Advertisement

icon icon img
Nhận bản tin

Liên hệ quảng cáo

Email: banbientap@baocungcau.net

Hotline: 0917 267 237

icon logo

Quên mật khẩu?

Có tài khoản? Đăng nhập

Vui lòng nhập mật truy cập tài khoản mới khẩu

Thay đổi email khác
icon

Doanh nghiệp tính phương án ngưng xuất khẩu cá tra vào Mỹ khi bị áp thuế 3,87 USD/kg

Thị trường 24h

21/03/2018 08:21

Nhiều doanh nghiệp đang tính dừng hoạt động xuất khẩu sang Mỹ và sẽ tập trung khai thác những thị trường thuận lợi hơn như EU, Trung Quốc…

Vô lý

Bộ Thương mại Mỹ (DOC) vừa công bố kết quả cuối cùng của đợt xem xét hành chính lần thứ 13 (POR13) thuế chống bán phá giá đối với sản phẩm cá tra phi lê đông lạnh nhập khẩu từ Việt Nam, áp dụng cho các lô hàng xuất khẩu trong giai đoạn từ 1/8/2015 đến ngày 31/7/2016.

Với mức thuế chống bán phá giá cao ngất ngưởng, các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu cá tra cho rằng, con đường vào Mỹ của cá tra Việt đang ngày càng khó khăn hơn. 

Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), trong POR13, DOC lựa chọn Công ty Cổ phần Gò Đàng (Godaco) để xem xét hồ sơ và quyết định mức thuế 3,87 USD/kg được áp dụng cho công ty này. Do chỉ có một công ty được chọn để xem xét hồ sơ, nên DOC cũng áp dụng mức thuế này cho các doanh nghiệp còn lại. 

So với mức 0,69 USD/kg trong POR12, mức thuế này đã tăng 5,61 lần. Đây là mức thuế cao nhất từ trước đến nay và cao hơn cả mức thuế toàn quốc 2,39 USD/kg mà DOC áp dụng cho các công ty không được hưởng thuế suất riêng rẽ trong vụ kiện chống bán phá giá cá tra của Việt Nam. 

VASEP cho rằng, việc áp thuế 3,87 USD/kg với cá tra Việt Nam mang tính áp đặt và vô lý đối với các doanh nghiệp.
VASEP cho rằng, việc áp thuế 3,87 USD/kg với cá tra Việt Nam mang tính áp đặt và vô lý đối với các doanh nghiệp.

Ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký VASEP cho rằng, kết quả cuối cùng của đợt xem xét hành chính lần thứ 13 thể hiện sự không công bằng, trái với các quy định về luật chống bán phá giá thông thường. Đồng thời mang tính áp đặt và vô lý đối với các doanh nghiệp Việt Nam. Đây là một việc chưa có tiền lệ, thể hiện sự áp đặt chủ quan thiếu cơ sở của DOC trong quá trình xem xét.

Trải qua 13 kỳ xem xét hành chính trong vụ kiện chống bán phá giá thì đây là lần đầu tiên DOC yêu cầu Công ty Godaco thực hiện việc thay đổi cách kê khai hồ sơ có nhiều khác biệt so với các kỳ trước. 

Ông Nguyễn Văn Đạo, Tổng giám đốc Công ty Godaco cho biết, công ty đã cung cấp đầy đủ dữ liệu liên quan đến các yếu tố sản xuất, số liệu bán hàng và trả lời đúng hạn các câu hỏi của phía Mỹ.

Nếu họ căn cứ vào hồ sơ và số liệu do công ty cung cấp để làm cơ sở tính mức thuế phá giá như những lần xem xét trước đây thì Godaco sẽ được hưởng một mức thuế suất không đáng kể. Thế nhưng, DOC đã không xem xét một cách đầy đủ dẫn đến việc áp dụng các yếu tố bất lợi có sẵn khiến cho mức thuế tính cho công ty tăng cao một cách vô lý. 

DOC cũng đã có những điều chỉnh thiếu cơ sở pháp lý khi áp dụng mức thuế suất được tính theo các yếu tố bất lợi có sẵn trở thành mức thuế trung bình cho các công ty có mức thuế suất riêng rẽ không được xem xét hồ sơ, bỏ qua các quy định thông thường khi đưa ra quyết định trong kết quả cuối cùng. 

Hiệp hội VASEP và các doanh nghiệp phản đối quyết định thiếu công bằng này của DOC và đang xem xét tiến hành các thủ tục pháp lý cần thiết để khiếu kiện lên Tòa án thương mại quốc tế Mỹ (CIT) trong thời gian sớm nhất để bảo đảm quyền lợi cho các doanh nghiệp Việt Nam.

“Chúng tôi yêu cầu DOC phải xem xét một cách kỹ lưỡng các hồ sơ, dữ liệu đầy đủ mà doanh nghiệp Việt Nam đã cung cấp để làm cơ sở tính toán và đưa ra mức thuế chính xác và hợp lý cho các công ty tham gia đợt xem xét hành chính lần thứ 13 này”, ông Trương Đình Hòe cho biết.

Đại diện Bộ Công thương cũng cho rằng, mức thuế mà Mỹ đưa ra là không khách quan, mang tính bảo hộ quá mức. Bộ Công thương đề nghị phía Mỹ xem xét, điều chỉnh lại cách xác định mức thuế đối với các công ty liên quan của Việt Nam trên nguyên tắc khách quan, tuân thủ quy định của WTO và công bằng cho tất cả các bên liên quan.

