh thu giảm 80%, không thể có ngay dòng tiền một lúc để trả nợ cho toàn bộ khoản vay được cơ cấu.

Quy định như vậy gây vướng cho doanh nghiệp và tổ chức tín dụng muốn cứu doanh nghiệp cũng không có đủ cơ sở.

Ngoài ra, việc chỉ cơ cấu các khoản nợ phát sinh trước ngày 10/6/2020 theo Thông tư 03 cũng không còn phù hợp. Việc không thực hiện cơ cấu được sẽ khiến các khoản nợ giải ngân từ ngày 10/6/2020 sẽ bị chuyển nợ xấu và ảnh hưởng đến hoạt động của tổ chức tín dụng.

Để gỡ khó cho doanh nghiệp, Ngân hàng Nhà nước cho phép các khoản nợ phát sinh trước ngày 1/5/2021 cũng được cơ cấu nợ.

Trong diễn biến mới nhất, ngày 7/9, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Thông tư 14/2021 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 01/2020 (thực chất là Thông tư 03, vì Thông tư 03 là Thông tư sửa đổi Thông tư 01/2020) về việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.

Theo đó, các khoản nợ được cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí gồm cả khoản nợ phát sinh từ 10/6/2020 đến trước 1/8/2021, thay vì chỉ bao gồm các khoản nợ phát sinh đến trước 10/6/2020 như quy định cũ.

Thông tư mới cũng sửa kéo dài thời gian cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí đến ngày 30/6/2022, thay vì đến 21/12/2021 như quy định cũ. Thông tư có hiệu lực ngay từ 7/9.

Như vậy, về cơ bản, Ngân hàng Nhà nước giữ nguyên những nội dung đề xuất tại dự thảo Thông tư được công bố trước đó.

Trước đó, khi soạn thảo, Ngân hàng Nhà nước lý giải, mốc 1/8/2021 và 30/6/2022 là dựa trên kế hoạch của Chính phủ về chiến dịch tiêm chủng quốc gia (phấn đấu đạt 70 - 75% người dân được tiêm vào cuối năm 2021, đầu năm 2022) và Nghị quyết của Chính phủ về các giải pháp cấp bách phòng, chống dịch bệnh Covid-19 ngày 6/8/2021.

Ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam cho biết, những nội dung trên mặc dù chưa tháo gỡ trọn vẹn được khó khăn, vướng mắc của các ngân hàng, nhưng cũng đã tháo gỡ được một số khó khăn mấu chốt, tạo điều kiện cho các ngân hàng hỗ trợ cho khách hàng tốt hơn.

Đại diện Ngân hàng TMCP Đông Nam Á (SeABank) cho biết, từ đầu tháng 8 SeABank đã giảm lãi suất cho vay tối đa 1%/năm so với mức lãi suất cho vay đang áp dụng dành cho các khoản vay cũ còn dư nợ của khách hàng hiện hữu.

“Đây là chính sách áp dụng cho các doanh nghiệp nói chung nhưng trong đó chúng tôi cũng tập trung vào một số ngành như vận tải, kho bãi...”, đại diện này nói và cho biết, SeaBank cũng đang thực hiện các gói vay ưu đãi khác áp dụng chung cho các doanh nghiệp khó khăn, bao gồm cả các doanh nghiệp vận tải.

Về quy trình và thủ tục vay vốn, vị này cho biết, với những doanh nghiệp có tài chính lành mạnh thì thời gian xét duyệt và giải ngân “siêu tốc”. Với những trường hợp thuộc diện tài chính không lành mạnh, không rõ ràng hoặc có tiền sử nợ xấu thì sẽ khó khăn hơn.

Trong khi đó, tại Ngân hàng TMCP Quân đội (MB), ông Phạm Như Ánh, Thành viên Ban điều hành MB cho biết, trước tác động của dịch bệnh Covid-19, ngày từ tháng 8, MB giảm từ 0,5 - 1,5% lãi suất vay vốn cho khách hàng và áp dụng đến hết năm nay.

Cùng với việc giảm lãi suất cho các khoản vay hiện hành, MB cũng xây dựng các gói lãi suất cũng như các sản phẩm cho vay mới và với lãi suất thấp hơn 0,5 - 1,5% so với biểu lãi suất thông thường trước đây.

Để gỡ khó cho các doanh nghiệp vận tải, Bộ GTVT đã kiến nghị Chính phủ chỉ đạo tiếp tục có thêm những giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp vận tải như giảm thuế giá trị gia tăng về 0%, giảm 50% thuế thu nhập doanh nghiệp cho các ngành nghề bị thiệt hại nghiêm trọng bởi dịch Covid-19...

Lãnh đạo Vụ Tài chính (Bộ GTVT) cho biết, trên cơ sở kiến nghị của Bộ GTVT, Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Tài chính ban hành Thông tư 47/2021 giảm các khoản phí, lệ phí như: Giảm 50% mức phí thẩm định dự án đầu tư xây dựng; giảm 30% mức thu phí sử dụng đường bộ đối với xe kinh doanh vận tải hành khách. Thời gian áp dụng kể từ ngày 1/7/2021 đến hết ngày 31/12/2021.

“Sau khi Bộ Tài chính ban hành Thông tư 47, Bộ GTVT tiếp tục yêu cầu các đơn vị rà soát các loại phí, lệ phí, giá dịch vụ để trình cấp có thẩm quyền hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho đối tượng chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19”, lãnh đạo Vụ Tài chính cho hay.

Nhóm PV
iconChia sẻ icon Chia sẻ
icon Chia sẻ

Advertisement