26/09/2021 17:00
Doanh nghiệp kiến nghị Chính phủ mạnh dạn mở cửa, thích ứng với nCoV
Hàng loạt doanh nghiệp, hiệp hội đã có kiến nghị gửi Chính phủ, Thủ tướng tại hội nghị trực tuyến Thủ tướng với cộng đồng doanh nghiệp và các địa phương bàn về các giải pháp tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp trong bối cảnh Covid-19 diễn ra sáng 26/9.
Trong các kiến nghị gửi tới Chính phủ, các doanh nghiệp, hiệp hội đều trình bày về những khó khăn đang gặp phải dưới tác động của dịch Covid-19, đồng thời, đề xuất giải pháp để các bộ, ngành, cơ quan quản lý xem xét thực hiện hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua giai đoạn khó khăn này.
Doanh nghiệp bất động sản cần hỗ trợ dòng tiền
Trong kiến nghị gửi Thủ tướng, Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) cho biết sau gần 2 năm chống chọi với Covid-19, hầu hết doanh nghiệp trong ngành đã kiệt sức, thậm chí một số doanh nghiệp đã lâm vào nguy cơ phá sản nếu không được hỗ trợ kịp thời.
HoREA cho rằng lĩnh vực bất động sản hiện đóng góp 7-8% GDP hàng năm và có liên quan đến hơn 35 ngành nghề khác, tạo việc làm cho hàng triệu người lao động. Tuy nhiên, các doanh nghiệp bất động sản lại chưa được các ngân hàng xem xét hỗ trợ thỏa đáng vì vẫn bị coi là lĩnh vực kinh doanh tiềm ẩn rủi ro.
Nếu không được hỗ trợ, nhiều doanh nghiệp bất động sản sẽ đứng trước nguy cơ mất thanh khoản, “chết trên đống tài sản”
Hiệp hội Bất động sản TP.HCM
Do vậy, HoREA cho rằng cần có cơ chế chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp trong ngành vượt qua đại dịch lần này.
Theo hiệp hội, việc thực hiện giãn cách xã hội diện rộng đã khiến các doanh nghiệp bất động sản thiếu hụt dòng tiền. Điều này có thể làm cho doanh nghiệp khó khăn ngay lập tức do không còn tiền để trả lãi vay, trả nợ, không còn tiền để duy trì hoạt động, trả lương người lao động.
HoREA trước đó đã có văn bản gửi Ngân hàng Nhà nước đề xuất giảm thêm lãi vay cho doanh nghiệp bất động sản, đồng thời tạo điều kiện để nhóm doanh nghiệp này được tiếp cận nguồn vốn mới. Nếu không được hỗ trợ, nhiều doanh nghiệp bất động sản sẽ đứng trước nguy cơ mất thanh khoản, “chết trên đống tài sản”.
Liên quan lĩnh vực bất động sản, Hiệp hội Nhà thầu Xây dựng Việt Nam (VACC) cũng có kiến nghị gửi Chính phủ đề xuất một số giải pháp nhằm tháo gỡ, giúp các doanh nghiệp xây lắp cầm cự qua thời điểm dịch bệnh.
Cụ thể, ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch VACC, cho biết dịch bệnh đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của nhóm doanh nghiệp xây dựng.
VACC kiến nghị Thủ tướng giao Bộ Xây dựng hướng dẫn việc áp dụng quy định về điều kiện bất khả kháng đối với các hợp đồng giao nhận thầu thực hiện trong thời điểm giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16. Bên cạnh đó, đề xuất bổ sung các chi phí phòng dịch bắt buộc, chi phí tạm dừng thi công chờ việc, chi phí kiểm tra nhanh dịch bệnh cho cán bộ, công nhân... vào chi phí đầu tư xây dựng công trình.
Ngoài ra, VACC cũng cho rằng cần có quy định hướng dẫn cụ thể về điều kiện để công trình được tiếp tục thi công trong thời gian thực hiện Chỉ thị 16, công trình nào phải tạm dừng.
Theo ông Hiệp, những công trình xây dựng hạ tầng kỹ thuật, san nền có mặt bằng thoáng, không tập trung đông người hoặc những công trình xây dựng đang ở giai đoạn hoàn thiện để bàn giao mà không nằm trong vùng dịch thì nên được tiếp tục triển khai nhưng đảm bảo tuân thủ đầy đủ các biện pháp kiểm tra, phòng chống dịch.
Ngoài ra, VACC cũng kiến nghị dừng thu bảo hiểm xã hội 6 tháng cuối năm cho tất cả lao động thời vụ ký hợp đồng lao động từ dưới 6 tháng tại các doanh nghiệp xây dựng.
Du lịch từ hơn trăm triệu khách về con số 0
Một trong những kiến nghị được gửi tới Thủ tướng lần này là của nhóm doanh nghiệp trong ngành du lịch liên quan vấn đề "thẻ xanh" để giúp ngành khôi phục hoạt động kinh doanh.
Đại diện các doanh nghiệp cho biết du lịch là ngành chịu tác động trực tiếp và nghiêm trọng nhất từ dịch Covid-19 trong 2 năm trở lại đây.
Hiện ngành du lịch toàn quốc chỉ còn khoảng 2.200 doanh nghiệp có giấy phép kinh doanh lữ hành với phần lớn phải chuyển sang kinh doanh lữ hành nội địa, người lao động ngành bắt buộc phải chuyển đổi nghề khác để kiếm sống, dẫn tới nguy cơ thiếu hụt nhân lực khi du lịch khôi phục trở lại.
Đến hết tháng 6, số cơ sở lưu trú du lịch trong cả nước là 37.000 điểm với 780.000 buồng, công suất phòng trung bình chỉ đạt 15%, nhiều nơi dưới 10%, nhiều cơ sở sau thời gian hoạt động cầm chừng phải đóng cửa.