Bộ Công thương sẽ tiếp tục phối hợp với các bộ ngành liên quan, VASEP và các doanh nghiệp xuất khẩu cá tra của Việt Nam, thảo luận tất cả các phương án xử lý để đảm bảo quyền lợi chính đáng cho các doanh nghiệp Việt Nam.

Tìm thị trường khác

Theo VASEP và các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu cá tra, việc DOC áp dụng mức thuế cao vô lý khiến các doanh nghiệp có ít cơ hội xuất khẩu cá tra phi lê vào Mỹ trong thời gian tới, vì không thể đáp ứng số tiền ký quỹ quá cao theo mức thuế này. 

Ông Nguyễn Văn Kịch, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Thủy sản Cafatex cho rằng, với mức thuế 3,87 USD/kg như phía DOC vừa công bố thì các công ty của Việt Nam phải bán với giá rất cao, khoảng 7,8-8 USD/kg mới đảm bảo lợi nhuận.

Tuy nhiên, với mức giá này chắc chắn người Mỹ sẽ không mua, bởi các loại cá nội địa của Mỹ hiện chỉ có giá hơn 4 USD/kg. Do vậy, nhiều doanh nghiệp buộc phải tạm dừng xuất khẩu sang Mỹ và tìm đường xuất sang các thị trường khác tiềm năng hơn. 

Thực tế ở các doanh nghiệp cá tra cũng đang diễn ra theo xu hướng này. Theo ông Nguyễn Văn Đạo, Tổng giám đốc Công ty Godaco, doanh nghiệp này đang tính toán phương án dừng hoạt động xuất khẩu sang Mỹ, thay vào đó sẽ tập trung khai thác những thị trường thuận lợi hơn như EU, Trung Quốc… 

Trong những năm gần đây, Mỹ luôn áp thuế chống bán phá giá khá cao đối với mặt hàng cá tra nhập khẩu từ Việt Nam để bảo vệ ngành công nghiệp cá nheo trong nước. Một số doanh nghiệp Việt Nam chỉ thử xuất khẩu vài lô hàng vào Mỹ để thăm dò thị trường, thăm dò mức thuế nhưng với kết quả này, gần như các doanh nghiệp đều bỏ ý định phát triển kinh doanh ở thị trường này. 

Các doanh nghiệp sẽ bỏ thị trường Mỹ để chuyển qua các nước khác.
Các doanh nghiệp sẽ bỏ thị trường Mỹ để chuyển qua các nước khác.

Ông Hà Văn Tính, Giám đốc Công ty TNHH Đại Thành, một trong những doanh nghiệp chịu mức thuế khá cao trong POR13 lần này cũng cho biết, với mức thuế chống bán phá giá quá cao như hiện nay, công ty này không có ý định xuất khẩu sang Mỹ.

Ngay cả DOC có áp dụng mức thuế chống bán phá giá khoảng 1 USD/kg thì doanh nghiệp xuất khẩu sang Mỹ cũng chịu thua lỗ chứ huống gì với mức giá cao ngất ngưởng như vừa công bố. 

Theo ông Tính, các thị trường xuất khẩu khác của cá tra Việt Nam như EU, Nhật Bản… hiện cũng có giá bán tốt chứ không chỉ riêng ở thị trường Mỹ mới có giá cao. Trong khi đó, tình hình nguyên liệu cá tra trong nước lại đang khan hiếm, chi phí sản xuất tăng.

Với tình hình này, sản phẩm chỉ đủ đáp ứng nhu cầu ở những thị trường xuất khẩu truyền thống của doanh nghiệp mà không cần vất vả ở thị trường Mỹ. 

Thực tế cho thấy, với những rào cản từ thuế chống bán phá giá và Chương trình thanh tra cá da trơn từ phía Mỹ đã khiến xuất khẩu cá tra sụt giảm liên tục ở thị trường này. Hiện tại, Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn thứ hai của cá tra Việt Nam. Tuy nhiên trong năm 2017, kim ngạch xuất khẩu cá tra sang Mỹ đã sụt giảm 11% so với năm trước đó.

Ông Bùi Huy Sơn, Tham tán Công sứ Thương mại, Trưởng Cơ quan Thương vụ Việt Nam tại Hoa Kỳ cho rằng, mức thuế này của Hoa Kỳ cao một cách bất thường.

“Tôi chưa bàn về việc nó không công bằng, không có cơ sở, không đúng đắn, nhưng với mức thuế cao như vậy nếu áp dụng sẽ ảnh hưởng trực tiếp, nặng nề đối với việc xuất khẩu cá tra philê đông lạnh của Việt Nam”, ông Sơn nói.

Ông Sơn cho biết thêm, trong thời gian tới Hoa Kỳ dự kiến tiếp tục áp dụng các quy định mới, trong đó có các quy định về Luật Hiện đại hóa an toàn thực phẩm. Theo đó, Mỹ sẽ yêu cầu các sản phẩm xuất khẩu vào Hoa Kỳ cung cấp rất nhiều thông tin từ địa bàn đánh bắt, phương tiện đánh bắt cho đến quá trình đánh bắt, bảo quản, vận chuyển, xử lý và phân phối sản phẩm, trong đó có thủy sản Việt Nam.

Để đáp ứng được yêu cầu đó thì các doanh nghiệp của Việt Nam phải có sự đồng hành của các cơ quan Nhà nước, các Hiệp hội và kể cả các cơ quan địa phương để có thể đảm bảo được, lưu trữ được, hệ thống hóa được các thông tin đó và sẵn sàng cung cấp cho các cơ quan liên quan của Hoa Kỳ khi cần thiết.

NGUYỄN DUY
iconChia sẻ icon Chia sẻ
icon Chia sẻ

Advertisement