17/06/2017 09:37
Doanh nghiệp nội vẫn khó 'bắt tay' với khối FDI
Sự lệch pha giữa nhu cầu và khả năng đáp ứng là rào cản lớn khiến doanh nghiệp nội và khối đầu tư nước ngoài khó hợp tác với nhau.
Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF) giữa kỳ năm 2017 được tổ chức hôm nay (16/6) tại Hà Nội với một trong những mục tiêu chính là tháo gỡ khó khăn trong hợp tác giữa doanh nghiệp trong nước và khối đầu tư nước ngoài.
Sau gần 5 giờ thảo luận, hàng chục ý kiến, tranh luận đến từ6 hiệp hội doanh nghiệp FDI, các tổ chức, công ty trong nước và lãnh đạo các Bộ, ngành đưa ra xung quanh những vướng mắc về môi kinh doanh, quá trình hợp tác giữa các bên... Tuy vậy, nhiều rào cản chính yếu vẫn chưa thể tìm được cách giải quyết.
“Rất tiếc khi phải nói rằng các ý kiến để giải quyết vấn đề lệch pha trong phối hợp giữa khối doanh nghiệp nhỏ và vừa trong nước cùng các doanh nghiệp FDI vẫn còn ít, dù đây là chủ đề chính của diễn đàn năm nay”, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ nhận định trong phần kết luận vào cuối diễn đàn.
Vấn đề này trước đó đã được Chủ tịch Phòng thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI), đồng Chủ tịch VBF – ông Vũ Tiến Lộc nêu ra từ phần phát biểu khai mạc diễn đàn.
“Không thể tiếp tục để tình trạng một quốc gia, hai nền kinh tế hay một nền kinh tế, hai tốc độ tăng trưởng như hiện tại, khi mà nhóm doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) và khối doanh nghiệp nhỏ và vừa trong nước không có sự gắn kết, hỗ trợ lẫn nhau”, ông Lộc nhận xét.
Theo số liệu từ VCCI, doanh nghiệp FDI được đánh giá là nhân tố quan trọng, đóng góp trên 50% giá trị công nghiệp chế tác và trên 70% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam.
Tuy nhiên, dường như nền kinh tế vẫn chưa tận dụng được hết những lợi ích từ các dòng vốn FDI. Gần 30 năm sau khi Luật Đầu tư nước ngoài có hiệu lực, một thực trạng là kết nối cộng sinh trong kinh doanh giữa các nhà đầu tư trong và ngoài nước vẫn còn mờ nhạt, hiệu ứng lan toả về công nghệ và năng suất lao động từ các đối tác đến các doanh nghiệp trong nước còn rất hạn chế.
Sự cộng sinh rất yếu, đã được thể hiện trong tham luận của đại diện đơn vị này khi các dự án FDI trong nước còn có quá ít liên doanh (khoảng 80% FDI tại Việt Nam là doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài), tỷ lệ các doanh nghiệp tư nhân trong nước đang cung cấp các hàng hoá, dịch vụ cho doanh nghiệp FDI rất hạn chế (khoảng 14% doanh nghiệp tư nhân đang có khách hàng là các doanh nghiệp FDI).
Hoặc nếu nhìn nhận từ phía các doanh nghiệp FDI, liên kết hàng dọc với các công ty trong nước đang rất yếu khi chỉ có 26,6% đầu vào của FDI được mua tại Việt Nam, một tỷ lệ đáng kể còn lại là mua từ chính các doanh nghiệp FDI khác.
Trước sự lệch pha trong phối hợp giữa hai nhóm doanh nghiệp, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ cho biết, quan điểm của Chính phủ sẽ không cố gắng thu hẹp hay làm yếu đi nhóm FDI, mà sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho cả hai khu vực này cùng phát triển.
Đồng thời, Chính phủ cũng sẽ đưa ra các chính sách nhằm hỗ trợ sự kết nối hai khu vực này vào nền kinh tế, giúp các doanh nghiệp trong nước tham gia vào chuỗi giá trị của các doanh nghiệp FDI, nâng cao năng lực cạnh tranh.