Từ đầu năm đến nay, các doanh nghiệp du lịch chỉ kinh doanh được 3 tháng và chỉ có khách nội địa, không có khách quốc tế. Các khách sạn nhà hàng, lữ hành vận chuyển và dịch vụ, gần như đóng cửa 100%.
Nhiều hệ thống trung tâm du lịch, giải trí từ 18 triệu khách quốc tế và 83 triệu lượt khách nội địa thì đến tháng 6 năm nay tất cả chỉ là con số 0, hàng chục nghìn lao động doanh nghiệp và lao động thất nghiệp.
Ông Nguyễn Quốc Kỳ, Chủ tịch HĐQT Vietravel, cho biết doanh nghiệp này là đơn vị đứng đầu ngành du lịch với 1.700 nhân viên, nhưng hiện có thời điểm chỉ còn duy trì 15-20 người lao động.
Chủ trương hiện nay là sống chung với dịch, vì vậy cần phải mạnh dạn mở cửa để kích thích sản xuất kinh doanh
Ông Phạm Hà, CEO Lux Group
Doanh thu của công ty trung bình đạt 7.000-8.000 tỷ đồng/năm nhưng đến nay có thể không đạt được 10% số này nếu không sớm áp dụng quy định đi lại với “thẻ xanh, thẻ vàng”.
"Chúng tôi rất bi quan, không biết ngành du lịch có tồn tại được không. Trong bối cảnh các nước xung quanh đã mở lại du lịch như châu Âu, Mỹ, ngay Trung Quốc chưa mở cửa quốc tế nhưng du lịch nội địa phục hồi lại gần như bằng trước dịch”, lãnh đạo Vietravel cho biết.
Kiến nghị về quy định cấp thẻ xanh di chuyển, theo ông Kỳ, mỗi tỉnh thành hiện tự đặt ra theo tiêu chuẩn riêng khiến khách du lịch khó đi xuyên vùng tỉnh. Vì vậy, Chính phủ, Ban chỉ đạo quốc gia về phòng chống Covid-19 cần khẳng định thẻ xanh có thể di chuyển cả nước, không nên có rào chắn giữa các tỉnh thì mới khai thông được luồng vận chuyển, giao thông vận tải và từ đó phục hồi du lịch.
Ông Phạm Hà, CEO Lux Group, cũng cho biết chủ trương hiện nay là sống chung với dịch, vì vậy cần phải mạnh dạn mở cửa để kích thích sản xuất kinh doanh. Một số địa phương có ngành du lịch phát triển như Quảng Ninh cần dứt khoát, mạnh dạn hơn nữa.
Ông Hà nhấn mạnh việc tiêm vaccine đang được đẩy nhanh hơn và những tỉnh thành như Hải Phòng, Quảng Ninh hoàn toàn đủ điều kiện để mở cửa du lịch trở lại.
Mở rộng đối tượng giảm thuế
Cũng tại hội nghị lần này, VCCI đề nghị cơ quan có thẩm quyền điều chỉnh thời hạn áp dụng các biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp đến hết tháng 6/2022 đồng thời giảm thuế giá trị gia tăng (GTGT) cho các loại hình dịch vụ như du lịch, nhà hàng, khách sạn, vận tải, chiếu phim… từ 30% lên 50% để tạo hiệu ứng tác động lớn hơn và cú hích hồi phục mạnh hơn với các ngành đang chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh.
Theo VCCI, sớm nhất phải đến quý II/2022, các hoạt động kinh tế mới có thể trở lại trạng thái bình thường mới, khi đó doanh nghiệp sẽ dần khôi phục được tình hình sản xuất kinh doanh của mình.
Tuy nhiên hiện nay, các giải pháp hỗ trợ về thuế, gồm giảm thuế thu nhập doanh nghiệp chỉ giới hạn trong năm 2021.
Trong thời gian vừa qua, nhiều doanh nghiệp cũng phản ánh về những khó khăn do dịch bệnh, đặc biệt là giai đoạn phải chấp hành nghiêm Chỉ thị 16 về giãn cách xã hội. Từ đó, khiến chi phí cố định trong doanh nghiệp bị tiêu hao, nhưng không có nguồn thu bù đắp.
Dù đã có những chính sách hỗ trợ thuế, phí, giãn hoãn cơ cấu nợ ngân hàng, nhưng doanh nghiệp vẫn cần dòng tiền nóng để trang trả các chi phí. Không những vậy, số tiền doanh nghiệp phải chi cho phòng chống dịch là rất lớn.
Vì vậy, VCCI đề nghị bổ sung dùng ngân sách Nhà nước hỗ trợ chi phí về phòng chống dịch bệnh cho những doanh nghiệp nào cố gắng cao nhất, trong thực hiện chủ trương của Chính phủ về duy trì mục tiêu kép, bằng cách được khấu trừ trong các khoản nộp ngân sách kỳ tiếp theo.
Bên cạnh đó, VCCI cũng đề nghị mở rộng đối tượng được hưởng chính sách giảm thuế TNDN 30%, là các doanh nghiệp có tổng doanh thu năm không quá 300 tỷ đồng thay vì mức không quá 200 tỷ đồng như đang đề xuất tại nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Theo VCCI, tại Điều 4 Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa năm 2017, một trong những tiêu chí xác định doanh nghiệp nhỏ và vừa là có tổng doanh thu năm trước liền kề không quá 300 tỷ đồng.
Vì vậy, nếu quy định doanh nghiệp có doanh thu không quá 200 tỷ đồng mới được hưởng ưu đãi là chưa hợp lý và sẽ loại bỏ một số doanh nghiệp nhỏ và vừa ra khỏi đối tượng được hưởng hỗ trợ.