“Khối doanh nghiệp FDI thì nói rằng doanh nghiệp trong nước không đủ năng lực để tham vào chuỗi giá trị của họ, còn doanh nghiệp trong nước lại bảo có khả năng nhưng các doanh nghiệp FDI chỉ thích hợp tác với các doanh nghiệp nước họ”, Chủ tịch VCCI nêu thực trạng và cho rằng, hai nhóm doanh nghiệp cần phải ngồi lại, phải đưa từng sản phẩm lên bàn để tìm ra giải pháp.
Mặc dù câu chuyện giữa khối doanh nghiệp vừa và nhỏ trong nước và các doanh nghiệp FDI còn chưa đạt được kết quả thỏa đáng, nhưng diễn đàn năm nay cũng ghi nhận những thành công nhất định.
Bộ Tài chính đưa ra hàng loạt số liệu về kê khai thuế điện tử, thời gian nộp thuế, thời gian làm thủ tục hải quan để chứng minh rằng thủ tục hành chính của Việt Nam đã có những chuyển biến tích cực. Không dưới 5 lần tại diễn đàn, đại diện của Bộ cũng cho biết sẽ tiếp thu, ghi nhận các ý kiến để tiếp tục sửa đổi các quy định.
Đại diện Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cũng cho biết sẽ thúc đẩy việc sửa đổi các thủ tục nhằm tạo điều kiện thông thoáng hơn cho nhà đầu tư nước ngoài tham gia vào thị trường chứng khoán. Trong khi đại diện Ngân hàng Nhà nước khẳng định sẽ tiếp tục thực hiện đơn giản hóa chứng từ, ngoại hối và quá trình thanh toán đối với nhà đầu tư, doanh nghiệp nước ngoài tại Việt Nam.
Ở khía cạnh khác, những vấn đề nêu ra trong tham luận của các hiệp hội, tổ công tác không chỉ có được sự ghi nhận từ phía các Bộ ngành mà còn có cả những ý kiến phản biện, đóng góp.
Các rào cản trong thương mại, hàng rào thuế quan được các hiệp hội doanh nghiệp nước ngoài tại Việt Nam nêu ra như một vướng mắc cản trở sự tham gia vào thị trường, đã được Thứ trưởng Công Thương - Trần Quốc Khánh phản biện một cách quyết liệt.
“Các doanh nghiệp không thể đổ lỗi cho rào cản thương mại, hàng rào thuế quan của Việt Nam, khi chính Việt Nam cũng là nước nhập siêu trong nhiều năm liền. Nếu có rào cản một cách quyết liệt thì đáng ra Việt Nam phải là nước xuất siêu”, ông Khánh nhận xét.
Đại diện Bộ Công Thương cũng nhìn nhận, không thể nói rằng các biện pháp kiểm tra nhu cầu kinh tế, các biện pháp bảo hộ cản trở quá trình hội nhập, khi mà các nhà bán lẻ quốc tế như Metro, BigC hay các chuỗi bán lẻ, cửa hàng tiện lợi như Circle K, 7-Eleven đang tham gia thị trường Việt Nam ngày càng mạnh và trực tiếp chèn ép doanh nghiệp trong nước.
Khi nhận được ý kiến về thị trường lao động chưa đáp ứng được yêu cầu của các doanh nghiệp nước ngoài, thay vì chỉ ghi nhận và điều chỉnh, đại diện Bộ Lao động Thương binh và Xã hội đã trực tiếp đề nghị các doanh nghiệp nước ngoài hãy tổ chức các lớp dạy nghề ngay cạnh các cơ sở làm việc để trực tiếp đào tạo nhân sự phù hợp, hoặc phối hợp trực tiếp với các trung tâm giao dục dạy nghề khác để cải thiện chất lượng lao động.
Advertisement
Advertisement
Đọc tiếp